Chân dung ứng cử viên chức thủ tướng Hàn Quốc

Theo truyền thông Hàn Quốc, đây là lần đầu tiên một người từng đứng đầu cơ quan lập pháp - Cựu Chủ tịch Quốc hội Chung Sye-kyun được chỉ định làm thủ tướng.
Cựu Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Chung Sye-kyun. (Nguồn: EPA/EFE)

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 17/12 đã đích thân công bố quyết định tiến cử cựu Chủ tịch Quốc hội Chung Sye-kyun giữ chức thủ tướng.

Tổng thống Moon đánh giá ứng cử viên Chung là người thích hợp để thực hiện sứ mệnh đoàn kết và hòa hợp toàn dân, tạo thành quả rõ nét trong lĩnh vực kinh tế và dân sinh trong nửa nhiệm kỳ còn lại của chính quyền đương nhiệm.

Theo truyền thông Hàn Quốc, đây là lần đầu tiên một người từng đứng đầu cơ quan lập pháp được chỉ định làm thủ tướng.

Tổng thống Hàn Quốc cho biết ông Chung là người có hiểu biết kinh tế sâu rộng, kinh nghiệm phong phú và năng lực chính trị tốt, vừa tôn trọng đảng đối lập, vừa có khả năng đoàn kết, hòa hợp toàn dân.

Ông Chung Sye-kyun từng tốt nghiệp khoa luật trường Đại học Hàn Quốc, có bằng thạc sỹ chuyên ngành hành chính tại trường Đại học New York, Thạc sĩ Quản trị kinh doanh Đại học Pepperdine (Mỹ) và bằng tiến sỹ Quản trị kinh doanh tại Đại học Kyunghee Hàn Quốc.

[Cựu chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Chung Sye-kyun được đề cử làm thủ tướng]

Ông từng có thời gian dài lãnh đạo tập đoàn ô tô Ssangyong. Dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Roh Moo-hyun, ông giữ chức Bộ trưởng Công nghiệp, Thương mại và Tài nguyên.

Ông là nghị sỹ 6 khóa, từ Quốc hội khóa XV tới XX, từng giữ những chức vụ cao nhất trong đảng như Chủ tịch, đại diện đảng tại Quốc hội, đồng thời là Chủ tịch của nhiều Ủy ban thường trực Quốc hội.

Ông giữ chức Chủ tịch Quốc hội trong nửa đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XX, từ năm 2016-2018.

Bối cảnh dẫn tới quyết định tiến cử ông Chung Sye-kyun của Tổng thống Moon có thể tóm tắt bằng hai từ khóa là “kinh tế” và “đoàn kết.”

Trước tiên, ông Chung có bằng tiến sỹ Quản trị kinh doanh, từng lãnh đạo tập đoàn lớn, giữ chức Bộ trưởng Công nghiệp, tích lũy nhiều kinh nghiệm ở cả lĩnh vực kinh tế thực tiễn và chính sách kinh tế.

Chính quyền đương nhiệm đang rất cần tạo thành quả chính sách kinh tế rõ nét trong nửa nhiệm kỳ còn lại. Do đó, ứng cử viên Chung được đánh giá là người thích hợp nhất.

Đối với từ khóa “đoàn kết,” Tổng thống Moon nhận định với khả năng lãnh đạo quyết đoán, ông Chung có thể vừa quản lý hiệu quả bộ máy Chính phủ, vừa theo đuổi nền chính trị thỏa hiệp với các đảng đối lập.

Tổng thống đánh giá cao kinh nghiệm, năng lực làm việc và thỏa hiệp với chính giới của ông Chung thời còn làm Chủ tịch Quốc hội.

Tổng thống Moon hy vọng với tính cách ôn hòa, ứng cử viên Chung sẽ góp phần củng cố nền chính trị tôn trọng đối thoại, lắng nghe và thỏa hiệp. Phe cầm quyền đánh giá ông Chung sẽ thực hiện hiệu quả những chính sách quan trọng của Chính phủ về kinh tế, an ninh, và ngoại giao.

Qua quyết định tiến cử trên, Tổng thống Moon mong muốn thiết lập bộ máy nội các vững mạnh để khôi phục động lực điều hành quốc gia trong nửa sau nhiệm kỳ.

Tổng thống Moon đã ra sức thuyết phục ông Chung nhận vị trí này. Tuy nhiên, trước mắt, ứng cử viên Chung sẽ phải trải qua phiên điều trần kiểm tra tư cách đạo đức và năng lực tại Quốc hội.

Đảng Hàn quốc Tự do, đảng đối lập lớn nhất, đang phản đối hết sức quyết liệt, cho rằng việc Tổng thống Moon tiến cử một người từng đứng đầu cơ quan lập pháp vào vị trí thủ tướng làm tổn hại quy tắc tam quyền phân lập, biến Quốc hội thành “đầy tớ” phục vụ cho chính quyền, mưu đồ điều hành đất nước theo chế độ độc tài.

Tổng thống Moon giải thích bản thân ông cũng đã hết sức do dự trước khi đưa ra quyết định. Tuy nhiên, hiện nay, chính trị Hàn Quốc đang rơi vào thời kỳ mâu thuẫn, rạn nứt nghiêm trọng, rất cần một người như cựu Chủ tịch Quốc hội Chung Sye-kyun.

Bất chấp giải thích này, các đảng đối lập bảo thủ, chủ yếu là đảng Hàn Quốc Tự do, dự đoán sẽ tiếp tục phản đối gay gắt trong quá trình bổ nhiệm ông Chung./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục