Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh ở Việt Nam còn nhiều thách thức

Tỷ suất tử vong sơ sinh là 1/1000 trẻ đẻ sống tại Việt Nam, tương ứng số trẻ sơ sinh tử vong trong 1 ngày là 39 trẻ. Con số này cao so với một số nước cùng mức thu nhập.
Chăm sóc sức khỏe cho trẻ mới sinh. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh ở Việt Nam hiện nay còn nhiều thách thức. Tỷ suất tử vong sơ sinh là 1/1.000 trẻ đẻ sống tại Việt Nam, tương ứng số trẻ sơ sinh tử vong trong 1 ngày là 39 trẻ. Con số này cao so với một số nước cùng mức thu nhập.

Ông Trần Đăng Khoa - Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe-Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị chia sẻ thông tin nhân dịp Tuần lễ Làm mẹ An toàn năm 2023, diễn ra ngày 19/9 tại Hà Nội.

[Bảy sáng kiến có thể cứu sống 2 triệu bà mẹ, trẻ sơ sinh vào năm 2030]

Theo ông Khoa, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh ở Việt Nam còn nhiều khó khăn. Ước tính của Liên Hợp quốc, năm 2021, cứ 1.000 trẻ sinh ra ở Việt Nam thì có gần 10 trẻ sơ sinh tử vong.

Ngoài ra, chỉ số tử vong trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam ở mức 18,9 phần nghìn, dưới 1 tuổi là 12,1 phần nghìn (nghĩa là cứ 1.000 trẻ dưới 5 tuổi và 1 tuổi thì lần lượt có khoảng 19 và 12 trẻ tử vong). Mức tử vòng này cao hơn so với một số nước cùng mức thu nhập. 

Ông Trần Đăng Khoa - Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe-Bà mẹ trẻ em phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Cũng theo ông Khoa, ở Thái Lan, chỉ số tử vong trẻ em dưới 5 tuổi là 8 phần nghìn. Với các nước phát triển, tỷ số này chỉ ở mức 1-2 phần nghìn.

“Chỉ số này còn khoảng cách khá xa với Việt Nam và chúng ta khó đạt được, dù đây là con số thấp nhất từ năm 1990 trở lại nay. Đặc biệt, ở vùng dân tộc thiểu số, chỉ số tử vong trẻ cao gấp khoảng 7 lần so với thành thị; tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi ở nông thôn cao hơn gấp 2 lần so với thành thị. Bên cạnh đó, tình trạng tử vong mẹ ở vùng sâu vùng xa, miền núi khó khăn cũng cao gấp hơn 3 lần thành phố,” ông Khoa nói.

Theo ông Khoa, nếu được chăm sóc, dinh dưỡng tốt thì tỷ suất tử vong ở trẻ sơ sinh sẽ giảm thêm khoảng 30% trong một vài năm tới. Hiện ngành y tế đang cố gắng áp dụng các biện pháp can thiệp để giảm chỉ số này.

Đại diện Vụ Sức khỏe-Bà mẹ Trẻ em cho rằng một số nguyên nhân tồn tại do thiếu trầm trọng nhân lực, cán bộ chuyên môn sản, nhi, gây mê hồi sức rất thiếu và có tới 30% bác sỹ đa khoa đang làm công tác chăm sóc sản khoa, nhi khoa tuyến huyện.

Cùng đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu, năng lực cấp cứu sản khoa, sơ sinh còn hạn chế ở vùng khó khăn. Công tác duy trì đội ngũ cô đỡ thôn, bản gặp khó khăn do không còn được hưởng trợ cấp như trước đây gây khó khăn trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh. Điển hình như ở tỉnh Tuyên Quang, có 250 cô đỡ thôn bản/y tế thôn bản cho 46 xã vùng sâu, vùng xa, nhưng hiện chỉ còn 7 cô đỡ thôn bản còn hoạt động.

Ông Trịnh Ngọc Quang, Phó giám đốc Trung tâm Truyền thông-giáo dục Sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế) cho hay Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số với khoảng 14 triệu người chiếm 14,7% dân số cả nước. Người dân tộc thiểu số cư trú thành cộng đồng tại 51 tỉnh, chủ yếu tập trung ở Tây Nguyên, Tây Bắc và Tây Nam Bộ. Đa số đồng bào sinh sống tại các vùng miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.

(Ảnh: T.G/Vietnam+)

Theo ông Quang, Tuần lễ Làm mẹ An toàn do Trung tâm Truyền thông-giáo dục Sức khỏe Trung ương phối hợp với Vụ Sức khỏe-Bà mẹ Trẻ em tổ chức nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Với chủ đề: “Làm mẹ an toàn - Sức khỏe cho mẹ, tương lai cho bé,” Tuần lễ này sẽ diễn ra từ ngày 1/10-7/10/2023 tại 51 tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Mục tiêu của Chương trình là đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về làm mẹ an toàn, tập trung vào nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong cộng đồng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ở các vùng khó khăn nhằm góp phần giảm sự khác biệt về các chỉ tiêu sức khỏe, dinh dưỡng, tử vong mẹ, tử vong trẻ em giữa các vùng miền, hướng tới đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.

Đặc biệt, Tuần lễ sẽ giúp tăng cường các hoạt động cung cấp dịch vụ về làm mẹ an toàn (chăm sóc trước, trong và sau sinh cho bà mẹ và trẻ sơ sinh), đặc biệt là cho những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục