Chân lý của Bác soi đường cho giáo dục phát triển

Câu nói bất hủ “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hướng dân tộc Việt Nam vươn tới đỉnh cao văn hóa.
Tiếp theo loạt bài đã trích đăng từ cuốn Kỷ yếu của Hội thảo khoa học quốc tế “Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay” vừa diễn ra tại Hà Nội, Vietnam+ xin trân trọng trích đăng bài viết của giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước, nhan đề "'Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu' - chân lý của thời đại."
 
Câu nói bất hủ “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - anh hùng dân tộc vĩ đại, danh nhân văn hóa của nhân loại - đã trở thành chân lý của thời đại. Nó hướng cả dân tộc Việt Nam vươn tới đỉnh cao của văn hóa, văn minh, xứng đáng một nước Việt Nam độc lập xã hội chủ nghĩa.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nha Bình dân học vụ nhanh chóng được thành lập với nhiệm vụ tổ chức, đôn đốc phong trào bình dân học vụ  làm cho phong trào học tập phát triển khắc nơi, từ thành thị đến nông thôn, từ miền ngược đến miền xuôi.  

Chỉ trong vòng một năm đã có trên 2,5 triệu người biết chữ. Các hủ tục cũng dần được xóa bỏ. Đời sống văn hóa mới từng bước được xác lập. Đặc biệt  đã có một số trí thức người Việt có trình độ uyên thâm đã từ Pháp trở về nước góp phần quan trọng xây dựng nền móng hệ thống giáo dục phổ thông, chuyên nghiệp, đại học, văn hóa, khoa học kỹ thuật của đất nước.

Lời kêu gọi "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu" đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp giáo dục, văn hóa, khoa học kỹ thuật trong từng giai đoạn cách mạng Việt Nam, phục vụ quá trình phát triển của đất nước.  

Ngay trong thời kỳ  trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn xa trong rộng, luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện cho phát triển văn hóa, giáo dục, các trường lớp trong nước đã được mở để đào tạo bồi dưỡng cán bộ; mặt khác, nhiều thiếu sinh quân được cử đi học ở Quế Lâm Trung Quốc, nhiều cán bộ khoa học và quân sự được cử đi Liên Xô, Trung Quốc để đào tạo, chuẩn bị lực lượng cán bộ cho giai đoạn cách mạng mới. 

Tháng 7/1948 báo cáo "Chủ  nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam" đã khẳng định nền văn hóa mới mà Đảng và nhân dân ta xây dựng là nền văn hóa dân chủ mới Việt Nam "phải gồm đủ ba tính chất: dân tộc, khoa học, đại chúng".  

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định phải "Xúc tiến công tác văn hóa để đào tạo con người mới và cán bộ mới cho cuộc kháng chiến kiến quốc. Phải triệt để tẩy trừ mọi di tích thuộc địa và ảnh hưởng nô dịch của văn hóa đế quốc. Đồng thời phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hóa tiến bộ thế giới, để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam có tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng".

Sau hòa bình (1954) hệ  thống giáo dục phổ thống, y tế phát triển mạnh, số học sinh năm 1960 tăng 80 lần so với năm 1957; cơ  sở y tế năm 1960 tăng hơn 11 lần năm 1955. Nhiều cán bộ, học sinh được cử đi nghiên cứu, học tập ở nước ngoài để tiếp thu kiến thức mới, hiện đại về phục vụ đát nước. Đời sống văn hóa, trình độ hiểu biết của nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (1960) đến Đại hội lần thứ V của Đảng đã nêu định hướng xây dựng nền văn hóa Việt Nam xã hội chủ nghĩa với hai đặc trưng có nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc.  

Ngay từ năm 1960, Đảng ta đã xác định để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì cách mạng khoa học kỹ thuật phải là  then chốt. Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất đã đề ra một trong những nhiệm vụ là: nâng cao trình độ văn hóa của nhân dân, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; nâng cao năng lực quản lý kinh tế của cán bộ, công nhân và nhân dân lao động, tăng cường đào tạo đội ngũ công nhân lành nghề; xúc tiến công tác khoa học kỹ thuật, xúc tiến thăm dò tài nguyên thiên nhiên và tiến hành điều tra cơ bản.

Chính vì nhận thức rõ vai trò của tri thức và đội ngũ trí  thức đối với sự phát triển của đất nước mà lớp lớp cán bộ được đào tạo, trưởng thành và đã có đóng góp có tính chất quyết định cho sự phát triển của đất nước.  

Điều đó, khẳng định, Đảng ta đã luôn thấm nhuần hiện lời dạy của Bác "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Bởi vì nếu một dân tộc kém về trí lực, chậm hiểu, chậm tiếp thu thì không thể làm nên những bước nhảy vọt mà sau khi thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất: "Miền Bắc nước ta đã tiến những bước dài chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc. Đất nước, xã hội và con người đều đổi mới".  

Trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa đã đạt được những thành tựu quan trọng, trình độ văn hóa, khoa học, kỹ thuật của cán bộ và nhân dân được nâng lên rõ rệt. Năm 1965, số học sinh phổ thông tăng gấp 3,5 lần, số sinh viên đại học và trung học tăng 25 lần so với năm 1960; hầu hết các xã đều có trường phổ thống cấp I (nay là phổ thông tiểu học), cấp II (nay là phổ thông trung học cơ sở), huyện có trường phổ thông cấp III (nay là phổ thông trung học); có 18 trường đại học với 26.100 sinh viên; đã có 21.332 cán bộ tốt nghiệp đại học và 55.000 cán bộ tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp; 70% số huyện có bệnh viện, 90% số xã đồng bằng và 78% số xã ở miền núi có trạm y tế, số bác sĩ, dược sĩ tăng gấp 5 lần so với năm 1960 (năm 1965 có 1.525 bác sĩ và 8.043 y sĩ) đã tạo tiền đề cho những bước phát triển tiếp theo.

Khi Đế quốc Mỹ  tiến hành leo thang chiến tranh, đánh phá miền Bắc, các trường học phải sơ tán thậm chí học dưới hầm nhưng sự nghiệp giáo dục, văn hóa không bị ngừng trệ mà còn phát triển từ hệ phổ thông đến đại học và trên đại học. Công tác nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản, thăm dò tài nguyên được đẩy mạnh phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế ở miền Bắc, chi viện cho miền Nam nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ thống nhất đất nước.

Năm 1975, đất nước thống nhất, mục tiêu xây dựng đất nước đã chuyển sang giai đoạn mới, đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ  có trình độ lý luận, chuyên môn cao hơn. Điều  đó tạo điều kiện cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo và văn hóa trong cả nước phát triển. Hệ thống giáo dục, đào tạo đã được thống nhất trong cả nước, vấn đề phổ cập tiểu học đã được đặt ra, trẻ em đến tuổi đều được đi học.  

Hệ thống các trường chuyên nghiệp, dạy nghề và đại học, đào tạo trên đại học trong nước được mở rộng; hàng năm có hàng trăm nghiên cứu sinh, thực tập sinh được cử đi nước ngoài học tập trở về cùng với lực lượng được đào tạo trong nước đã góp phần giải quyết thành công những vấn đề khó khăn nảy sinh khi đất nước thống nhất.

Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986) đến nay, cùng với sự nghiệp đổi mới nói chung, sự nghiệp giáo dục, văn hóa cũng được đổi mới và nâng lên tầm cao mới. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã chỉ rõ: "Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và là động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Quan điểm này của Đảng ta đã được cụ thể hóa trong Luật Giáo dục và Luật Khoa học Công nghệ. Về văn hóa, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã xác định "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…".  

