Trong nỗi buồn đau trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Tổng tư lệnh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, cán bộ, chiến sỹ và người dân trên mọi miền đất nước hướng về Đại tướng với bao tình cảm kính trọng, thân thương. Hình ảnh của Đại tướng và những kỷ niệm về ông vẫn vẹn nguyên trong trái tim mỗi người. Cựu Chủ nhiệm Khoa Marx-Lenin của Học viện Lục quân (Đà Lạt-Lâm Đồng), Đại tá Nguyễn Công Thành, về lại đơn vị cũ trong những ngày này để cùng đồng đội, cán bộ, học viên thắp nén nhang tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tá Thành tâm sự, trong cuộc đời binh nghiệp của mình, ông có vinh dự được nhiều lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng sâu sắc nhất, in đậm nhất trong ông đó chính là lần gặp đầu tiên. Bồi hồi, xúc động, cựu chiến binh - nhà giáo Nguyễn Công Thành nhớ lại. Vào năm 1960, lúc đó anh lính Nguyễn Công Thành mới 20 tuổi, là chiến sỹ trinh sát của Trung đoàn 219 - Cục Công binh. Năm đó, Bộ Quốc phòng tổ chức diễn tập cho Sư đoàn 308 tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Trong đợt diễn tập ấy, có một nội dung rất quan trọng là đơn vị công binh của Thành có nhiệm vụ trinh sát mở đường cho xe cơ giới của "ta" đánh vào cứ điểm “địch”. Khi đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến dự chỉ đạo diễn tập đã ân cần xuống tận nơi chỉ dẫn, động viên, nhắc nhở chiến sỹ. “Từ lời nói rất ân cần của vị Tổng tư lệnh với một chiến sỹ trẻ như tôi lúc bấy giờ đã để lại trong lòng tôi một ấn tượng rất sâu sắc, cho tôi có một sức mạnh, một niềm tin, định hướng phấn đấu rèn luyện đúng đắn trong suốt cuộc đời mình” - nhà giáo Nguyễn Công Thành bày tỏ. Với Đại tá, Giáo sư-Tiến sỹ Lương Minh Cao, nguyên Trưởng phòng Khoa học của Học viện Lục quân, chỉ một câu hỏi bất ngờ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng khiến ông ghi nhớ mãi trong công tác nghiên cứu, giảng dạy. Giáo sư Cao nhớ lại: Ngày 14/8/1978, Đại tướng vào thăm và nói chuyện với cán bộ, giảng viên, học viên của Học viện. Sau khi trao đổi về chuyên môn quân sự, lịch sử nghệ thuật quân sự Việt Nam, Đại tướng đã làm tất cả mọi người bất ngờ khi hỏi: “Các đồng chí cho biết cây thông năm lá và cây thông ba lá ở Đà Lạt giống và khác nhau ở điểm nào?” Câu hỏi khiến chúng tôi lúng túng, không ai trả lời được. Đại tướng cười rồi giải thích cho chúng tôi hiểu sự giống và khác nhau của hai loài thông này, đồng thời cho biết thêm ở Đà Lạt còn có loài thông đỏ rất quý, có thể sử dụng để bào chế thuốc chữa các bệnh nan y. Rồi Đại tướng kết luận: “Các trung đoàn trưởng, sư đoàn trưởng tương lai bên cạnh am hiểu nghệ thuật quân sự, thuần thục công tác chỉ huy, tham mưu, cũng cần có kiến thức, hiểu biết về tự nhiên, kinh tế, văn hóa, luật pháp.” Trung tướng Dương Công Sửu, người con của quê hương Bắc Sơn, Lạng Sơn, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 1 chia sẻ về vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp sáu lần. Ông kể, lần thứ nhất, tôi tham gia đoàn đại biểu chiến sỹ thi đua các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam do đồng chí Tạ Quang Tỷ, Sư phó Sư đoàn 9 làm trưởng đoàn ra thăm miền Bắc đồng thời dự lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Khi đó là vào khoảng đầu tháng 12/1974, đoàn chúng tôi đã vào Phủ Chủ tịch, vinh dự được gặp Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và các đồng chí trong Bộ Chính trị, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng đến từng người bắt tay, ân cần hỏi thăm quê quán, tình hình sức khỏe. Lần thứ hai, ông vinh dự được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi Đại tướng đến thăm đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Bắc Sơn và dự lễ kỷ niệm 55 năm khởi nghĩa Bắc Sơn vào tháng 9/1995, thời điểm đó ông đang làm Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn. Trong cuộc nói chuyện với nhân dân huyện Bắc Sơn tại sân vận động của huyện, Đại tướng ân cần hỏi thăm sức khỏe, động viên nhân dân tham gia sản xuất khiến ai cũng xúc động. Những lần sau đó, mỗi lần được gặp Đại tướng đều để lại trong ông nhiều kỷ niệm và ấn tượng sâu sắc, Trung tướng Dương Công Sửu bộc bạch. Năm nay đã 79 tuổi nhưng với nhà báo, nhà nhiếp ảnh Vũ Bách (ở 36, phố Đinh Tiên Hoàng, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn), những hình ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp để lại trong ông ấn tượng khó phai. Ông bày tỏ vinh dự được phục vụ Đại tướng hai lần. Lần thứ nhất, vào tháng 10/1950, khi ấy Pháp bỏ chạy vì trận đánh ở mặt trận đường 4 khiến quân Pháp ở Bông Lau-Lũng Phầy thuộc đất Lạng Sơn bị thiệt hại nặng nề. Ông là chiến sỹ liên lạc viên của Ty Công an Lạng Sơn, được giao một bức ảnh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp có đội mũ, đeo sao để tuyên truyền đến các tổ trưởng được phân công canh giữ các chốt ở thị xã Lạng Sơn bảo vệ và dẫn đường cho Đại tướng đi thị sát, qua đó có phương án tác chiến mới và tiếp quản khi đại quân về thị xã Lạng Sơn. Lúc này chỉ có đội biệt động Ty Công an Lạng Sơn hoạt động trong nội thành dưới sự chỉ huy của đồng chí Phạm Công Dỉnh, sau này là Trưởng Ty Công an Lạng Sơn. Những ngày sau đó, các chiến sỹ công an được đồng chí Phạm Công Dỉnh cho biết là đã hoàn thành nhiệm vụ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất vui lòng và đã khen ngợi các chiến sỹ công an biệt động Lạng Sơn. Lần thứ hai, vào khoảng tháng 7/1967, tại hang lộ thiên khu Nhị Thanh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng tiếp và nói chuyện với sỹ quan cao cấp của tỉnh Lạng Sơn, Bộ Tư lệnh quân khu Việt Bắc, lãnh đạo tỉnh và Tỉnh đội Lạng Sơn. Ông Vũ Bách vinh dự là phóng viên nhiếp ảnh duy nhất ở báo Lạng Sơn được phục vụ buổi míttinh nói chuyện này của Đại tướng. Là một vị tướng nhưng cũng từng là một người thầy giáo, bên cạnh lĩnh vực quân sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn dành sự quan tâm rất lớn đối với nền giáo dục nước nhà. Ở Lâm Đồng, ngành giáo dục cũng đã ghi lại nhiều dấu ấn về sự quan tâm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Người dân tổ 16 (phường Phù Đổng, TP.Pleiku) đã lập một bàn thờ bày biện hoa quả, nhang đèn, với một bức tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp để mọi người thắp hương tưởng niệm Đại tướng. Ảnh:Quang Thái - TTXVN
Vào tháng 11/1983, Đại tướng Võ Nguyên Giáp (lúc ấy giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ) đã đến thăm trường THPT Bùi Thị Xuân, thành phố Đà Lạt. Vào thời điểm này, Bùi Thị Xuân là trường phổ thông nổi tiếng bậc nhất tỉnh Lâm Đồng về chất lượng dạy và học. Thầy Trương Văn Lào (khi ấy là Phó Hiệu trưởng trường Bùi Thị Xuân) kể lại: “Ngày bác Võ Nguyên Giáp đến thăm là vào buổi chiều. Sau khi nói chuyện thân mật với tập thể ban giám hiệu, giáo viên của nhà trường, bác lại đến từng phòng học, phòng thực hành để thăm các em học sinh và trò truyện rất ân cần, vui vẻ, thân thiện. Tôi nhớ năm ấy là năm đầu tiên cả nước đổi mới cách dạy và học nên bác Giáp luôn nhắc nhở đội ngũ giáo viên chúng tôi về học đi đôi với hành, kết hợp giữa gia đình và giáo viên, nhà trường với xã hội để dạy dỗ các em học sinh nên người, có ích cho xã hội, cho đất nước.” Hiện nay, bức ảnh chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm và nói truyện với tập thể giáo viên trường Bùi Thị Xuân được phóng to và treo trang trọng trong phòng truyền thống của trường. Phó Hiệu trưởng Trịnh Hoài Duy cho biết: “Bức ảnh và chữ ký của Đại tướng khi đến thăm trường cách đây 30 năm được ban giám hiệu các thời kỳ trân trọng lưu giữ kỹ càng, nhằm nhắc nhở giáo viên và các em học sinh nhớ mãi về niềm vinh dự được tiếp đón vị tướng tài ba mà bình dị, gần gũi đến thăm trường Bùi Thị Xuân chúng tôi.” Những câu chuyện kể về Đại tướng vẫn còn đọng mãi trong ký ức mỗi người với những kỷ niệm, những bài học lớn, sâu sắc, ấn tượng, thể hiện tấm lòng của mỗi người dân đối với vị tướng tài đức vẹn toàn của dân tộc./.
Hoàng Liên Sơn-Nguyễn Dũng-Thắng Trung (TTXNV)