Chăm sóc sức khỏe tâm thần: Đầu tư cho cuộc sống hạnh phúc

Những vấn đề sức khỏe tâm thần gia tăng cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm giảm chất lượng sống và hạnh phúc của người dân trên toàn cầu.
Nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần của người dân ngày càng gia tăng. (Nguồn: mibluesperspectives.com)

“Đặt sức khỏe tâm thần và hạnh phúc cho tất cả mọi người trở thành ưu tiên toàn cầu,” chủ đề của Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới 10/10 năm nay nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần đối với việc xây dựng một cuộc sống hạnh phúc và tốt đẹp hơn cho mọi người, trong bối cảnh những áp lực do đại dịch COVID-19 hơn 2 năm qua cùng những biến động của một thế giới đang phát triển nhanh chóng đã làm gia tăng căng thẳng và rối loạn tâm thần ở hàng triệu người.

Những vấn đề sức khỏe tâm thần gia tăng cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm giảm chất lượng sống và hạnh phúc của người dân trên toàn cầu.

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sức khỏe tâm thần là trạng thái tinh thần khỏe mạnh, giúp con người có thể đương đầu với những áp lực trong cuộc sống, học tập tốt và làm việc tốt, cống hiến cho cộng đồng, bởi sức khỏe tâm thần tốt sẽ dẫn đến sức khỏe thể chất tốt.

[Đặt sức khỏe tâm thần cho tất cả mọi người trở thành ưu tiên toàn cầu]

Sức khỏe tâm thần là một thành phần không thể thiếu của sức khỏe và hạnh phúc, làm nền tảng để cá nhân và tập thể đưa ra quyết định, xây dựng các mối quan hệ và có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của cá nhân, cộng đồng và kinh tế xã hội.

Sức khỏe tâm thần góp phần đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Để nâng cao nhận thức về vấn đề này, năm 1992, Liên đoàn Sức khỏe tâm thần thế giới (WFMH) đã chọn ngày 10/10 hằng năm là Ngày sức khỏe tâm thần thế giới.

Toàn bộ thành viên WHO đã đăng ký tham gia "Kế hoạch hành động toàn diện về sức khỏe tâm thần 2013-2030," trong đó cam kết đạt được các mục tiêu toàn cầu nhằm cải thiện vấn đề sức khỏe tâm thần.

Việt Nam cũng triển khai xây dựng Chiến lược quốc gia về sức khỏe tâm thần giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn 2030.

Trong "Báo cáo sức khỏe tâm thần trên thế giới” công bố tháng 6 vừa qua, WHO nhấn mạnh vấn đề này đang ngày càng trầm trọng do đại dịch COVID-19.

Theo WHO, ngay cả trước khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, ước tính trên phạm vi toàn cầu, cứ 8 người thì có 1 người đang sống chung với chứng rối loạn tâm thần.

Đại dịch COVID-19 đã tạo ra một khủng hoảng toàn cầu đối với sức khỏe tâm thần.

Kết quả phân tích 66 nghiên cứu trên thế giới công bố năm 2021 cho thấy tỷ lệ hiện mắc các rối loạn tâm thần trong đại dịch COVID-19 gia tăng đáng kể như tỷ lệ mắc rối loạn trầm cảm (31,4%), rối loạn lo âu (31,9%) và rối loạn giấc ngủ (41,1%).

Đại dịch COVID-19 gây tác động đặc biệt tới một số nhóm dễ bị tổn thương như nhân viên y tế, những người ở tuyến đầu phòng chống dịch, người có bệnh lý nền, những người sống độc thân.

Cũng theo báo cáo, thanh thiếu niên và phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề nhất về sức khỏe tinh thần do đại dịch.

Ngoài ra, COVID-19 cũng khiến việc cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh và điều trị các rối loạn tâm thần bị gián đoạn và gặp rất nhiều khó khăn.

Theo WHO, năm 2020, các chính phủ trên toàn thế giới chi trung bình chỉ hơn 2% ngân sách y tế cho sức khỏe tâm thần.

Báo cáo trên cũng đề cập khoảng cách rất lớn giữa các quốc gia về khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Trong khi hơn 70% người gặp vấn đề về tâm thần ở các nước có thu nhập cao được điều trị, tỷ lệ này ở các nước có thu nhập thấp chỉ ở mức 12%.

WHO chỉ rõ những người có vấn đề sức khỏe tâm thần có nguy cơ chết sớm - 20 năm so với mức trung bình - do những vấn đề sức khoẻ hoàn toàn có thể phòng ngừa được.

Ước tính có khoảng 12 tỷ ngày làm việc bị mất mỗi năm vì chứng trầm cảm và lo lắng, mà WHO ước tính gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu gần 1.000 tỷ USD.

Mục tiêu Phát triển bền vững về sức khỏe tốt và hạnh phúc của Liên hợp quốc kêu gọi 80% quốc gia tích hợp sức khỏe tâm thần vào chương trình chăm sóc sức khỏe cơ bản vào năm 2030.

Tuy nhiên, dữ liệu của WHO công bố năm 2021 cho thấy chỉ có 25% quốc gia có năng lực hoàn thành mục tiêu này.

Trong thông điệp nhân Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới 10/10 năm nay, Giáo sư Gabriel Ivbijaro, Tổng Thư ký WFMH, cho rằng đại dịch COVID-19 đã chỉ ra rằng nhiều hệ thống y tế chưa được chuẩn bị tốt để đối phó với những thách thức về sức khỏe thể chất và tinh thần mà người dân thế giới phải đối mặt.

Cũng theo ông, Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững và Các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) mà Liên hợp quốc thông qua năm 2015 sẽ không thể đạt được trừ khi chúng ta đầu tư có ý nghĩa vào việc cải thiện sức khỏe tinh thần cho tất cả mọi người.

Trong khi đó, WHO cũng kêu gọi thúc đẩy đầu tư ở tất cả các thành phần, lĩnh vực xã hội để củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần của người dân, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần, thông qua mạng lưới dịch vụ chăm sóc dễ tiếp cận và có chất lượng.

Một khi sức khỏe tâm thần được thúc đẩy và bảo vệ, mọi người sẽ có cơ hội được hưởng cuộc sống hạnh phúc.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã khẳng định: "Đầu tư vào sức khỏe tâm thần chính là đầu tư cho một cuộc sống tốt đẹp hơn và tương lai tươi sáng hơn cho tất cả mọi người."

Đó cũng là thông điệp mà chủ đề “Đặt sức khỏe tâm thần và hạnh phúc cho tất cả mọi người trở thành ưu tiên toàn cầu” muốn truyền tải./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục