Chặn "vòi bạch tuộc" tín dụng đen: Còn thiếu hành lang pháp lý

Để ngăn chặn tín dụng đen, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần sớm ban hành quy định, hành lang pháp lý cho mô hình công nghệ tài chính, cung cấp dịch vụ cho vay với lãi suất phù hợp pháp luật.
Chặn "vòi bạch tuộc" tín dụng đen: Còn thiếu hành lang pháp lý ảnh 1Tang vật hoạt động cho vay nặng lãi bị thu giữ. (Ảnh: Thanh Tân/TTXVN)

Tín dụng đen dù đã được kiềm chế nhưng vẫn còn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp dẫu cho nhiều giải pháp đã được các bộ, ngành liên quan triển khai quyết liệt.

Xoay quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Luật SBLAW để cùng tìm hiểu rõ vì sao tín dụng đen vẫn có đất sống và đâu là những giải pháp hiệu để đẩy lùi vấn nạn này?

- Tín dụng đen đã len lỏi vào đời sống thường nhật, không chỉ ở các vùng nông thôn, miền núi mà ngay cả thành thị. Xin ông chia sẻ thêm về một vài trường hợp khách hàng tìm đến luật sư để giúp thoát khỏi bẫy tín dụng đen?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Trong quá trình hành nghề luật sư, tôi cũng nhận được nhiều lời đề nghị tư vấn từ người dân bị vướng vào tín dụng đen. Đặc biệt gần đây, việc vay tiền qua các ứng dụng (app) trực tuyến nở rộ. Người dân khi sử dụng app để vay tiền thường được hứa hẹn vay khá đơn giản không cần tài sản thế chấp.

Tuy nhiên khi đã tiến hành ký hợp đồng vay trên app thì bị trừ rất nhiều loại phí khiến số tiền thực nhận về rất thấp. Có trường hợp vay 10 triệu đồng khi nhận về chỉ có 7-8 triệu đồng với lãi suất tương đối cao. Sau khi vay, đến hạn nếu chậm trả nợ, người vay có thể bị tung các thông tin cá nhân hoặc thông tin của người thân lên mạng xã hội bôi nhọ, làm mất uy tín.

Bên cạnh đó, nhiều nhóm xã hội đen cũng cho vay với lãi suất rất lớn từ 5.000-7.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Với lãi suất cao như thế đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh như hiện nay, rất khó để người vay có thể trả nợ được. Và khi không trả được, nhiều đối tượng côn đồ, xã hội đen sẽ đến quấy nhiễu người vay và gia đình, gây áp lực về tinh thần thậm chí còn dùng cả bạo lực, hung khí.

Có thể thấy, tín dụng đen ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều tầng lớp người dân, từ doanh nhân cần tiền đảo nợ ngân hàng, xử lý vấn đề cá nhân cho đến các bạn học sinh, sinh viên hay những người dân cần tiền chi tiêu cấp bách.

- Như ông vừa chia sẻ, tín dụng đen hiện nay núp bóng dưới những ứng dụng cho vay tiền online với quảng cáo lãi suất khởi điểm rất thấp. Ông có thể nói rõ hơn về hiện tượng này?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Nếu như trước đây phổ biến hình thức "ngân hàng cột điện" với nhiều lời quảng cáo vay nhanh lãi suất thấp trên các tờ rơi dán dọc các bờ tường, cột điện, thì nay với sự phát triển của internet người ta tạo nhiều app khác nhau mà người dân có thể dùng smartphone để vay tiền đơn giản chỉ bằng cách cung cấp chứng minh nhân dân.

Tuy nhiên, hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) hiện vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và rất ít doanh nghiệp được cấp phép cho hoạt động này. Do đó, phần lớn các app cung cấp dịch vụ cho vay trực tuyến đều là các app vi phạm pháp luật.

[Kiên quyết dẹp bỏ tệ nạn tín dụng đen, cho vay nặng lãi]

Họ cho vay với thủ tục tương đối đơn giản và quảng cáo lãi suất thấp nhưng lại sử dụng các chiêu thức khác như trừ chi phí quản lý, phí lập hồ sơ... khiến số tiền thực nhận về rất ít và lãi suất phải trả rất cao.

Qua internet, các app này nở rộ và phát triển nóng khiến các cơ quan chức năng rất khó kiểm soát. Trong khi đó, vay qua app tương đối dễ dàng, nên người dân cứ tặc lưỡi vay tạm để giải quyết nhu cầu cá nhân nhưng vay rồi mới biết số tiền nhỏ nhưng lãi rất lớn.

Nguy hiểm hơn nữa, khi đến hạn trả nợ người dân không trả được thì lại được giới thiệu sang app khác để vay tiếp. Người dân cứ bị cuốn vào vòng quay vay app sau trả app trước, ảnh hưởng lớn đến tài chính cá nhân và tinh thần khi không trả được nợ.

- Sự xuất hiện của tín dụng đen biến tướng như trên sẽ ảnh hưởng thế nào tới các công ty tài chính công nghệ và các ngân hàng cũng đang triển khai xây dựng hệ thống cho vay online chính thống, thưa ông?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Ở Việt Nam hiện nay, hành lang pháp lý cho mô hình Fintech, P2P (cho vay ngang hàng) hay hình thức cho vay online của các ngân hàng vẫn còn thiếu, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang phải xây dựng lại những quy định liên quan.

Chặn "vòi bạch tuộc" tín dụng đen: Còn thiếu hành lang pháp lý ảnh 2Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tìm đến giải pháp huy động vốn P2P Lending.

Các app hiện nay phát triển không chịu sự ràng buộc nào của quy định pháp luật. Nếu bị cơ quan pháp luật "sờ" đến, ngay lập tức họ có thể biến mất. Nhiều app sử dụng nguồn vốn nước ngoài hoặc đặt máy chủ ở nước ngoài khiến cơ quan chức năng rất khó xử lý. Từ đó ảnh hưởng lớn đến thị phần cho vay hợp pháp từ app của ngân hàng hay các công ty Fintech đang trong quá trình thử nghiệm.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng không phân biệt được đâu là app thật của ngân hàng, tổ chức tín dụng hợp pháp và các app bất hợp pháp dẫn đến mất niềm tin với xã hội đối với mô hình cho vay qua những ứng dụng trên mạng.

- Thưa ông, nhiều giải pháp đã được ngành ngân hàng triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn tiêu dùng của người dân. Nhưng trong nhiều trường hợp người dân vẫn tìm đến những nguồn vốn phi chính thức từ các tiệm cầm đồ, các cá nhân, tổ chức cho vay nặng lãi…. Theo ông, cần làm gì để cải thiện tình trạng này?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần sớm ban hành các quy định, hành lang pháp lý cho mô hình hoạt động của Fintech, P2P... bởi đây là xu thế tất yếu trên thế giới khi triển khai cho vay tiêu dùng những khoản nhỏ. Có thể cho phép nhiều công ty tham gia vào thị trường này và phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, đồng thời, đưa mô hình app vào quản lý để tránh các app bất hợp pháp.

Các cấp chính quyền địa phương, cơ sở cần có chính sách quản lý chặt, tuyên truyền cho các hiệu cầm đồ về quy định pháp luật về lãi suất, đòi nợ hợp pháp... vì hiện đây là nơi cung cấp nguồn tín dụng đen phổ biến trên thị trường.

Nhiều vụ việc đã được các cơ quan điều tra khởi tố nhưng đó mới chỉ là các vụ điển hình, tình trạng cho vay nặng lãi vẫn diễn ra tương đối phổ biến, mà chưa xử lý được triệt để. Do đó, cần tuyên truyền, giáo dục cho người dân nhận thức được vấn nạn tín dụng đen, phân biệt được app hợp pháp và bất hợp pháp. Hơn nữa, chính các ngân hàng, tổ chức tín dụng, Fintech cũng cần phải cung cấp được những sản phẩm, dịch vụ cho vay cạnh tranh để đẩy lùi "app đen."

- Luật sư có lời khuyên nào đối với những người đã lỡ sa chân vào "bẫy" tín dụng đen?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Trước tiên người dân cần phải tìm hiểu rõ các quy định của pháp luật. Cho vay nặng lãi là hành vi vi phạm pháp luật. Điều 201 của Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định: Nếu tổ chức cá nhân nào cho vay nặng lãi, với lãi suất quá 5 lần mức quy định của Bộ Luật dân sự và thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc chưa được xóa án tích thì cơ quan chức năng hoàn toàn có thể khởi tố về tội cho vay nặng lãi theo quy định của Bộ Luật hình sự.

Như vậy, các nạn nhân bị đối tượng xã hội đen đe dọa đòi nợ có thể làm đơn tố cáo ra các cơ quan công an, cung cấp các bằng chứng giao dịch để cơ quan công an nhanh chóng xác định và đưa ra truy tố.

Bên cạnh đó, với hành vi cho vay nặng lãi, nếu không đáp ứng tiêu chuẩn của Điều 201 kể trên, các cơ quan chức năng vẫn có thể xử phạt vi phạm hành chính từ 5-10 triệu đồng.

Tín dụng đen vẫn còn đất sống cũng bởi người dân còn gặp khó khăn trong tài chính, đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19 này. Bởi vậy, trước khi chọn vay, người dân cần tìm hiểu kỹ về app và nguồn vay. Hiện có nhiều Fintech cung cấp dịch vụ cho vay với lãi suất phù hợp theo quy định của pháp luật, tránh vay các app đen hoặc dịch vụ cho vay nặng lãi ở ngoài xã hội.

- Trân trọng cảm ơn ông!./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục