Chấn chỉnh hoạt động ca Huế trên sông Hương và đường thủy nội địa

Từ tháng Sáu, các doanh nghiệp hoặc chủ tàu thuyền hoạt động chở khách du lịch trên sông Hương phải có giấy đăng kiểm, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường...
Chấn chỉnh hoạt động ca Huế trên sông Hương và đường thủy nội địa ảnh 1Biểu diễn ca Huế. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa có chỉ đạo khẩn đối với các cơ quan chuyên môn tập trung chấn chỉnh các hoạt động ca Huế trên sông Hương và đường thủy nội địa nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách du lịch tham gia các tour du lịch trên sông, biển.

Từ tháng Sáu, các doanh nghiệp hoặc chủ tàu thuyền hoạt động chở khách du lịch trên sông Hương phải có giấy đăng kiểm, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, bảo hiểm nhân sự, thuyền trưởng phải có bằng lái.

Các đơn vị quản lý bến thủy nội địa, đoạn quản lý đường sông, thanh tra Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thừa Thiên-Huế phải chấp hành và thực hiện đúng theo quy định để đảm bảo phòng ngừa tai nạn đường thủy có thể xảy ra. Những cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, chủ tàu không thực hiện đúng sẽ có hình thức xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thừa Thiên-Huế, chỉ riêng lực lượng ca Huế trên sông Hương hiện có tổng số 128 thuyền rồng, trong đó có 50 thuyền đôi và 78 thuyền đơn.

Thời gian tới, theo định kỳ 3 năm/lần, các thuyền sẽ cho lên đà (cho thuyền lên khỏi mặt nước) để kiểm tra phần bên dưới đáy thuyền, đề phòng các bất trắc do thuyền rồng gây ra.

Đặc biệt, các bến thuyền rồng phục vụ du lịch tại bến thuyền Thiên Mụ, bến thuyền Lê Lợi và bến thuyền Tòa Khâm trước khi xuất bến để chờ đón khách du lịch phải được kiểm tra giấy chứng nhận đăng kiểm và các giấy tờ liên quan.

Đối với việc nâng cao chất lượng ca Huế trên sông Hương, tỉnh quy định mỗi chương trình ca Huế theo quy định phải dài ít nhất 60 phút trở lên (không kể phần dịch ra tiếng nước ngoài đối với các buổi biểu diễn dành cho khách người nước ngoài); phải có tối thiểu 3 nhạc cụ trong các loại thập lục, tỳ bà, nhị, nguyệt, bầu, sáo.

Chương trình phải có tối thiểu 7 diễn viên và nhạc công khi biểu diễn trên thuyền đơn; 8 diễn viên và nhạc công khi biểu diễn trên thuyền đôi, các loại thuyền du lịch khác và ca Huế thính phòng tại các khách sạn, nhà hàng.

Tỉnh nghiêm cấm tình trạng tranh giành khách, ghép khách dưới mọi hình thức; bán các loại băng, đĩa trái phép khi tham gia biểu diễn ca Huế trên sông Hương; lợi dụng hoạt động ca Huế trên sông Hương làm tổn hại đạo đức, lối sống, làm suy giảm giá trị nghệ thuật ca Huế...

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên-Huế đã cấp thẻ hành nghề hoạt động ca Huế trên địa bàn tỉnh cho 457 ca sỹ, nhạc công, hầu hết đến từ các đoàn nghệ thuật Ca kịch Huế, trường Cao đẳng Nghệ thuật Huế. Giấy phép biểu diễn ca Huế có giá trị trong ba năm kể từ ngày cấp, hết thời hạn được xem xét cấp lại, nếu bị mất hoặc hư hỏng phải làm thủ tục xin cấp, đổi giấy phép. Các quy định trên nhằm đưa loại hình hoạt động văn hóa này ngày một chuyên nghiệp hơn, phục vụ du khách tốt hơn.

Mỗi năm, tỉnh Thừa Thiên-Huế có hơn 10.000 suất diễn ca Huế, phục vụ cho hơn 250.000 lượt khách đi nghe ca Huế trên sông Hương hoặc tại các cơ sở dịch vụ du lịch và một số địa điểm khác trên địa bàn tỉnh, tạo thành nét đẹp văn hóa hấp dẫn khách du lịch.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục