Chiều ngày 14/10 (theo giờ Việt Nam), Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển tại Stockholm đã công bố chủ nhân của giải Nobel Kinh tế 2019 thuộc về ba nhà kinh tế học gồm Abhijit Banerjee, Esther Duflo và Michael Kremer nhờ các công trình nghiên cứu về tình trạng nghèo đói.
Nobel Kinh tế là giải thưởng thứ 6 và cũng là giải thưởng khép lại mùa Nobel 2019
Vinh danh công trình nghiên cứu về tình trạng nghèo đói
Theo thông báo của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển tại Stockholm, giải Nobel Kinh tế năm nay được trao cho 3 nhà kinh tế học gồm nữ giáo sư kinh tế người Mỹ gốc Pháp thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts, bà Esther Duflo và cộng sự của mình là nhà kinh tế học người Mỹ gốc Ấn Độ Abhijit Banerjee và giáo sư kinh tế người Mỹ của Đại học Havard Michael Kremer nhờ cách tiếp cận thử nghiệm trong vấn đề xóa đói giảm nghèo toàn cầu. Nghiên cứu của họ có tiềm năng cải thiện hơn nữa cuộc sống của những người nghèo trên hành tinh.
Tuyên bố của Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển đánh giá "Các nhà khoa học trên đã giới thiệu cách tiếp cận mới nhằm đưa tới những giải đáp tin cậy về cách thức tốt nhất chống lại nghèo đói trên toàn cầu."
Nhà kinh tế Esther Duflo sinh năm 1972 là người phụ nữ thứ hai và là người trẻ nhất đoạt giải Nobel Kinh tế. Trong khi đó nhà kinh tế Abhijit Banerjee sinh năm 1961 và giáo sư Michael Kremer sinh năm 1964.
Các kết quả nghiên cứu của 3 học giả này đã cải thiện đáng kể khả năng chống đói nghèo. Ba nhà khoa học này đã thực hiện các nghiên cứu ở nhiều quốc gia, bao gồm ở Ấn Độ và hơn 5 triệu trẻ em Ấn Độ đã được hưởng lợi từ các nghiên cứu của họ.
[Ba nhà kinh tế học đã giành giải Nobel Kinh tế năm 2019]
Giải Nobel Kinh tế không nằm trong 5 giải Nobel đặt ra theo nguyện vọng của nhà bác học Alfred Nobel năm 1895. Đây là giải thưởng do Ngân hàng trung ương Thụy Điển đặt ra và tài trợ bắt đầu từ năm 1968 để kỷ niệm 300 năm thành lập ngân hàng và cũng để tưởng niệm Alfred Nobel.
Giống như những người đoạt giải Nobel trong các lĩnh vực y học, hóa học, vật lý, văn học, những người đoạt giải Nobel Kinh tế là do Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển bầu chọn.
Ba học giả trên sẽ được trao giấy chứng nhận, huy chương vàng cùng phần thưởng tiền mặt chung 9 triệu kronor Thụy Điển (tương đương 914.000 USD). Lễ trao các giải Nobel năm nay sẽ được tổ chức vào ngày 10/12 tới tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển. Riêng giải Nobel Hòa bình sẽ được trao tại thủ đô Oslo của Na Uy.
Các giải Nobel Kinh tế trong 10 năm gần đây
- Năm 2018: Giải Nobel Kinh tế 2018 được trao cho hai nhà kinh tế học người Mỹ William D.Nordhaus và và Paul M. Romer với việc tạo ra phương thức giải quyết một số vấn đề cơ bản và cấp thiếp nhất trong thời đại hiện nay, như tăng trưởng bền vững lâu dài trong nền kinh tế toàn cầu và sự thịnh vượng của dân số thế giới.
Những nghiên cứu của hai nhà kinh tế này đã góp phần mở rộng phạm vi phân tích kinh tế bằng cách xây dựng các mô hình giúp giải thích cách thức nền kinh tế thị trường tương tác với thiên nhiên và tri thức, qua đó giúp chúng ta hiểu thấu về nguyên nhân và hệ quả của sự đổi mới công nghệ và biến đổi khí hậu.
- Năm 2017: Nhà kinh tế học người Mỹ Richard H. Thaler đã vinh dự nhận giải Nobel Kinh tế 2017, vì những đóng góp của ông cho ngành khoa học kinh tế. Giáo sư Thaler đã mang các giả định thực tế trong tâm lý học vào việc phân tích cách đưa ra các quyết định kinh tế.
Bằng cách khám phá hệ quả của việc tư duy có hạn chế, các tham chiếu xã hội và việc thiếu tự chủ của các cá nhân, ông Thaler đã chứng minh các thói quen tính cách của con người có thể ảnh hưởng một cách có hệ thống đến các quyết định của họ, cũng như kết quả của thị trường.
- Năm 2016: Hai nhà kinh tế Oliver Hart người Mỹ gốc Anh và Bengt Holmstrom người Phần Lan cùng trở thành đồng chủ nhân giải Nobel Kinh tế 2016 nhờ những đóng góp cho “Lý thuyết Hợp đồng," đặt nền tảng cho việc kiến tạo các chính sách và học viện trong nhiều lĩnh vực từ luật phá sản cho tới các thể chế chính trị.
Theo Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, nghiên cứu của hai nhà khoa học có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thấu hiểu nền kinh tế hiện đại do hợp đồng là khái niệm quen thuộc với tất cả mọi người, như hợp đồng bảo hiểm, lao động, quyền sở hữu trí tuệ…
- Năm 2015: Giải Nobel Kinh tế 2015 thuộc về Giáo sư Kinh tế mang hai quốc tịch Anh và Mỹ Angus Deaton, với các công trình nghiên cứu, phân tích về tiêu dùng của cá nhân, đói nghèo và phúc lợi xã hội.
Bằng việc gắn kết các lựa chọn cá nhân với tổng thu nhập, nghiên cứu của nhà kinh tế Deaton đã giúp thay đổi các lĩnh vực của kinh tế vĩ mô, kinh tế vi mô và phát triển kinh tế. Angus Deaton còn được vinh danh bởi các kết quả của những nghiên cứu đó còn có ảnh hưởng lớn đến nhiều nhánh nghiên cứu của khoa học kinh tế như kinh tế học vi mô, kinh tế học vĩ mô và kinh tế phát triển.
- Năm 2014: Giáo sư Kinh tế người Pháp Jean Tirole của trường Đại học Toulouse Capitole đã đoạt giải Nobel Kinh tế 2014, vì những nghiên cứu về sức mạnh và quy luật thị trường cùng những cách thức quản lý điều tiết doanh nghiệp để đối phó với sự chi phối từ các tập đoàn lớn.
Jean Tirole được đánh giá là một trong những nhà kinh tế học có ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Ông đã có nhiều nghiên cứu quan trọng trong một số lĩnh vực, trong đó được đánh giá cao nhất là cách hiểu và quản lý các ngành công nghiệp bị thống trị bởi số ít các công ty.
- Năm 2013: Bộ ba giáo sư người Mỹ gồm Lars Peter Hansen, Eugene Fama và Robert Shiller cùng trở thành đồng chủ nhân giải thưởng Nobel Kinh tế 2013, với công trình “phân tích thực tế về giá cả tài sản.”
Công trình nghiên cứu mang tính đột phá về các thị trường tài sản trên đã đặt nền tảng cho sự hiểu biết hiện tại về giá tài sản, từ đó làm sâu sắc hơn sự hiểu biết về xu hướng và sự chuyển động của giá tài sản, chẳng hạn như cổ phiếu và trái phiếu.
- Năm 2012: Hai chuyên gia kinh tế người Mỹ là Alvin Roth và Lloyd S. Shapley đã trở thành đồng chủ nhân Giải Nobel Kinh tế năm 2012 cho công trình nghiên cứu "Thuyết phân phối ổn định và thực tiễn về tạo lập thị trường," qua đó phối hợp hài hòa các tác nhân kinh tế khác nhau, ví như học sinh với trường học hay thậm chí là người hiến nội tạng với bệnh nhân được cấy ghép. Họ làm việc hoàn toàn độc lập với nhau, song sự phối hợp kết quả nghiên cứu của họ đã tạo ra giá trị thực tiễn.
- Năm 2011: Hai nhà nghiên cứu người Mỹ là Thomas Sargent và Christopher Sims cùng đoạt giải Nobel Kinh tế 2011 vì những nghiên cứu về chính sách kinh tế vĩ mô và tác động của chúng đối với nền kinh tế.
Họ đã trả lời được những câu hỏi: kinh tế tăng trưởng như thế nào và lạm phát bị chi phối bởi sự tăng lên tạm thời của lãi suất và cắt giảm thuế ra sao và công trình nghiên cứu độc lập này có từ thập niên 1970-1980. Các kết quả nghiên cứu của họ có tác động mạnh mẽ và được các nhà nghiên cứu và những người làm chính sách trên khắp thế giới áp dụng rộng rãi.
- Năm 2010: Bộ ba nhà kinh tế gồm Peter Diamond, Dale Mortensen (người Mỹ) và Christopher Pissarides (mang hai quốc tịch Anh-Síp) cùng vinh dự nhận giải Nobel Kinh tế 2010, vì đã đưa ra các lý thuyết giải thích về sự tác động của các chính sách kinh tế tới vấn đề thất nghiệp, thiếu nhân lực và lương.
Theo Hội đồng Nobel, kết luận rút ra từ lý thuyết của họ là, trợ cấp thất nghiệp càng rộng rãi thì tỷ lệ thất nghiệp càng cao và thời gian tìm việc/tìm người càng kéo dài.
- Năm 2009: Hai giáo sư người Mỹ là nữ giáo sư Elinor Ostrom và giáo sư Oliver Williamson cùng đoạt giải Nobel Kinh tế 2009, vì các nghiên cứu về tổ chức hợp tác quản lý kinh tế.
Các công trình nghiên cứu của họ đã chứng tỏ rằng sự phân tích kinh tế có thể chiếu rọi ánh sáng vào hầu hết các hình thái của tổ chức xã hội. Nữ giáo sư Elinor Ostrom là người phụ nữ đầu tiên giành giải Nobel Kinh tế…/.