Chấn chỉnh những hiện tượng phản cảm như 'cướp vợ,' 'bắt vợ'

Những hiện tượng, sự việc phản cảm như “cướp vợ,” “bắt vợ” tại một số địa phương có đồng bào dân tộc Mông sinh sống không phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, gây bức xúc trong dư luận.
Vụ 'bắt vợ' ở Hà Giang gây xôn xao dư luận. (Ảnh chụp màn hình).

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Dân tộc Nguyễn Thị Hải Nhung đã ký văn bản số 861/BVHTTDL-VHDT gửi tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Du lịch đề nghị chấn chỉnh những hiện tượng phản cảm, không phù hợp với văn hóa truyền thống.

Văn bản nêu rõ thời gian qua, thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số đã được các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương quan tâm, tổ chức đồng bộ và cụ thể hóa thông qua các chương trình hành động, nhiều chính sách đã kịp thời được xây dựng, điều chỉnh, bổ sung bám sát với yêu cầu của thực tiễn.

Hoạt động văn hóa ngày càng gắn kết chặt chẽ hơn với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số đã được quan tâm, bảo tồn, phát huy trong thời kỳ mới của đất nước.

Tuy nhiên, qua theo dõi, nắm bắt tình hình trên các phương tiện thông tin đại chúng, vẫn còn những hiện tượng, sự việc phản cảm như “cướp vợ,” “bắt vợ” tại một số địa phương có đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Hiện tượng này không phù hợp với truyền thống văn hoá dân tộc, gây bức xúc dư luận xã hội, làm ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Mông.

[Audio] Sự thật về tục "kéo dâu, bắt vợ' của người H'Mông

Vì vậy, để chấn chỉnh, loại bỏ những hiện tượng phản cảm không phù hợp với văn hóa truyền thống trong công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào dân tộc Mông nói riêng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch và triển khai có hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Các địa phương thực hiện các giải pháp đồng bộ chấm dứt những hiện tượng phản cảm không phù hợp với văn hóa truyền thống trong công tác quản lý văn hóa, các vấn đề hủ tục lạc hậu làm ảnh hưởng tới phong tục, tập quán, đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc nói chung, công tác văn hoá dân tộc nói riêng trong cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn; tích cực tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về nguồn gốc, quy trình thực hành và giá trị của những phong tục, tập quán tốt đẹp trong cộng đồng các dân tộc; bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp và loại bỏ những yếu tố tiêu cực, phản cảm không phù hợp với văn hoá truyền thống của cộng đồng các dân tộc.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố tích cực triển khai thực hiện các nội dung trên và kịp thời báo cáo, đề xuất những vấn đề, nội dung liên quan đến công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số tại địa phương về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (qua Vụ Văn hóa dân tộc) để tổng hợp, báo cáo và đề xuất lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục