Để chấn chỉnh hoạt động khai thác cát không đúng quy định, làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở nghiêm trọng hai bờ sông Dinh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam đã chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản dưới sông Dinh.
Ông Trần Quốc Nam cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải phá dỡ đường vận chuyển cát dưới lòng sông, hoàn trả lại hiện trạng, khơi thông dòng chảy trước ngày 31/8 để đảm bảo thoát lũ trong mùa mưa bão.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận, tính đến ngày 22/8, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã cấp 32 giấy phép khai thác mỏ cát trên sông Dinh cho 25 doanh nghiệp.
Đã có 29/32 mỏ tổ chức xây dựng cơ bản và đưa vào khai thác; 21/32 mỏ còn hiệu lực; 10 mỏ hết thời hạn giấy phép, đang lập thủ tục đề nghị gia hạn và 1 mỏ đã trả lại giấy phép khai thác.
[Ninh Thuận đầu tư hơn 700 tỷ đồng xây dựng đập hạ lưu sông Dinh]
Theo hồ sơ khai thác tại các mỏ cát đã được cấp phép, công nghệ khai thác là sử dụng máy đào xúc cát trực tiếp từ mỏ đổ lên ôtô vận chuyển (không sử dụng công nghệ bơm hút).
Các mỏ cát đều phải đắp các đoạn đường vận chuyển dưới sông để phương tiện, thiết bị di chuyển đến khu vực khai thác và vận chuyển cát sau khai thác; vật liệu đắp đường là cát, sỏi lòng sông.
Ông Lê Khắc Huy Anh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận, cho biết phương án đắp đường vận chuyển phục vụ khai thác tại các mỏ cát đã được cơ quan chức năng tổ chức thẩm định, lấy ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về sông suối, đê điều (Chi cục Thủy lợi) trước khi trình cấp phép khai thác.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã làm đường vận chuyển dưới lòng sông không đúng với thiết kế ban đầu, thậm chí không phá dỡ đường sau khi khai thác xong, gây cản trở dòng chảy và làm sạt lở bờ sông rất nghiêm trọng.
Hơn nữa, theo quy định cấp phép khai thác của Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, hoạt động khai thác cát trên sông Dinh chỉ thực hiện trong mùa khô (từ tháng 1 đến 31/8 hàng năm).
Để đảm bảo việc thông luồng, thoát lũ trong mùa mưa bão, sau thời điểm 31/8 hằng năm, các doanh nghiệp được cấp phép khai thác phải thực hiện việc phá dỡ các tuyến đường vận chuyển dưới lòng sông, chuyển đống cát, máy móc, thiết bị khỏi nơi khai thác đến vị trí an toàn... để không cản trở dòng chảy, đảm bảo an toàn cho người, phương tiện.
Tuy nhiên, thời điểm như quy định đã gần hết nhưng qua kiểm tra của các sở, ngành có liên quan trên sông Dinh, vẫn còn một số doanh nghiệp để tình trạng đường vận chuyển chắn dòng, nhiều đống cát, đá to còn nằm ngổn ngang trong lòng sông, cản trở dòng chảy, dẫn đến nguy cơ tắc nghẽn, xói lở bờ sông, gây mất an toàn tính mạng, thiệt hại tài sản của người dân sinh sống và sản xuất hai bên bờ sông.
Theo Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận), trong 21 mỏ cát còn hiệu lực giấy phép khai thác trên sông Dinh, có 9 mỏ đang đắp đường vận chuyển dưới lòng sông và tổ chức khai thác đúng phạm vi, ranh giới được cấp phép và đúng theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt.
Mỏ cát Lương Cang 2 của Công ty Sông Trà; mỏ cát Đô Vinh của Công ty cổ phần xây dựng Ninh Thuận và mỏ cát Phước Thiện 4 của Công ty Việt Trung đắp đường công vụ dưới sông để khai thác chưa đúng theo hồ sơ thiết kế, gây thu hẹp dòng chảy.
Kiểm tra hoạt động khai thác cát trên sông Dinh vào chiều 29/8, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam nhấn mạnh công tác quản lý khai thác cát trên sông Dinh phải được siết chặt, tránh để xảy ra tình trạng khai thác trái phép, để lại tàn dư là những đường vận chuyển ngang dọc trên sông, những đống cát, đá to chắn dòng, gây cản trở dòng chảy dẫn đến thiệt hại khôn lường, nhất là thời điểm mưa bão đang cận kề.
Ông Trần Quốc Nam khẳng định quan điểm của tỉnh rất rõ ràng, kiên quyết xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp vi phạm trong khai thác.
Các sở, ngành liên quan và Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác cát của các doanh nghiệp; kịp thời chấn chỉnh, giám sát tháo dỡ các đoạn đường vận chuyển dưới sông để không cản trở dòng chảy, đảm bảo việc thông luồng, thoát lũ và đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân./.