Ghi nhận và đánh giá cao những đổi mới trong hoạt động và đóng góp tích cực của Kiểm toán Nhà nước, song các đánh giá chung cho rằng việc tồn tại tỷ lệ lớn các kiến nghị, kiểm toán chưa được thực hiện thể hiện việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính-ngân sách chưa nghiêm.
Lãng phí-thất thoát nguồn lực lớn
Theo số liệu của Kiểm toán Nhà nước, thời gian qua, bên cạnh những mặt tích cực hiện còn không ít kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời đồng nghĩa với việc hàng nghìn tỷ đồng kiến nghị xử lý tài chính... không được thực hiện đầy đủ, kịp thời và có nguy cơ gây thất thoát, lãng phí.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, ông Lê Minh Nam nhấn mạnh kết luận, kiến nghị kiểm toán có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác quản lý Nhà nước cũng như công tác giám sát của Quốc hội.
Không ít kiến nghị kiểm toán bị “treo” nhiều năm với số tiền hàng nghìn tỷ đồng
Việc kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước bị treo đồng nghĩa với việc hàng nghìn tỷ đồng kiến nghị xử lý tài chính... không được thực hiện đầy đủ, kịp thời và có nguy cơ gây thất thoát, lãng phí.
“Khi các kết luận, kiến nghị kiểm toán không được thực thi, chấp hành nghiêm túc sẽ khiến cho các quy định pháp luật không đạt được tính hiệu lực, hiệu quả. Hay nói cách khác, mục tiêu giúp cải thiện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công quốc gia không thể đạt được,” ông Nam nói.
Thực tế, việc không thực hiện hoặc chậm thực hiện, thực hiện không đúng, đủ kiến nghị kiểm toán khiến cho các đơn vị được kiểm toán không thể thu hồi tiền sử dụng sai mục đích về cho ngân sách Nhà nước. Mặt khác, các đơn vị, cá nhân, tập thể có liên quan cũng phải chịu trách nhiệm trước cấp trên, thậm chí là trước pháp luật.
Phó giáo sư, Tiến sỹ Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, khẳng định kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước phải được các cơ quan liên quan, các đối tượng được kiểm toán tôn trọng, chấp hành và thực hiện.
Về điều này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng Kiểm toán Nhà nước không có quyền áp đặt các đơn vị chấp hành thực hiện theo kiến nghị kiểm toán. Tuy nhiên, mỗi đơn vị cần phải thấy rằng được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra và kiến nghị chấn chỉnh là rất tốt để từ đó chủ động, nghiêm túc sửa đổi.
“Với các quy định pháp luật hiện hành, các đơn vị cố tình chây ỳ, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, kịp thời kiến nghị kiểm toán sẽ phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật về hành chính hoặc pháp luật hình sự,” ông Phong nhấn mạnh.
Phía Kiểm toán Nhà nước cũng đưa ra ví dụ về việc chưa thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán để lại hậu quả ở Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Đến nay, vụ việc đang được cơ quan điều tra Bộ Công an xem xét, xử lý liên quan đến việc chưa thực hiện nghĩa vụ nộp thuế trong nhiều năm liền, có dấu hiệu gây thất thu ngân sách Nhà nước và hàng loạt sai phạm khác.
Trước đó, nhiều dấu hiệu sai phạm tại đơn vị này đã từng được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra, như: Cho thuê đất khi chưa được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Tài chính; không tiến hành đấu giá và công khai mức giá cho thuê đất, sai nguyên tắc trong sử dụng tài chính công, tài sản công...
Nhận diện nguyên nhân để xử lý
Trước thực trạng trên, Quốc hội Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc Hội Lê Quang Mạnh cho biết việc nhận diện rõ các nguyên nhân chây ì thực hiện kiến nghị kiểm toán được Quốc hội đặt ra khi tổ chức Phiên giải trình tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Từ đó, tìm ra giải pháp nhằm nâng cao kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán; nâng cao tính hiệu lực của hoạt động kiểm toán.
Từ góc độ địa phương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, ông Hà Minh Hải chỉ ra 14 nguyên nhân dẫn đến nhiều kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện. Trong đó, có một số nguyên nhân lớn như: Nhà thầu chưa thống nhất được với chủ đầu tư về thực hiện kiến nghị kiểm toán; Dự án đang trong giai đoạn triển khai chưa quyết toán hoàn thành nên chưa thực hiện; Doanh nghiệp hoặc các đơn vị liên quan gặp khó khăn về tài chính...
“Nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là sự thiếu quyết tâm, quyết liệt của đơn vị được kiểm toán, việc thực hiện kiến nghị kiểm toán chưa được quan tâm đúng mức,” ông Hà Minh Hải thừa nhận.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Trần Văn Lâm cho rằng có nhóm nguyên nhân thuộc về khách quan: Kiến nghị kiểm toán rất đúng, thời điểm đưa ra kiến nghị rất xác đáng nhưng sau đó do biến động tình hình, đặc biệt là các đối tượng phải thực hiện kiến nghị có sự thay đổi (như doanh nghiệp giải thể, phá sản hoặc một số chủ thể cải tổ, sắp xếp, thay đổi bộ máy, biên chế, con người…) khiến việc tổ chức thực hiện kiến nghị kiểm toán khó khăn, thậm chí không còn khả năng thực hiện được.
Bên cạnh đó, ông Lâm cũng thẳng thắn cho hay một số trường hợp kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước chưa đảm bảo chặt chẽ. Điều đó trở thành cái cớ cho đối tượng kiểm toán “vin” vào để không thực hiện.
“Kiểm toán Nhà nước đưa ra kiến nghị là hoàn toàn đúng pháp luật song quá trình tổ chức triển khai thực hiện lại vướng ở chính sách pháp luật khác. Điều đó cho thấy có phần trách nhiệm từ cả hệ thống của chúng ta trong việc hoàn thiện chính sách luật pháp,” ông Lâm nói.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết qua rà soát, phân tích đối với các kiến nghị xử lý tài chính, xử lý khác chưa thực hiện tính đến 31/3/2023 là 108.180 tỷ đồng (trong đó kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước là 45.552 tỷ đồng, còn lại chủ yếu là các khoản kiến nghị hoàn thiện thủ tục để thanh quyết toán theo quy định).
Trong đó, Kiểm toán Nhà nước đã phân loại 4 nhóm nguyên nhân và trách nhiệm chưa thực hiện kiến nghị. Cụ thể, nhóm nguyên nhân thuộc trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán là 63.291 tỷ đồng, chiếm 58,5%; Nhóm nguyên nhân thuộc trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước chiếm 2,28%; Nhóm nguyên nhân chưa thực hiện do trách nhiệm của bên thứ 3 chiếm 14,3 %; Nhóm nguyên nhân khác chiếm 24,9%.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước chia sẻ đối với nhóm kiến nghị về cơ chế, chính sách, nguyên nhân chưa thực hiện chủ yếu là do quá trình sửa đổi, thay thế hoặc bổ sung liên quan đến cơ chế, chính sách thường mất nhiều thời gian hoặc phải đợi cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc phải chờ để sửa đổi đồng bộ cùng các văn bản quy phạm pháp luật khác. Ngoài ra, một số kiến nghị do đơn vị chưa báo cáo tình hình thực hiện nên Kiểm toán Nhà nước chưa nắm bắt được kết quả thực hiện. Trong khi đó, trước năm 2023, Chính phủ chưa có một đầu mối đôn đốc, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán về cơ chế chính sách.
Trên thực tế, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm đến việc xem xét, tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt chính sách do mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc trong các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý. Khi các kết luận, kiến nghị kiểm toán đưa ra đúng đắn, được phát hiện thông qua thực tiễn cuộc sống thì phải được khắc phục, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Ông Lê Minh Nam nhấn mạnh với hàng loạt vấn đề được “mổ xẻ,” nhận diện dưới góc nhìn đa chiều, trên bình diện tổng thể với những vấn đề căn bản thực tiễn đặt ra sẽ là cơ sở để các cấp quản lý thống nhất quan điểm, giải pháp nhằm tạo bước chuyển biến thực chất, hiệu quả trong thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán trong thời gian tới./.