Nổi tiếng trong cộng đồng hải ngoại trên đất Mỹ với giọng ca trữ tình trầm ấm, ca sỹ mang hai dòng máu Việt-Mỹ Randy với giọng ca mộc, không trau chuốt như lời tự sự trào ra từ cõi lòng của Randy đã khiến những khán thính giả phải rơi nước mắt.
Những năm gần đây, Randy thường xuyên về Việt Nam biểu diễn hơn, bởi như anh chia sẻ “muốn tìm về lại nơi chôn nhau cắt rốn để được gần gũi thêm với quê hương, từ đó có thể giới thiệu những ca khúc hay bằng lời Việt đến với nhiều công chúng hơn cũng như muốn đưa những hình ảnh đẹp của đất nước qua các sáng tác của mình.”
Randy tên thật là Trần Quốc Tuấn, lớn lên tại cô nhi viện Thánh Tâm (Đà Nẵng). Đến 5 tuổi, anh được một gia đình ở Cẩm Hà (Hội An) nhận làm con nuôi.
Chúng tôi hẹn gặp Randy tại một quán càphê giữa lòng Sài Gòn trong một buổi chiều nhạt nắng. Cảm nhận đầu tiên của tôi đối với anh là một người luôn tràn đầy năng lượng. Anh nói tiếng Việt rất chuẩn và hát tiếng Việt rất tròn vành rõ chữ.
Ở lần thi thứ hai tổ chức vào năm tiếp theo, anh lại đăng ký tham gia và giành giải nhất. Randy được nhận vào ban nhạc Hải Âu ở California năm 1992 và kể từ đó anh chính thức bước vào con đường ca hát chuyên nghiệp.
Năm 2007, Randy lần đầu về nước và sau đó anh được biết đến là “ca sỹ đi tìm mẹ” suốt nhiều năm qua.
Kể từ khi trở lại Viêt Nam biểu diễn, với anh cùng là hành trình về quê hương tìm lại người mẹ ruột.
Hiện, với sự giúp đỡ của một số tổ chức cũng như cá nhân, anh đã có hàng trăm cuộc gặp gỡ trên mọi miền đất nước để tiếp xúc với những người phụ nữ có khả năng là mẹ ruột của mình, nhưng tất cả đều không phải. Dù vậy, anh vẫn mong tìm lại người mẹ ruột, dù đó chỉ là một phần hy vọng mong manh.
Theo Randy, bố anh là người Mỹ còn mẹ là người Việt nhưng từ lúc mới sinh ra anh đã sống trong cô nhi viện ở Đà Nẵng trước khi được một gia đình ở Cẩm Hà (Hội An) nhận làm con nuôi.
Từ nhỏ anh đã thiếu thốn tình cảm gia đình, đặc biệt là tình cảm của người mẹ. Sự thiếu thốn ấy đã làm nên nguồn cảm hứng để anh cất cao lời ca tiếng hát, mang đến khán giả những cảm xúc về tình cảm mẹ-con, bằng những ca từ thuần Việt, trữ tình.
Hàng loạt ca khúc như “Mẹ,” “Hát lời mẹ ru,” “Nơi ấy mẹ mong”… do Randy thể hiện đã để lại ấn tượng mạnh trong lòng khán giả với một chất giọng đặc biệt, trầm ấm, mạnh mẽ nhưng thường đượm buồn, sâu lắng.
“Nói về Randy là nói về mẹ, về quê hương,” một khán giả đã chia sẻ với anh như thế sau buổi biểu diễn của anh.
Từ năm 2000, Randy sáng tác những ca khúc tiếng Việt và đến nay đã cho ra đời khoảng 40 tác phẩm, chủ yếu xoay quanh các chủ đề về mẹ, cha, tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương, đất nước.
Anh quan niệm: “Viết nhạc đối với Randy như việc mình vẽ tranh bằng lời, những cung bậc tình yêu cảm xúc sẽ mang lại cho mình một bức tranh ý nghĩa”.
[Ngắm bộ ảnh thể hiện độ "chịu chơi" của ca sỹ hải ngoại Kavie Trần]
Những sáng tác của Randy được khán giả đánh giá cao như: "Mẹ," "Cha," "Vết thương vô hình," "Sự đời," "Chờ tin cha," "Hát lời mẹ ru," "Nhớ lắm vợ ơi…"
Người vợ hiện tại của Randy (quê ở Long An, hiện tại đang sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh) chính là nguồn cảm hứng vô bờ để Randy sáng tác những ca khúc về người vợ, người phụ nữ.
Chị luôn đứng sau phụ giúp chu toàn cho anh trong những lần đi biểu diễn, luôn ủng hộ tinh thần cho anh hết mình, và thường đóng góp ý kiến trong một số sáng tác của Randy.
Không chỉ sáng tác, Randy còn lồng ghép các cảnh đẹp của quê hương Việt Nam vào những video âm nhạc của mình. Anh muốn giới thiệu đến thế giới những cảnh đẹp, con người và văn hóa, phong tục của Viêt Nam vào những sáng tác của mình.
Gần đây, Randy cho biết có ký hợp đồng với một kênh âm nhạc trên Youtube, anh dự định sẽ làm phụ đề bằng tiếng anh cho các video ca nhạc của mình, để nhiều khán giả các nước cùng nghe và hiểu được những ca khúc của người Việt sáng tác.
“Chẳng qua do khán giả nước ngoài không hiểu ngôn ngữ Việt thôi, chứ chúng ta cũng có những bài hát, áng thơ hay, nhạc sỹ giỏi, và tôi chỉ chuyển ngữ thôi, nhưng tôi mong muốn góp một điều gì đó để giới thiệu những gì của Việt Nam đến với công chúng thế giới”, ca sỹ Randy chia sẻ dự định của mình./.
Bài: Sơn Nghĩa
Ảnh: Đặng Kim Phương & Tư liệu nhân vật cung cấp