Chân dung 10 thầy thuốc trẻ tiêu biểu trong các hoạt động năm 2021

Họ là nhưng Thầy thuốc trẻ tiêu biểu trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, ứng dụng khoa học công nghệ, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng...
(Ảnh minh họa: TTXVN/Vietnam+)

Tối 21/3, Giải thưởng Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu lần thứ X, năm 2021 - Thầy thuốc trẻ trên mặt trận phòng chống đại dịch COVID-19 đã được trao tại Hà Nội.

Đây là giải thưởng thường niên do Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế tổ chức.

[Hội Thầy thuốc trẻ VN triển khai chương trình chăm sóc hậu COVID-19]

Đây cũng là lần thứ 10 giải thưởng được diễn ra, nhằm mục đích tôn vinh, biểu dương thành tích của các Thầy thuốc trẻ tiêu biểu trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, ứng dụng khoa học công nghệ, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng nhằm nhân rộng những tấm gương Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu.

10 thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu trong các lĩnh vực

Lĩnh vực tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng:

1. Bác sỹ Nguyễn Đăng Quang (sinh năm 1992), Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Phục hồi chức năng-Điều trị bệnh nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh.

Thành tích: Từ những ngày đầu khi Thành phố Hồ Chí Minh bùng dịch, tình nguyện tham gia các đội lấy mẫu, sàng lọc F0 tại cộng đồng, tại các vùng tâm dịch.

Từ ngày 15/6/2021-13/7/2021, bác sỹ Quang tình nguyện tham gia công tác theo dõi và chăm sóc sức khoẻ cho các đối tượng F1 tại Khu cách ly khu B – Ký túc xá Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Trình và xin ý kiến Ban Giám đốc Khu cách ly xây dựng quy trình tiếp nhận, cách ly theo dõi sức khoẻ, xử trí các tình huống cấp cứu cho các đối tượng F1. Tích cực phối hợp với Trung tâm Cấp cứu 115 Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng phương án và điều phối vận chuyển các bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ đến các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị, chuyển viện an toàn bệnh nhân có triệu chứng nặng hoặc nguy kịch đến các bệnh viện hồi sức chuyên sâu điều trị COVID-19.

Bác sỹ Nguyễn Đăng Quang.

Ngày 14/7/2021, trong quá trình công tác, bác sỹ Quang bị nhiễm COVID-19, chuyển cách ly điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 6. Trong thời gian điều trị, bác sỹ Quang đề xuất Ban giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 6 được tiếp tục làm việc, tổ chức thăm khám, điều trị, hỗ trợ cấp cứu cho những bệnh nhân nhiễm COVID-19 đang điều trị tại tòa nhà A4. Tại phòng bệnh, thành lập tủ thuốc với đầy đủ những thuốc thiết yếu nhằm kịp thời điều trị cho bệnh nhân, chia sẻ công việc với đồng nghiệp.

Từ ngày 25/7/2021 đến ngày 20/10/2021, sau khi khỏi bệnh, bác sỹ tham gia công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 6. Với vai trò Trưởng khoa Cấp cứu 3, phụ trách 150 giường oxy, xây dựng các quy trình thăm khám, điều trị bệnh nhân nặng cần hỗ trợ thở máy. Xây dựng các tiêu chuẩn nhận biết bệnh nhân nặng, cần chăm sóc, theo dõi đặc biệt nhằm hạn chế khả năng chuyển nặng và chuyển viện sớm đối với những ca vượt quá khả năng điều trị. Phối hợp chuyên môn, hội chẩn kịp thời với Bệnh viện Hồi sức COVID-19 1.000 giường.

Từ ngày 23/10/2021 đến 08/11/2021, tham gia đoàn y bác sĩ hỗ trợ tỉnh An Giang thành lập bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 tại huyện Phú Tân, An Giang, với 100 giường bệnh trong đó có 50 giường cấp cứu.

Trong quá trình công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh An Giang, bác sỹ cùng đồng nghiệp xây dựng các quy trình sàng lọc sớm, kịp thời sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir và Remdesivir đối với những bệnh nhân đủ tiêu chuẩn sử dụng thuốc. Luôn đảm bảo trong 24 giờ sau khi nhập viện bệnh nhân được sử dụng thuốc kháng virus góp phần hạn chế khả năng trở nặng.

Tham gia mạng lưới thầy thuốc đồng hành, tư vấn điều trị cho F0 trên toàn quốc.

Xây dựng và báo cáo tham luận “Kinh nghiệm điều phối bệnh viện dã chiến Trung đoàn 892 Thoại Sơn” tại hội thảo khoa học “ Thích ứng an toàn, linh hoạt với covid-19” ngày 12/12/2021 do Hội thầy thuốc trẻ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức…

2. Tiến sỹ Lê Tuấn Thành (sinh năm 1984), Phó chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội, Thường trực Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành.

Thành tích: Tiến sỹ Thành tham gia tích cực vào công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 với vai trò chuyên gia dự báo và đánh giá nguy cơ dịch bệnh giúp việc cho Ban Chỉ Đạo Quốc Gia phòng chống dịch COVID-19 theo quyết định triệu tập số 2067/BYT-VPB1.

Tổng số bài báo, công trình khoa học đã và đang công bố: 23, trong đó có 18 đã công bố, trong đó có 7 bài báo, công trình công bố quốc tế.

Tiến sỹ Lê Tuấn Thành.

Các hoạt động tình nguyện, chăm sóc sức khỏe cộng đồng:

Là bác sỹ sáng lập điều hành của Mạng lưới "Thầy Thuốc đồng hành" tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương được điều phối bởi Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Tổ Thông tin đáp ứng nhanh phòng chống dịch COVID-19; lấy dữ liệu trực tiếp từ CDC các tỉnh và các Hotline trên toàn quốc.

Bác sỹ Thành đã kết nối, đào tạo và phân nhóm mạng lưới gần 9.502 tình nguyện viên là nhân viên y tế và y bác sỹ trên cả nước chủ động liên hệ với bệnh nhân COVID-19 và những người đang có nguy cơ cao; Hướng dẫn, quản lý đào tạo cho 500 bác sỹ quản lý 22 quận huyện, thành phố của Thành phố Hồ Chí Minh và 9 huyện, thị, thành phố của tỉnh Bình Dương; 30 quận huyện của thành phố Hà Nội.

Quản lý, điều hành trực tiếp toàn mạng lưới gồm 9.502 tình nguyện viên. Nhóm đã thực hiện 903.453 cuộc gọi, tư vấn và quản lý theo dõi 322.535 bệnh nhân F0; Tư vấn y tế và đánh giá tình trạng cho khoảng 1000 bệnh nhân: Sàng lọc phân nhóm các bệnh nhân thành nhóm nguy cơ theo 5 mức độ, từ đó đưa ra khuyến cáo theo theo từng mức độ như tiếp tục theo dõi tại nhà, nhập viện hay chuyển cấp cứu; Hỗ trợ liên hệ chuyển cấp cứu 1920 bệnh nhân; Trực tiếp theo chỉ đạo của Bộ Y tế vào tâm dịch phía Nam hỗ trợ, đánh giá nguy cơ....

Bác sỹ Thành nhận được nhiều bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế (2020 về phòng chống dịch COVID-19), ủy ban nhân dân thành phố (về công tác khoa học), giải thưởng Đặng Thùy Trâm 2020 (về lĩnh vực chuyên môn), bằng khen của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về công tác phòng chống dịch COVID-19 năm 2021.

3. Thạc sỹ Lê Xuân Tùng (sinh năm 1986), Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Bệnh viện Nhi Trung ương, Cán bộ Trung tâm Chỉ đạo tuyến (Bệnh viện Nhi Trung ương).

Thành tích: Bác sỹ Tùng trực tiếp triển khai chỉ đạo Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ bệnh viện Nhi biên tập Sổ tay Hướng dẫn chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại nhà, truyền thông trên các kênh mạng xã hội tới trực tiếp người dân. Vận động tài trợ in 1000 cuốn phát trực tiếp tới tay người nhà bệnh nhân và mạng lưới Thầy thuốc trẻ đồng hành.

Phối hợp điều phối nhân lực tham gia mạng lưới Thầy thuốc trẻ đồng hành của bệnh viện Nhi Trung ương – nhóm chuyên khoa Nhi 1022, Trực tiếp tham gia tư vấn online, offline cho nhiều trường hợp bệnh nhi, người nhà bệnh nhi mắc COVID-19.

Thạc sỹ Lê Xuân Tùng.

Tích cực tham gia các hoạt động phòng chống COVID-19. Tích cực sáng tạo, thiết kế, triển khai sản xuất tấm chắn bảo hộ nhân viên y tế. Tổng số lượng: 10.000 tấm chắn và 2.000 áo bảo hộ. Hỗ trợ công tác phòng dịch COVID-19 thông qua việc tặng 1.500 tấm chắn bảo hộ cho các bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện 19-8, Bộ Công an, Vận động tài trợ cho bệnh viện 700 bộ đồ phòng dịch, 10.000 khẩu trang y tế, 1000 khẩu trang N95, 5.000 tấm che bảo hộ cho nhân viên y tế.

Tích cực xung kích tham gia vào các hoạt động phòng chống dịch, sàng lọc, tiếp đón, hướng dẫn, phân luồng người bệnh. Tích cực truyền thông thông tin các thông tin chính thống về phòng chống COVID-19.

Bác sỹ Tùng đã phối hợp với Công đoàn bệnh viện trong các phong trào cổ động các hoạt động phòng chống COVID-19 như cuộc thi Ảnh phòng chống COVID-19 của Công đoàn Y tế Việt Nam.

4. Bác sỹ Đặng Văn Hòa - Trưởng phòng Quản lý chất lượng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Bắc Giang.

Thành tích: Với vai trò là Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Bắc Giang, bản thân bác sỹ Hòa luôn tích cực vận động các nguồn lực từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống dịch: trang thiết bị, phương tiện phòng hộ, kit xét nghiệm… phục vụ công tác phòng chống dịch. Tổng trị giá hơn 4 tỷ đồng.

Tham gia điều phối lực lượng nòng cốt là các Thầy thuốc trẻ trực tiếp tham gia lấy mẫu xét nghiệm, truy vết, khoanh vùng, sàng lọc bệnh nhân; trực tiếp tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các trung tâm Hồi sức cấp cứu, bệnh viện dã chiến, cơ sở thu dung, điều trị ban đầu...

Bác sỹ Đặng Văn Hòa.

Tổ chức cho hơn 200 hội viên đăng ký, tham gia lên đường hỗ trợ phòng chống dịch tại các tỉnh Đồng Tháp, Bình Dương, Long An, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2021. Bác sỹ Hoà trực tiếp làm Trưởng đoàn gồm 80 y, bác sĩ tham gia tăng cường hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 tại tỉnh Long An.

Tham mưu thành lập mạng lưới “Thầy thuốc trẻ đồng hành cùng F0” với hơn 200 y bác sỹ tình nguyện tư vấn, hỗ trợ F0 điều trị tại nhà. Mạng lưới hỗ trợ F0 dựa trên nền tảng sổ sức khỏe điện tử, nhóm Zalo, Facebook, điện thoại… cho hàng chục nghìn F0 tại Bắc Giang.

5. Bác sỹ Đặng Thị Yến Vy (sinh năm 1993), bác sỹ điều trị Khoa Y học cổ truyền - phục hồi chức năng (Bệnh viện đa khoa Mỹ Phước) - Thị xã Bến Cát - tỉnh Bình Dương.

Thành tích: Bác sỹ Vy tham gia xây dựng quy trình tiếp nhận, điều trị, cấp cứu bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến số 1 Bình Dương- khu điều trị Thới Hòa - tỉnh Bình Dương

Bác sỹ điều trị thời gian đỉnh điểm hơn 13.000 bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến số 1 Bình Dương (khu điều trị Thới Hòa, tỉnh Bình Dương) trong 3 tháng liên tục.

Bác sỹ Đặng Thị Yến Vy.

Trung bình một ngày phải thăm khám và điều trị hơn 300 bệnh nhân COVID-19 bao gồm cả bệnh nhân nặng phải thở oxy; Tham gia trực và cấp cứu, cứu sống cho hơn 200 bệnh nhân nhiễm COVID-19 trong tình trạng nặng; Quản lý, hướng dẫn phân công công việc, chuyên môn cho hơn 100 bác sỹ từ các đoàn miền Bắc và miền Trung vào hỗ trợ tại Bệnh viện dã chiến số 1 Bình Dương dưới sự hướng dẫn của Bác sỹ chuyên khoa 1 Lê Ngọc Vũ.

Bác sỹ Vy tham gia tổ chức chương trình Trung Thu 2021 cho các em nhỏ bị nhiễm COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến số 1 Bình Dương; Giải quyết kịp thời cho hơn 1.000- 3.000 bệnh nhân hết bệnh xuất viện ra về mỗi ngày trong thời gian đỉnh điểm…

Lĩnh vực tiên phong sáng tạo trong ứng dụng khoa học công nghệ:

6. Thượng Úy Nguyễn Đức Tiến (sinh năm 1983), Khoa Hóa sinh, Bệnh viện 19-8, Bộ Công an. Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Bệnh viện 19-8, Bộ Công an.

Thành tích: Tham gia mạng lưới đồng hành với vai trò là bác sỹ quản lý điều hành tư vấn sàng lọc Người bệnh nhiễm COVID-19 tại Hồ Chí Minh theo quyết định số 114/QĐ-TWH của Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam. Bác sỹ Tiến đã tư vấn, sàng lọc nguy cơ cho hàng chục ngàn người nhiễm COVID-19 đồng thời chuyển cấp cứu kịp thời cho hàng ngàn bệnh nhân nặng cần nhập viện. Trực tiếp phụ trách hỗ trợ 2 huyện là Ứng Hòa và Mỹ Đức có nhiệm vụ tư vấn, sàng lọc, chăm sóc, hỗ trợ chuyển nhập viện (khi cần) cho những người nhiễm COVID-19 chuyển biến nặng.

Thượng Úy Nguyễn Đức Tiến.

Bác sỹ Tiến cũng chủ động đề xuất tạo mã QR Code và triển khai khai báo y tế điện tử cho bệnh viện để hành khách checkin/checkout để ra vào bệnh viện, thay thế khai báo y tế bằng giấy mỗi ngày hơn 1.000 tờ giấy, các văn phòng phẩm kèm theo qua đó giúp bệnh viện tiết kiệm hàng chục triệu đồng mỗi tháng và đang áp dụng rất hiệu quả đến nay.

Tham gia phối hợp thành lập mạng lưới an toàn, không để xảy ra mất an toàn lao động trong triển khai các kỹ thuật mới trong phục vụ chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân, đặc biệt là trong thời gian xảy ra dịch Covid-19.

Tham gia, hỗ trợ tiêm vaccine hơn 20.000 lượt cho cán bộ chiến sĩ các đơn vị trong Bộ Công an.

Tháng 1/2021, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh thành nhưng khi dịch tạm thời được khống chế, bác sỹ Tiến đã tham gia chương trình khám sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí cho 321 người và tặng quà cho bà con có hoàn cảnh khó khăn và gia đình chính sách tại xã Lũng Hồ, huyện Yên Minh, Hà Giang; Hỗ trợ học sinh nghèo đến trường cháu Quàng Văn Nhật tại Bản Nam, xã Hua La (Sơn La), sách vở, quần áo và tiền mặt.

Bác sỹ Tiến tổ chức, huy động đoàn viên và tham gia hiến máu để đảm bảo nguồn máu cho bệnh nhân trong thời gian dịch COVID-19 do Đoàn Bộ phát động và tại Bệnh viện.

Tham gia quyên góp ủng hộ quần áo bảo hộ, nhu yếu phẩm, bảo hộ cá nhân…cho công tác phòng chống dịch của Bắc Ninh, Bắc Giang, Điện Biên và Các bệnh viện điều trị COVID-19 tại Hà Nội.

Bác sỹ Tiến cũng là chủ công trong công tác tổ chức thi Hội thao Sáng tạo Kỹ thuật tuổi trẻ ngành y tế lần thứ 29 liên viện được tổ chức tại Bệnh viện 19-8.

Lĩnh vực đổi mới phương pháp, nâng cao hiệu quả thực hành lâm sàng:

7. Bác sỹ Lê Thị Lan (sinh năm 1992), Bác sỹ khoa Bán cấp tính nam, Phụ trách khu thu dung điều trị bệnh nhân tâm thần mắc COVID-19, Bí thư Ban chấp hành Đoàn cơ sở Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2.

Thành tích: Trong đợt dịch thứ 4, tỉnh Đồng Nai là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19. Nhận được lời kêu gọi nhân viên y tế tham gia chống dịch, bác sỹ Lan đã xung phong tình nguyện tham gia khám và điều trị,chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện dã chiến số 10 tại tỉnh Đồng Nai từ ngày 4/8/2021 đến ngày 6/9/2021.

Bác sỹ Lê Thị Lan.

Giai đoạn cao điểm của dịch bệnh COVID-19 tại tỉnh Đồng Nai, bác sỹ cùng với các đồng nghiệp ở Bệnh viện Dã chiến số 10 đã tiếp nhận, theo dõi và điều trị gần 1000 bệnh nhân mỗi ngày với nhiều bệnh nhân có diễn biến phức tạp.

Từ ngày 15/9/2021 cho đến nay, bác sỹ Lan xung phong tham gia công tác thu dung,điều trị bệnh nhân tâm thần mắc COVID-19 tại Khu điều trị C2 thuộc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2.

Dựa trên cơ sở huy động cơ sở vật chất, phương tiện sẵn có của Khoa Mãn tính nữ (cũ); bác sỹ Lan cùng với các đồng nghiệp đã phối hợp cùng với các phòng chức năng xây dựng sơ đồ phòng bệnh,thiết kế khu điều trị C2 theo mô hình thiết kế cơ sở hạ tầng chuyên điều trị các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp; đảm bảo được quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn…

8. Bác sỹ Lê Minh Ngọc (sinh năm 1990), Bác sỹ điều trị của Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội).

Thành tích: Bác sỹ Ngọc là thành viên tổ điều trị COVID-19 nặng của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trực tiếp điều trị hồi sức các bệnh nhân lọc máu chu kỳ bị COVID-19 của Đà Nẵng tại Bệnh viện Trung ương Huế từ 3/8/2020 đến 17/8/2020.

Bác sỹ Ngọc là Phó trưởng đoàn công tác của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tại Bình Dương từ 25/7/2021 đến 23/10/2021; Trưởng đoàn công tác của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tại Bình Dương từ 8/12/2021 đến 30/12/2021.

Bác sỹ Lê Minh Ngọc.

Ngoài ra, bác sỹ Ngọc cũng là Trưởng khoa A51 và A52 (Đơn vị hồi sức người bệnh COVID-19 nặng và nguy kịch) của Bệnh viện Dã chiến Hồi sức cấp cứu tỉnh Bình Dương.

Bác sỹ Ngọc đã góp phần giảm tỷ lệ tử vong của COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương thông qua việc xây dựng và triển khai ý tưởng “Đánh chặn từ xa” bằng cách chủ động tìm kiếm “giảm oxy máu thầm lặng” trong các khu cách ly, triển khai phân tầng và chủ động điều trị sớm bằng thuốc kháng đông và kháng viêm ngay tại các cơ sở y tế tầng 1 có nguồn lực hạn chế.

Anh cũng là đồng tác giả của “Đồng thuận điều trị bệnh nhân COVID-19 ở các cơ sở điều trị tầng 1 và tầng 2 của tỉnh Bình Dương,” ban hành trong Quyết định 1023/QĐ-SYT của Sở Y tế tỉnh Bình Dương ngày 18/8/2021.

Bác sỹ Ngọc đã tham gia trực tiếp điều trị hồi sức và góp phần cứu sống hàng trăm bệnh nhân COVID-19 nặng tại cơ sở Phú Chánh của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương và Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu tỉnh Bình Dương.

Hỗ trợ chuyên môn theo mô hình “Cầm tay chỉ việc” cho các bác sỹ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương và các trung tâm y tế về các kỹ năng: Đặt nội khí quản, thở máy xâm nhập và không xâm nhập, đánh giá đáp ứng bù dịch, chuyển giao kỹ thuật siêu âm tại giường trong hồi sức, triển khai ý tưởng “kiểm soát đường huyết trong hoàn cảnh thuốc men và nguồn lực hạn chế.”

Hỗ trợ chuyên môn theo mô hình “Cá thể hoá từng ca bệnh” bằng hình thức Telehealth cho các TTYT huyện trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

9. Bác sỹ Lò Thị Thanh Hợp (sinh năm 1990), Trưởng khoa Nhi Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên.

Thành tích: Tuyên truyền vận động người dân nắm bắt được tình hình dịch trong địa bàn huyện tránh gây hoang mang cho người dân.

Bác sỹ Hợp đã tham gia truyền thông cho tất cả mọi người hiểu, biết và nhận thực về tiêm phòng vaccine COVID- 19 để phòng bệnh. Vận động gia đình và người thân tuân thủ các quy định của nhà nước trong phòng, chống dịch bệnh, về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, chủ động khai báo y tế hoặc chủ động cách ly khi về từ các vùng đang có dịch.

Bác sỹ Lò Thị Thanh Hợp.

Trong đợt bùng phát dịch COVID-19 vào tháng 5/2021, bác sỹ Hợp cùng với viên chức Khoa Xét Nghiệm, Trung tâm Y Tế huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên phối hợp với các trạm y tế xã thực hiện lấy mẫu xét nghiệm diện rộng cộng đồng tại các xã có ghi nhận các ca F0, F1 như: xã Vàng Đán 1.400 mẫu, xã Nà Hỳ được 1.510 mẫu.

Tham gia hỗ trợ các trạm Y tế xã 15 đợt tiêm vaccine, tính đến ngày 31/12/2021.

Tham gia khám sàng lọc, hỗ trợ Ngày hội hiến máu nhân đạo do Hội chữ thập đỏ huyện phối hợp tổ chức cùng Bệnh viện đa khoa tỉnh.

10. Thiếu tá Vũ Sơn Giang (sinh năm 1982), Phó chủ nhiệm chính trị, Kiêm Chủ tịch hội thầy thuốc trẻ Bệnh viện Quân y 175.

Thành tích: Thiếu tá Giang đã chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch bảo đảm nguồn nhân lực cho nhiệm vụ phòng chống dịch tại Bệnh viện, cũng như chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh và thực hiện nhiệm vụ thu dung, cấp cứu, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.

Bảo đảm quân số cho các lực lượng chống dịch: Bệnh viện dã chiến số 7, Bệnh viện Gò Vấp, Trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19, lực lượng đi lấy 20.000 mẫu; trưởng đoàn đi hỗ trợ tiêm vaccine các tỉnh: Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Đồng tháp, Lâm Đồng hơn 20.000 mũi; tiếp nhận và phân phối 100 tấn hàng hóa các loại.

Thiếu tá Vũ Sơn Giang.

Hưởng ứng Lời kêu gọi “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19” của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Tổ chức chương trình “Chung tay vì bữa cơm nhân ái - đồng hành cùng người bệnh” được 1.000 suất, trị giá: 40.000.000 đồng. Tổng số hoạt động từ thiện tặng xuất ăn miễn phí cho bệnh nhân ung bướu khó khăn: 3.700 suất, trị giá: 76.900.000 đồng.

Nhằm giải quyết khó khăn về thiếu máu tại các bệnh viện trong tình hình dịch bệnh, bác sỹ Giang đã chỉ đạo tổ chức quần chúng xây dựng kế hoạch Phát động cán bộ, nhân viên Bệnh viện tham gia hiến máu tình nguyện, được 535 đơn vị máu, vận động cán bộ, nhân viên các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội đã hiến được: 3.650 đơn vị máu, đã tặng cho Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Chợ Rẫy 200 đơn vị máu trong mùa dịch.

Chỉ đạo tổ chức quần chúng xung kích vào các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện gặp khó khăn trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội: Hỗ trợ test nhanh COVID -19 cho bệnh nhân chạy thân nhân tạo chu kỳ: 15.036 lượt người, trị giá: 3.578.568.000 đồng. Trong 10 tháng Bệnh viện đã kêu gọi và hỗ trợ cho 28 lượt bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bệnh nhân vô gia cư với số tiền: 2.130.355.176 đồng, bệnh nhân COVID-19: 2.664.000.000 đồng.

Bằng khen Thủ tướng Chính phủ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục