Chân dung “tượng đài áo trắng” thời chiến

Chân dung những “tượng đài áo trắng” của Việt Nam

Thật đúng là “lương y như từ mẫu,” chẳng hề có ranh giới hay phân biệt nào cho hai bên chiến tuyến đối với những “chiến sỹ áo trắng” nơi đạn bom ác liệt.
Chân dung những “tượng đài áo trắng” của Việt Nam ảnh 1Lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng được cắm trên nóc hầm tướng De Castries. (Nguồn: TTXVN)

Lực lượng quân y sỹ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ ngoài nhiệm vụ chính là điều trị cho các thương bệnh binh của ta, họ còn phải chữa trị cho các tù thương binh Pháp, trước khi trao trả số này về nước sau thất bại nặng nề của trận chiến lịch sử.

Và đúng là “lương y như từ mẫu,” chẳng hề có ranh giới hay phân biệt nào cho hai bên chiến tuyến đối với những “chiến sỹ áo trắng” nơi đạn bom ác liệt. Họ đã cứu sống tận tình cả những kẻ mà vừa mới trước đó còn cầm súng nã vào đồng bào mình, thậm chí người thân mình. Chính lòng nhân và vị tha đã tạo nên sức mạnh ấy, đã dựng nên những tượng đài màu trắng đẹp đẽ cho đời.

Cứu quân thù bằng lòng vị tha

Hầu hết những bác sỹ quân y mà tôi có dịp trò chuyện đều cho rằng, sở dĩ họ đối xử với tù thương binh Pháp cũng giống như với các thương bệnh binh Việt Nam, vì quan điểm “họ cũng là con người, nhà nước họ sai lầm, quân đội sai lầm và họ cũng chỉ là nạn nhân của chính sách thực dân Pháp.”

Ngày ấy, đội của đại tá, phó giáo sư Lê Văn Tiến, nguyên Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Thần kinh Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nguyên bác sỹ Đội Điều trị số 3 trong chiến dịch Điện Biên Phủ đóng quân ở phía Nam Mường Thanh, nơi địch bố trí lực lượng thưa thớt vì chủ yếu ở phía Bắc.

Nhưng sau khi giải phóng được Bản Kéo, đơn vị ông được lệnh chuyển về đó vì bản này là cứ điểm mà ta không cần đánh vẫn lấy được. Địch ở đấy nghe tin căn cứ Độc Lập và Him Lam bị mất nhanh chóng thì tinh thần hoảng loạn và bỏ trốn.

Trên đường di chuyển từ cơ sở đầu tiên về Bản Kéo, đội của ông Tiến gặp một toán tù binh Pháp và Âu Phi. Trong đó, một tù binh Pháp bị thương và chảy máu rất nhiều.

“Ngay lập tức, chúng tôi đưa bệnh nhân vào một căn nhà trống bên đường, bày dụng cụ mổ và thuốc men ra. Đó là vết thương bị nhiễm trùng thứ phát ở cổ tay trúng động mạch quay. Đội trưởng Đội Điều trị 3 và tôi đã tiến hành mổ, nối lại động mạch cho tù binh. Mổ xong, tên tù binh đó rất xúc động nói ‘Merci, merci’ [Cảm ơn, cảm ơn-PV]. Chúng tôi nghĩ rằng, như thế là mình đã thực hiện được điều mà Bác Hồ căn dặn: ‘Các chú nhớ chăm sóc, điều trị cho tù binh tốt. Vì họ là những người thua trận’,” ông Tiến kể.

Với những người như bác sỹ Tiến ngoài mặt trận ngày đó, cứu người là nhiệm vụ hàng đầu, không kể ta hay địch, không kể ngày hay đêm, không kể phương tiện cứu chữa thiếu thốn… mà luôn phải xem mạng người làm trọng. Đó cũng chính là lòng vị tha của dân tộc Việt Nam!

Chân dung những “tượng đài áo trắng” của Việt Nam ảnh 2Đại tá, phó giáo sư Lê Văn Tiến. (Ảnh:PV/Vietnam+)

Bản lĩnh cô y sỹ trẻ

Là y sỹ mới đôi mươi còn nhiều mơ mộng khi ngược phố lên Tây Bắc, hòa chung vào không khí chiến đấu sôi nổi của cả nước, đại tá, bác sỹ Nguyễn Thị Được, nguyên Phó Giám đốc bệnh viện 103 Học viện Quân y, nguyên y sỹ Đội Điều trị 4 trong chiến dịch Điện Biên Phủ chia sẻ: “Mãi đến 5 giờ sáng ngày 8/5, tôi mới biết địch đã đầu hàng. Tất cả anh em quân y chúng tôi ở dưới hầm, kể cả các anh em thương binh ôm chầm lấy nhau mà khóc. Khóc vì sung sướng, khóc vì chiến thắng.”

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đội của y sỹ Được vào tiếp quản Hồng Cúm, nhận nhiệm vụ chữa trị cho tù thương binh Pháp. Lúc bấy giờ, vừa hạnh phúc với niềm vui chiến thắng, cô gái trẻ cũng vừa lo lắng một nỗi, đêm hôm vào ở với Tây lẫn lộn như thế liệu có an toàn? Cuối cùng cô quyết định sẽ phải đi vì mang theo suy nghĩ mình là người chiến thắng và vẫn còn đồng đội.

Hơn 8 giờ sáng ngày 8/5, y sỹ Được cùng cấp trên và đồng đội đến nơi, gặp quan Ba người Pháp để nghe báo cáo lại tình hình tù thương binh, tình trạng thuốc men, phương tiện trang thiết bị quân y cũng như những khó khăn và nhận bàn giao lại công việc từ tay quan Ba.

“Chúng tôi đi xuống những cái hầm nửa chìm nửa nổi của thương binh Pháp. Mỗi hầm nằm khoảng 12 người. Cáng nằm của thương binh xếp trên những giá sách trong như những nong tằm. Mùi mồ hôi, mùi phân, nước tiểu, mùi máu mủ lâu ngày chưa được thay băng... trộn lẫn với nhau thật nồng nặc, khủng khiếp. Có những hầm lộ thiên phân nổi lềnh bềnh. Tôi còn nhớ rõ hình ảnh, những hàng súng máy, súng tiểu liên bị chúng vứt chỏng chơ dưới hố xí trước khi đầu hàng,” bà Được nhớ lại.

Hôm đó, y sỹ Được nhện lệnh phụ trách khu thương binh nặng có 80 sỹ quan Pháp, còn khu thương binh nhẹ có hơn 120 ngụy quân, ngụy quyền do đồng nghiệp chịu trách nhiệm. Bà Được cho biết, ngay trưa hôm ấy có lệnh căng dù, đưa tất cả thương binh Pháp lên mặt đất. Chúng sướng lắm vì bao lâu bị giam dưới hầm giờ mới được hít thở không khí trong lành, nhìn trời ngắm đất và yên trí là mình sẽ sống chứ không bị ngược đãi.

Trong quá trình điều trị, có lẽ cô y sỹ trẻ sẽ chẳng bao giờ có thể quên buổi sáng ngày 9/5: “Tôi đi cùng một y tá Pháp và một y tá của ta, vào đến một phòng có 12 thương binh thấy chúng ở trần trùng trục, trên người mặc độc chiếc silíp che thân nằm quay đầu vào nhau thành một vòng tròn. Khi thấy một bác sỹ trẻ vào chúng nó nhìn nhau cười đầy tinh quái. Một sỹ quan nói bằng tiếng Pháp ‘C’est une jeune fille et jolie’ [Cô gái thật trẻ và dễ thương-PV].”

Nghe thấy vậy tôi đứng khựng lại, mặt nóng bừng và nghiêm nét mặt bảo: ‘Hôm nay tôi là bác sỹ, tôi là thầy thuốc của Quân đội Việt Nam, có nhiệm vụ đến đây để chữa trị cho các ông theo lệnh cấp trên nhưng với điều kiện các ông phải tuân thủ kỷ luật. Các ông phải chấp hành mệnh lệnh của thầy thuốc, nếu không tôi sẽ từ chối chữa trị. Bắt đầu từ hôm nay, bắt đầu từ giờ này cứ đến giờ khám bệnh của tôi, đề nghị các ông phải mặc quần áo, ít nhất là một chiếc quần soóc, trừ ông nào bị nẹp chân.”

Nói xong cô y sỹ trẻ nhưng bản lĩnh ấy quay ra và không khám nữa, để một nam y tá ở lại giúp tù thương binh Pháp mặc quần áo. Mười phút sau cô quay lại thì mọi sự đã chỉnh tề, nghiêm túc hơn, không ai dám cười cợt như lúc đầu nữa.

Bà Được vẫn nhớ như in, mới đầu trực đêm bà phải đi 2-3 người (cùng với một y tá người Việt, một y tá Pháp) nhưng sau quen thì đi một mình, xông xáo xuống các lán, trao đổi chuyện trò và thậm chí binh lính còn khoe ảnh gia đình với bà.

“Tôi nhớ mãi ngày 19/5, sinh nhật Hồ Chủ tịch, hôm ấy tù binh được ăn tươi. Khi chúng tôi xuống thăm, đi đến đâu chúng nó cũng nói ‘Viva Ho Chi Minh, Viva Ho Chi Minh’ [Hồ Chí Minh muôn năm, Hồ Chí Minh muôn năm-PV]. Cảnh tượng khiến tôi thực sự cảm động và vô cùng vinh dự, vì những lời nói đó lại được thốt ra từ miệng những kẻ từng được coi là kẻ thù dân tộc. Những kẻ mới đây thôi còn bắn vào đồng bào ta, bắn vào quân đội ta mà giờ đây lại ca tụng,” bà Được xúc động kể lại.

Cho đến ngày cuối cùng, ngày chia tay, khi tù thương binh Pháp được lệnh ngày mai sẽ ra sân bay về nước, đêm ấy các y bác sỹ Việt Nam đến chào chia tay, ai cũng rất vui vẻ và cảm ơn bộ đội cụ Hồ, cảm ơn các y bác sỹ Việt Nam.

Và có lẽ, trong cả sự nghiệp cống hiến cho ngành y của mình, bà Được sẽ chẳng thể quên giây phút được ngẩng cao đầu hãnh diện khi binh lính Pháp xếp hàng chia tay, kể cả những người cầm nạng tập tễnh đi hay những tay nằm trên cáng hay những kẻ chỉ còn một tay để đeo balô... thì tất cả vẫn ngoảnh mặt lại, giơ tay vẫy chào và nói “cảm ơn, cảm ơn bộ đội cụ Hồ.”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục