Cầu Cái Đôi Vàm bắc qua sông Cái Đôi Vàm (Cà Mau) đang trong giai đoạn hoàn thành thì bất ngờ xảy ra sự cố đã đặt ra câu hỏi về chất lượng công trình giao thông, chiều 22/12, trao đổi với phóng viên TTXVN về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết, ngay sau sự cố trên xảy ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã chỉ đạo Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông khẩn trương soạn thảo văn bản để lãnh đạo Bộ ký gửi các địa phương chấn chỉnh chất lượng các công trình giao thông.
Theo ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải), văn bản của Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các địa phương theo hướng yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý các công trình giao thông tại địa phương về chất lượng công trình.
Đặc biệt, quy định trách nhiệm về quản lý đầu tư xây dựng; trong đó, có vai trò tư vấn và nhà thầu. Các địa phương nâng cao chất lượng việc lựa chọn tư vấn thiết kế, tư vấn khảo sát thi công; xác định rõ vai trò trách nhiệm của từng đơn vị.
Ông Lê Quyết Tiến cho hay, với chức năng là đơn vị quản lý nhà nước chuyên ngành về các công trình giao thông, Bộ Giao thông Vận tải luôn xác định việc đảm bảo chất lượng công trình là nhiệm vụ đặt lên hàng đầu.
Tại các cuộc giao ban hàng tuần, hàng tháng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn nhưng việc đảm bảo chất lượng công trình vẫn là ưu tiên số một.
Để đảm bảo chất lượng công trình giao thông, Phó Cục trưởng Lê Quyết Tiến nhấn mạnh, ngay từ giai đoạn đầu là chọn đơn vị tư vấn (tư vấn thiết kế kỹ thuật, tư vấn giám sát...) phải đáp ứng các tiêu chuẩn về năng lực, kinh nghiệm và sau đó mới thực hiện.
[Cà Mau khẩn trương khắc phục sự cố sập cầu bắc qua sông Cái Đôi Vàm]
Hiện nay, cơ sở pháp luật hiện hành đã quy định khá đầy đủ về điều kiện năng lực tổ chức của các đơn vị tham gia. Vì vậy, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải tuân thủ các quy định này để lựa chọn các đơn vị thi công đảm bảo năng lực và kinh nghiệm.
“Trên cơ sở lựa chọn các đơn vị nhà thầu đủ tiêu chuẩn, các bên tham gia dự án phải tuân thủ nghiêm các quy định của hợp đồng. Đặc biệt, các nhà thầu bám sát quy trình, tiến độ tư vấn, ban quản lý dự án đã lập. Từ đó, đảm bảo được chất lượng công trình đề ra,” ông Lê Quyết Tiến cho hay.
Ông Lê Quyết Tiến chia sẻ thêm, trách nhiệm đầu tiên là chủ đầu tư, ban quản lý dự án và tư vấn giám sát vì nếu các đơn vị này có ý thức trách nhiệm, năng lực kinh nghiệm thì sẽ đảm bảo chất lượng các công trình. Ngoài ra, các nhà thầu là đơn vị trực tiếp thực hiện công trình luôn phải ý thức trách nhiệm bởi nếu tuân thủ đúng, đầy đủ sẽ không có các công trình kém chất lượng đưa vào sử dụng.
Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng các công trình giao thông nói chung, Phó Cục trưởng Lê Quyết Tiến cho hay, Bộ Giao thông Vận tải sẽ có nhiều giải pháp chấn chỉnh chất lượng các công trình.
Bộ sẽ yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án căn cứ vào các quy định hiện hành, đặc biệt là hợp đồng đã ký kết với nhà thầu để xử lý trách nhiệm các nhà thầu không đáp ứng các yêu cầu đề ra.
“Bộ Giao thông Vận tải sẽ kiên quyết xử lý các nhà thầu để xảy ra vi phạm về chất lượng công trình; yêu cầu nhà thầu khắc phục hư hỏng xảy ra, xử phạt theo quy định hợp đồng. Nếu vi phạm đến mức phải chấm dứt hợp đồng, nhà thầu đó sẽ bị cấm tham gia các dự án tiếp theo của ngành giao thông,” ông Lê Quyêt Tiến cho hay.
Trước đó, nhiều dự án giao thông có mức đầu tư lớn liên tục gặp sự cố về chất lượng công trình, đặc biệt có dự án vừa mới đưa vào khai thác đã bị hư hỏng như: dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê (Gia Lai), dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi... Điều này đặt ra nghi ngại về chất lượng của các công trình giao thông hiện nay.
Ngoài những sự cố nghiêm trọng vừa kể trên, thời gian qua, một số tồn tại về chất lượng công trình xảy ra cục bộ tại các dự án khác cũng gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành giao thông như: hằn lún trên cao tốc Nội Bài-Lào Cai, Quốc lộ 1A...
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể từng trả lời trước Quốc hội về chất lượng công trình giao thông tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV và theo đó Bộ trưởng thừa nhận, bên cạnh những công trình đảm bảo chất lượng, tại một số dự án vẫn còn những khiếm khuyết; trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do năng lực thi công và ý thức của nhà thầu, chất lượng cục bộ tại một số gói thầu còn hạn chế. Ngoài ra, vấn đề xe quá tải, mưa lũ, biến đổi khí hậu...
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, một số dự án xảy ra hư hỏng là do còn kém trong nhiều khâu quan trọng, đặc biệt là việc tư vấn thiết kế công trình còn nhiều hạn chế.
Đánh giá sơ bộ ban đầu, một chuyên gia giao thông (xin được giấu tên) cho rằng, sự cố cầu cái Đôi Vàm (Cà Mau) đang trong giai đoạn hoàn thành thì bất ngờ đổ sụp ngày 21/12 vừa qua có thể có vấn đề trong khâu khảo sát chưa kỹ nên đã không đánh giá hết được tính chất địa chất tại dự án. Thậm chí, quá trình đóng cọc để xây dựng trụ cầu không lường trước hết được các tầng địa chất tại đây.
Một chuyên gia giao thông cho rằng, các sự cố về chất lượng công trình giao thông gần đây có thể xuất phát từ nguyên nhân trong quá trình thi công; việc quản lý chất lượng của các nhà thầu chưa tuân thủ theo đúng quy trình, tiêu chuẩn dự án. Nhiều công trình triển khai thiếu khoa học, thi công bề bộn.
Theo các chuyên gia giao thông, một số công trình giao thông hiện nay thường được phân chia thành nhiều gói thầu và nhiều nhà thầu tham gia, kể cả một số nhà thầu nhỏ năng lực hạn chế đang gây ra nhiều khó khăn cho quản lý chất lượng dự án.
Vì vậy, muốn chất lượng công trình được nâng cao phải rà soát lại các khâu chính sách nhằm quản lý chất lượng theo hướng minh bạch; đơn vị nào làm sai, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm.
Ngoài ra, xác định rõ trách nhiệm của chủ thể tham gia bảo đảm chất lượng công trình, đặc biệt là khâu tư vấn giám sát. Đặc biệt, thống nhất từ quản lý chất lượng giám sát xây dựng của chủ đầu tư để kiểm tra các nhà thầu và tư vấn giám sát tại hiện trường.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan đến chất lượng, tiến độ công trình giao thông. Đồng thời, thực hiện chặt chẽ khâu tuyển chọn các đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm phù hợp với yêu cầu của dự án để chuẩn bị dự án.
Đối với các dự án, công trình lớn, công nghệ mới, phức tạp mà các doanh nghiệp trong nước chưa tự chủ được cần thuê tư vấn, chuyên gia nước ngoài có năng lực, kinh nghiệm đưa ra kế hoạch triển khai phù hợp.
Người đứng đầu ngành giao thông vận tải cũng cho hay, Bộ Giao thông Vận tải sẽ nâng cao kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả hoạt động đối với các chủ thể tham gia dự án; gắn trách nhiệm người đứng đầu các chủ thể đối với kết quả, hiệu quả thực hiện các dự án. Cùng đó, kiên quyết loại bỏ, xử lý nghiêm các nhà đầu tư, nhà thầu xây dựng, tư vấn vi phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng...
Nhìn dưới góc độ xã hội, luật sư Lê Cao Cường, Giám đốc Công ty Luật An Viên (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, cần phát huy sự kiểm tra, giám sát của xã hội; nâng cao hiệu quả truyền thông, thông tin đến xã hội, người dân được biết.
Từ đó, huy động và duy trì sự đồng tình, ủng hộ của người dân trong việc tham gia giám sát, phát hiện những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án để cơ quan chức năng có những biện pháp xử lý kịp thời, đảm bảo chất lượng các công trình nói chung và công trình giao thông nói riêng./.