Người Nùng ở huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) biết chế tác trang sức bạc có hàng nghìn, nhưng người biết chế tác các hoa văn cổ trên bạc chỉ còn lác đác vài người.
Song, người biết chế tác 12 bộ trang sức bạc theo văn hóa truyền thống của người Nùng dùng trong đám cưới thì chỉ còn mỗi ông già Cháng Thanh Tờ sống trên đỉnh núi Pờ Ly Ngài.
Ông Cháng Thanh Tờ cũng không nhớ rõ mình đã bén duyên với nghề truyền thống của gia đình từ khi nào. Chỉ biết, năm lên 20 tuổi, ông đã có thể chế tác thành thạo các trang sức bạc truyền thống của người Nùng.
Và có lẽ, lời trăn chối của người cha trước khi qua đời rằng: “Trang sức bạc là hồn cốt, là tập tục, không đeo bạc, người Nùng không biết nguồn cội, không biết tổ tiên nên con không thể để thất truyền được” đã là động lực để ông cần mẫn 2/3 cuộc đời làm nên những bộ trang sức tinh xảo chứa đựng lớp lang văn hóa của người Nùng ở dãy núi Tây Côn Lĩnh.
Giơ đôi tay chai sần, đen nhẻm cả đời đục đẽo hoa văn trên những mảng bạc, ông Tờ cất giọng buồn: "Ấy thế mà có lúc đôi tay này, nghề này không thể nuôi sống được gia đình, được bản thân đấy."
Đấy là thời điểm hơn chục năm về trước, khi những món trang sức mỹ kim tràn ngập trên các sạp hàng chợ huyện Vinh Quang. Đám thanh niên Nùng bảo, làm chiếc vòng bạc theo truyền thống tốn hết một con trâu, ra chợ huyện mua chỉ mất vài trăm nghìn, tội gì. Còn người già ngồi khâu vá thì chặc lưỡi, biết là chiếc cúc áo bướm bạc nó đẹp đấy, tổ tiên mình nghìn đời vẫn như thế nhưng nó đắt quá, tiền đâu mà mua đính vào áo, thôi thì dùng cúc nhôm đính vào, tổ tiên biết mình nghèo nên cũng bỏ qua.
Dĩ nhiên trong cách nghĩ ấy của người Nùng thời đó, ông Cháng Thanh Tờ và một số ít người biết chế tác trang sức bạc thành những người cô đơn nhất. Nét văn hóa độc đáo của dân tộc Nùng là khi cô gái đi lấy chồng, ngoài những sính lễ thì con dâu được nhà trai sắm lễ một bộ trang sức bạc. Ông Tờ quặn lòng khi đi ăn một số đám cưới trong bản, cô dâu không đeo trang sức bạc nữa, nhạc lễ không còn thanh la, kèn trống mà thay vào đó là nhạc xập xình loa đài.
Khi cơn lốc tức thời ấy đi qua, đời sống người Nùng ở Hoàng Su Phì khấm khá lên nhờ biết trồng cây chè, cây thảo quả thì người ta mới thấy được những giá trị truyền thống trong mỗi món trang sức bạc cần được gìn giữ. Nhiều vòng cổ có khắc hình các loại hoa lá, cá, chim thú, chụm đầu, vòng tay, cúc áo... trị giá trên 40 triệu đồng/bộ được nhiều người tìm đến ông Cháng Thanh Tờ đặt hàng. Nhưng âm thanh chạm bạc lại rộn vang khắp bản, ông nói vui: "Những giá trị của ông bà, tổ tiên để lại đã hồi sinh trong cuộc sống của người Nùng chúng tôi rồi."
Mừng hơn, trong một lần đi Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Hoàng Su Phì năm 2013 ở thị trấn Vinh Quang, ông Tờ đã gặp nghệ nhân Ly Sào Tin thôn Thinh Rầy, xã Nàng Đôn cũng tâm huyết với nghề chạm bạc của người Nùng. Hai nghệ nhân già đồng tộc đã trao đổi kinh nghiệm, các bí quyết và thống nhất rằng, vào ngày chợ phiên Vinh Quang (họp vào chủ Nhật hằng tuần) sẽ cho con cháu trong bản mình mang trang sức bạc xuống bán.
Từ đó, đến chợ phiên Vinh Quang thỉnh thoảng du khách bắt gặp những người phụ nữ Nùng đeo đầy các trang sức bạc rong ruổi bán cho bà con. Người mua thì ít, người xem thì nhiều nhưng ông Tờ cũng vui ra mặt vì ông cho rằng, có người xem chứng tỏ là người Nùng vẫn còn tha thiết với văn hóa của tổ tiên.
Tuy nhiên, ông Tờ cho biết đi khắp các dãy núi ở Hoàng Su Phì cũng không tìm được người thứ hai còn biết các bí quyết chế tác các đồ trang sức dành cho người phụ nữ Nùng trong ngày cưới. Con ông, cháu ông không một ai có hứng thú với nghề này nên ông sợ rằng, mai kia về với tổ tiên, cái nghề chạm bạc của người Nùng có nguy cơ bị thất truyền.
Bài: Thục Hiền
Ảnh: Thông Thiện