Sau gần 30 năm đổi mới, diện mạo nền nông nghiệp đã dần thay đổi với nhiều thành tựu quan trọng, song "chân dung" người nông dân vẫn chưa được phác họa đậm nét trong công cuộc công nghiệp hóa-hiện đại hóa và hội nhập.
Đó là nhận định của ông Phạm Quốc Doanh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (đơn vị trực thuộc Chính phủ) vừa cho biết tại Hội thảo "Chân dung người nông dân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập" do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn phối hợp với Viện Xã hội học tổ chức sáng nay (5/12), tại Hà Nội.
Nông dân với 5 cái nhất
Mô tả về chân dung người nông dân hiện nay, ông Lê Quốc Cường, Chủ tịch Hội nông dân cũng cho rằng, nông dân Việt Nam vẫn đứng đầu với 5 cái nhất đó là: Đông nhất, nghèo nhất, nhiều bức xúc nhất, hi sinh nhiều nhất và hưởng lợi từ đổi mới ít nhất.
“Mẫu hình nông dân phù hợp với thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa để có thể đáp ứng được, làm được vai trò là chủ thể trong nông nghiệp và nông thôn cần phải là những người có trình độ khoa học kỹ thuật cao, thạo nghề bằng cách được đào tạo, tập huấn chuyên môn bài bản.
Bên cạnh đó, người nông dân phải có kiến thức sản xuất sản phẩm hàng hóa, biết sử dụng các công cụ phương tiện cơ giới cũng như áp dụng tin học vào sản xuất và tạo ra các kênh thị trường tiêu thụ bền vững.
Mặt khác, người nông dân cần giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa của người nông dân đồng thời biết kết hợp phát huy tính cần cù, sáng tạo, liên kết kinh doanh cùng phát triển và phải biết bảo vệ môi trường; đặc biệt, có tình cảm trong sáng tính cộng đồng cao và gắn kết tình làng nghĩa xóm,” ông Lê Quốc Cường nêu rõ.
Đồng quan điểm, phó giáo sư-tiến sỹ Mai Văn Hai (Viện Xã hội học) cho rằng, năng lực đổi mới của người nông dân Việt Nam trong thời kỳ hội nhập có vai trò rất to lớn. Tinh thần đổi mới nằm trong máu của người dân và người nông dân luôn giữ vai trò chủ đạo, tuy nhiên họ cần chủ động hội nhập hơn nữa để tạo nên những bức tranh đậm nét về chân dung người nông dân trong thời kỳ đổi mới.
Chưa tương xứng
Phát biểu tại hội thảo, phó giáo sư-tiến sỹ khoa học Bùi Quang Dũng, Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, đổi mới đã thúc đẩy nền nông nghiệp tiếp tục phát triển với tốc độ cao theo hướng sản xuất hàng hóa, đời sống vật chất và tinh thần của dân cư ngày càng được cải thiện đồng thời công tác xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả to lớn.
“Mặt khác, hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố và tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, song những thành tựu đạt được này chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước và khu vực nông thôn,” tiến sỹ Bùi Quang Dũng cho hay.
Tiến sỹ Bùi Quang Dũng cho biết, những nỗ lực thực hiện mục tiêu (đến năm 2010) của Nghị quyết 26-NQ/TW về “Tam nông” của Đảng về “Tăng cường công tác xoá đói, giảm nghèo, đặc biệt ở các huyện còn trên 50% hộ nghèo. Giảm tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới” đã đạt được. Tuy nhiên, nghèo ở các nhóm dân tộc thiểu số còn cao chiếm trên 15% tổng dân số và khoảng 47% tổng số người nghèo (2010); xu hướng nghèo theo vùng thay đổi đồng thời bất bình đẳng tăng lên.
Đặc biệt, đặc trưng người nghèo ở thập kỷ 90 vẫn tiêu biểu cho người nghèo trong giai đoạn hiện nay: Học vấn thấp, kĩ năng làm việc hạn chế, phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp tự cấp tự túc, cô lập về địa lý và xã hội, chịu những thiệt thòi mang tính đặc thù dân tộc, cũng như chịu các thiên tai và rủi ro.
Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, nhìn lại bức tranh của người nông dân trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, chưa thể gọi đã có những đánh giá về "chân dung" đầy đủ, song đây chính là bước đầu phác họa để xoay chuyển tạo định hướng xây dựng nên những nét cơ bản về người nông dân trong thời đại mới.
“Cái quan trọng nhất chúng ta đánh giá người nông dân không chỉ mặt khó khăn nghèo đói bấp bênh, hay nông dân thiệt thòi mà phải gắn với việc nông dân là chủ thể xây dựng và là người sáng tạo để phát triển kinh tế,” giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Xuân Thắng cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, đất nước cùng thực hiện 1 lúc 3 vấn đề: Đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường; thực hiện công nghiệp hóa gắn với công nghệ, gắn với thực hiện tái cấu trúc; vấn đề hội nhập phát triển dựa trên những lợi thế, việc tìm lối ra cho người nông dân Việt Nam phải chăng là cần nhận diện cho đúng chân dung người nông dân
“Phải nhìn được mặt tích cực, xác định được lối ra đó là cái gì. Cần nhìn nhận như vậy chúng ta mới có một bức tranh toàn diện về nông dân nông thôn. Nông dân yếu kém là có thật. Tuy nhiên cũng đã có sự manh nha tính tích cực. Chúng ta phải biết phát huy tính tích cực đó và nhà nước cũng như doanh nghiệp đến với nông thôn phải dẫn dắt.
Hiện nay chúng ta đang lúng túng trong việc phát triển mô hình nông thôn. Những chính sách của nhà nước phải cụ thể và phải sát thực với nhu cầu nông thôn. Chúng ta chỉ đưa ra tiêu chí và phát huy tính sáng tạo từng vùng miền và địa phương. Để cho người nông dân suy nghĩ. Nhà nước phải là người dẫn dắt, bà đỡ cho người nông dân,” ông Nguyễn Xuân Thắng kết luận./.