Mokhtar Belmokhtar, trùm khủng bố một mắt vừa bị giết trong cuộc không kích mà Mỹ thực hiện ở Libya trong ngày 15/6, là một cựu chiến binh al-Qaeda kiêm kẻ đầu sỏ đứng sau vụ tấn công khủng bố tàn khốc, nhằm vào một nhà máy dầu khí của Algeria hồi năm 2013.
Theo AFP, với biệt danh "Độc nhãn," "Không thể sa lưới", "ngài Marlboro," gã đã bị Algeria tuyên án tử hình hai lần.
Trước cuộc không kích của Mỹ, có tin Belmokhtar đã bị tiêu diệt tại Mali, trước khi tin này được xác nhận là không chính xác. Mỹ đã từng treo thưởng số tiền 5 triệu USD cho đầu của trùm khủng bố này.
Ngoài vụ tấn công nhà máy dầu khí ở Algeria, Belmokhtar còn giám sát 2 vụ đánh bom xe ở Niger, làm ít nhất 20 người chết trong năm 2013.
Belmokhtar sinh năm 1972 tại thành phố Ghardaia của Algeria.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2007, gã nói rằng đã rời nhà theo tiếng gọi của những tay súng mujahedeen chống quân đội Liên Xô ở Afghanistan. Gã gia nhập lực lượng mujahedeen trong năm 1991, khi mới 19 tuổi.
Thời gian ở Afghanistan, Belmokhtar đã mất một mắt vì mảnh vỡ. Đây cũng là nơi gã lần đầu tiếp xúc với al-Qaeda.
Năm 1993, gã trở lại Algeria, chỉ một năm sau khi chính quyền hủy bỏ cuộc bầu cử với khả năng mang lại chiến thắng cho một phong trào Hồi giáo cực đoan. Việc hủy bỏ cuộc bầu cử đã gây ra nội chiến ở Algeria.
Belmokhtar đã gia nhập nhóm Hồi giáo vũ trang (GIA), chuyên thực hiện các cuộc tàn sát đẫm máu nhằm vào dân thường. Đôi khi GIA xóa xổ cả một ngôi làng.
Belmokhtar thăng tiến nhanh nhờ hiểu biết rõ về "Vùng xám," nơi gần như vô luật lệ, nằm ở Nam Algeria, Bắc Mali và Niger.
Ngoài ra, Belmokhtar còn được sự ủng hộ từ một mạng lưới liên minh với các bộ tộc mà gã tạo ra, thông qua nhiều cuộc hôn nhân.
Năm 1998, Nhóm chiến đấu và truyền giáo Salafi (GSPC) tách khỏi GIA. Belmokhtar, lúc này có biệt danh "Không thể sa lưới," đã đi cùng chúng.
Chín năm sau, GSPC chính thức chấp nhận tư tưởng thánh chiến của Osama bin Laden và tự gọi mình là al-Qaeda ở Maghreb Hồi giáo (AQIM).
Chia tay với al-Qaeda
AQIM xây dựng một mạng lưới quan hệ chặt chẽ với các bộ tộc nằm dọc theo vùng Sahel của châu Phi, thoải mái hoạt động trong địa hình khắc nghiệt và kiếm hàng triệu USD tiền chuộc từ việc bắt cóc các con tin châu Âu.
Nhưng Belmokhtar đã bị tống cổ khỏi ghế lãnh đạo AQIM tại Mali, do liên tục có những hành động "gây chia rẽ" trong nhóm này, bất chấp việc đã nhận nhiều cảnh báo.
Nổi tiếng trong vai trò một trùm buôn lậu - từ thuốc lá cho tới xe hơi trộm cắp, người di cư trái phép và thậm chí là ma túy - một số thành viên đã chất vấn mục đích của Belmokhtar khi hoạt động trong nhóm đề cao giá trị đạo đức của Hồi giáo như AQIM.
Có tin nói thủ lĩnh Abdelmalek Droukdel của AQIM khẳng định Belmokhtar bị đuổi khỏi nhóm do "đi chệch khỏi đường hướng đúng đắn."
Cuộc chia tay giữa Belmokhtar với AQIM nổi tiếng vào năm 2013, khi một lá thư từ al-Qaeda gửi tới Belmokhtar được tìm thấy và xuất bản.
SAu khi rời khỏi AQIM, Belmokhtar đã thành lập nhóm Signatories in Blood. Sau đó gã sáp nhập nhóm với MUJAO, một trong các nhóm Hồi giáo cực đoan đã giành quyền kiểm soát miền Bắc Mali vào đầu năm 2012, và qua đó thành lập nhóm Al-Murabitoun.
Gã mở cuộc tấn công nhà máy dầu khí ở Algeria, chỉ vài ngày sau khi Pháp can thiệp quân sự vào Mali trong tháng 2/2013. Nhóm Al-Murabitoun đã gọi cuộc tấn công là chiến dịch quân sự của "những kẻ thập tự chinh."
Cuộc bao vây dài 4 ngày tại nhà máy dầu In Amenas đã làm 38 con tin thiệt mạng, với gần như toàn bộ là người nước ngoài, 29 kẻ bắt con tin cũng bị giết.
Chad nói rằng Belmokhtar đã bị tiêu diệt trong một cuộc chiến dữ dội ở Bắc Mali hồi năm 2013. Nhưng Pháp chưa từng xác nhận thông tin này.
Tháng trước, Al-Murabitoun tuyên bố đã tuyên thệ trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tuy nhiên Belmokhtar đã lập tức giữ khoảng cách với tuyên bố này, nói rằng gã vẫn trung thành với al-Qaeda. Việc này cho thấy đã có tranh giành về lực trong tổ chức của Al-Murabitoun.
Chính quyền Libya hôm 15/6 cho biết Belmokhtar đã chết trong cuộc không kích của Mỹ. Đây là cuộc không kích đầu tiên Washington thực hiện kể từ khi chính quyền Moamer Kadhafi sụp đổ vào năm 2011.
Tuy nhiên Lầu Năm Góc cho biết trong khi Belmokhtar là mục tiêu của vụ không kích, việc gã còn sống hay không vẫn còn phải chờ xác nhận./.