Sự nghiệp văn hóa, giáo dục và đào tạo ở nước ta đã  đạt được thành tựu rực rõ. Đến nay, cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành giáo dục đào tạo đã phát triển, có nền giáo dục, đào tạo rộng khắp, hoàn chỉnh, thống nhất về mục tiêu, tính chất, nguyên lý giáo dục. Giáo dục, đào tạo phát triển mạnh, không ngừng tăng về số lượng và chất lượng.  

Trong đổi mới đã xuất hiện những mô hình mới cùng hướng tới mục tiêu đào tạo. Các em trong độ tuổi đều được phổ cập phổ thông trung học cơ sở; hầu hết thanh niên học hết phổ thông trung học, có  gần 400 trường đại học và cao đẳng với hàng triệu sinh viên; có gần 20 ngàn tiến sĩ và trên 7 ngàn giáo sư, phó giáo sư; trình độ dân trí đã có bước phát triển vượt bậc; số học sinh trung cấp chuyên nghiệp tăng 15,1%/năm; dạy nghề dài hạn tăng 12%/năm, sinh viên đại học và cao đẳng tăng 8,4%/năm; các trường dạy nghề phát triển mạnh, chất lượng dạy nghề có chuyển biến tích cực, bước đầu đã hình thành mạng lưới dạy nghề cho lao động nông thôn, thanh niên các dân tộc thiểu số, gắn dạy nghề với tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo…

Tuy nhiên, đến nay chất lượng giáo dục, đào tạo được đánh giá: "Chất lượng giáo dục và đào tạo còn thấp. Khoa học và công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa…" .  

Song, phải khẳng định rằng nhờ có lực lượng cán bộ được  đào tạo ở trong và ngoài nước mà bước đầu chúng ta đã hội nhập thành công và đã đạt những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử.  

Đội ngũ cán bộ và trí thức đã giải đáp cơ bản những vấn đề do thực tiễn đặt ra và dần dần làm sáng tỏ lý luận đi lên chủ nghĩa xã hội; đã làm chủ được một số công nghệ hiện đại, tiên tiến, nhất là công nghệ vật liệu mới, xây dựng, khai khoáng và công nghệ sinh học, nhiều vaxcin phòng bệnh và giống lúa mới do các nhà khoa học Việt Nam tạo ra được thế giới đánh giá cao… đã góp phần quyết định đến sự thay đổi căn bản và toàn diện của nước ta, làm cho thế và lực, uy tín quốc tế của nước ta không ngừng tăng lên.  

Rõ ràng, nếu không có tri thức thì không thể làm nên những thắng lợi to lớn như trên. Thực tế đã chứng minh và  làm sáng tỏ câu nói của Bác "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu" và điều đó cũng khẳng định đó là một chân lý, vì thực tiễn bao giờ cũng là tiêu chuẩn cao nhất, là thước đo của chân lý, chỉ có bằng thực tiễn mới chứng  minh được chân lý, chứng minh được tư duy của con người có thể đạt tới chân lý khách quan hay không. Có nghĩa là suốt chiều dài lịch sử của đất nước, thực tiễn đã chứng minh tính hiện thực và sức mạnh của tư duy cách mạng chứa đựng trong câu nói của Bác “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”.

Ngày nay, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là một xu thế khách quan, ngày càng sâu rộng, vừa là quá trình hợp tác để phát triển, vừa là quá trình đấu tranh  để bảo vệ lợi ích quốc gia. Khoa học và công nghệ phát triển năng động, mạnh mẽ và đã trở thành lực lượng sản xuất xã hội trực tiếp; giáo dục và đào tạo có ý nghĩa quyết định đối với nền sản xuất vật chất của xã hội. Trong bối cảnh đó, khoa học, công nghệ và giáo dục, đào tạo là nhân tố quyết định sự thành bại của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.  

Vì vậy, Đảng ta đã xác định "giáo dục và đào tạo, cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu…". Hơn lúc nào hết, chân lý "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu" lại tỏa sáng, soi đường cho giáo dục, đào tạo phát triển./.
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Doan (Phó Chủ tịch nước)

Tin cùng chuyên mục