Chăm sóc người có công - Đạo lý, bổn phận và tình thương yêu

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Diễn văn tại Lễ kỷ niệm. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Ngày 27/7, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hà Nội đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2017).

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự và đọc diễn văn kỷ niệm.

VietnamPlus trân trọng giới thiệu toàn văn diễn văn như sau:

“Thưa các vị đại biểu, các vị khách quý,
Thưa toàn thể đồng bào, đồng chí,

Hôm nay, trong niềm xúc động và tự hào của cả dân tộc, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hà Nội tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh, liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2017).

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi xin gửi đến các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, người có công với cách mạng trong cả nước lời thăm hỏi ân cần, những tình cảm sâu nặng và lòng biết ơn sâu sắc.

Trong giờ phút trang nghiêm này, với lòng thành kính và biết ơn vô hạn, chúng ta kính cẩn nghiêng mình, tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh quên mình vì Tổ quốc, vì nhân dân.

Thưa đồng bào, đồng chí,

Trong suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân ta với tinh thần yêu nước nồng nàn, khát vọng độc lập, tự chủ, đã đoàn kết một lòng, không quản gian khổ, hy sinh, kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do, sự thống nhất, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và tiền đồ tươi sáng của đất nước, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân, sẵn sàng xả thân cho Tổ quốc, dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời. Máu đào và sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ đã tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang, để đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do. Hàng triệu thân nhân liệt sỹ - ông bà, cha mẹ, người vợ, người chồng, người con, người cháu, anh chị em mãi mãi không bao giờ được gặp lại những người thân yêu nhất của mình.

Các anh hùng liệt sỹ, thương binh "đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi." Tiếng thơm của các đồng chí đó sẽ muôn đời lưu truyền với sử xanh. Họ chiến đấu, hy sinh để Tổ quốc ta độc lập, tự do, thống nhất và dân tộc ta mãi mãi trường tồn.

Tinh thần bất diệt, tấm gương sáng ngời của họ sẽ sống mãi với non sông Việt Nam. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đời đời vinh danh, ghi nhớ công ơn, luôn tự hào, nguyện kế tục và thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng, xứng đáng với những hy sinh, cống hiến to lớn của các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sỹ, thương binh, đồng bào, chiến sỹ cả nước.

Thưa đồng bào, đồng chí,

"Uống nước nhớ nguồn," "Ăn quả nhớ người trồng cây" là đạo lý truyền thống nghìn đời của dân tộc ta. Thấm nhuần đạo lý tốt đẹp đó và thấu hiểu sâu sắc giá trị của sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sỹ, thương binh đối với đất nước, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ.

Năm 1946, khi nước nhà vừa mới giành được độc lập, Người đã ra "Thông báo về việc nhận con các liệt sỹ làm con nuôi" với lời lẽ mộc mạc, giản dị mà chân thành, gây xúc động mạnh mẽ: "Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến sỹ đã hy sinh tính mệnh cho nền Tự do, Độc lập và Thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh, hoặc trong thời kỳ kháng chiến, tôi gửi lời chào thân ái cho gia đình các liệt sỹ đó, và tôi nhận con các liệt sỹ làm con nuôi của tôi."

Năm 1947, trong khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đang ở giai đoạn gay go, quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn một ngày trong năm làm "Ngày Thương binh" để bày tỏ tình cảm thắm thiết, lòng biết ơn sâu sắc với những người đã không tiếc máu xương, cống hiến hết mình cho Tổ quốc.

[Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ]

Được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Người, ngày 27/7/1947 - Ngày Thương binh toàn quốc được mở đầu bằng một cuộc míttinh lớn tại Đại Từ, Thái Nguyên. Từ đó, ngày 27/7 hằng năm đã trở thành ngày kỷ niệm thiêng liêng, mang đậm tính nhân văn Việt Nam, là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng.

70 năm qua, nhất là trong hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng và tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa," "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng."

Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện, thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Đến nay, hơn 9 triệu lượt người có công bao gồm cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ... được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi; hơn 4 triệu người có công được tặng Huân chương, Huy chương và các phần thưởng, danh hiệu cao quý khác.

Ngoài chế độ trợ cấp, phụ cấp, Đảng và Nhà nước còn luôn quan tâm chăm lo người có công bằng các chính sách ưu đãi cụ thể, như chăm sóc sức khỏe, ưu tiên giao đất sản xuất, hỗ trợ cải thiện về nhà ở, đất ở, các chương trình dạy nghề, tạo việc làm; thực hiện chính sách về giáo dục, đào tạo; mở rộng hệ thống cơ sở dịch vụ và sự nghiệp phục vụ thương binh; đẩy mạnh tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sỹ; xây dựng và tu bổ, tôn tạo hàng nghìn nghĩa trang liệt sỹ, tạo điều kiện thuận lợi để gia đình liệt sỹ thăm viếng phần mộ liệt sỹ tại các nghĩa trang...

Cùng với việc thực hiện các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, các đơn vị quân đội, công an, doanh nghiệp và các cá nhân trong và ngoài nước đã tích cực tham gia các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa," "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng" với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, như xây nhà tình nghĩa, lập Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng, ổn định đời sống thương binh, bệnh binh nặng, chăm sóc bố mẹ liệt sỹ già yếu cô đơn, con liệt sỹ... Chỉ trong gần một thập kỷ gần đây, từ năm 2007-2016, cả nước đã xây dựng và sửa chữa hơn 182.000 căn nhà tình nghĩa, trao hơn 133.000 sổ tiết kiệm tặng các gia đình người có công.

Những việc làm đầy trách nhiệm và nghĩa tình đó được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của toàn xã hội, trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong đời sống văn hoá, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao tinh thần yêu nước, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân văn sâu sắc.

Với ý chí tự lực, tự cường, nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và người có công đã vượt lên thương tật, khó khăn, hoà mình vào cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, nêu những tấm gương sáng trong lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu, học tập..., góp phần bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt hoan nghênh, đánh giá cao và biểu dương các bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước đã tích cực hưởng ứng và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, sôi nổi tham gia các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa," "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng"; nhiệt liệt chúc mừng những kết quả, thành tích mà các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công đã đạt được trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thưa đồng bào, đồng chí,

Quan tâm chăm sóc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng là chủ trương, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, là đạo lý truyền thống của dân tộc ta. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã chỉ rõ: "Thực hiện tốt chính sách đối với người và gia đình có công với nước." Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cũng nhấn mạnh: "Thực hiện tốt chính sách chăm sóc người có công trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội kết hợp với nguồn lực của Nhà nước; bảo đảm người có công có mức sống từ trung bình trở lên."

Để phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được trong suốt 70 năm qua, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng, trong thời gian tới, các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các tổ chức xã hội cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Mới đây nhất là Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư "Về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng." Cần nhận thức sâu sắc rằng, thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công vừa là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm cao cả của cả hệ thống chính trị và toàn dân, vừa là yếu tố bảo đảm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thể hiện sâu sắc tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ ta, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Từ đó, biến nhận thức thành hành động thiết thực, cụ thể, tích cực góp phần vào việc thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, nâng cao hiệu quả và đưa các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa," "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng" trở thành hoạt động thường xuyên trong mọi mặt đời sống xã hội.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công. Trong đó, đặc biệt quan tâm các gia đình người có công có hoàn cảnh khó khăn, người có công hiện đang sống cô đơn, không nơi nương tựa, các gia đình người có công vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng trước đây, phấn đấu không để hộ người có công thuộc diện hộ nghèo. Ưu tiên nguồn lực giải quyết những nhu cầu cấp thiết đối với người có công, như phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng, dạy nghề, tạo việc làm, giúp đỡ các gia đình chính sách khó khăn phát triển sản xuất, kinh doanh... Đẩy mạnh phong trào xã hội hóa công tác người có công với cách mạng.

Trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội kết hợp với nguồn lực của Nhà nước, phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

Tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sỹ, công trình ghi công liệt sỹ; đẩy mạnh tìm kiếm, xác định danh tính liệt sỹ, quy tập hài cốt liệt sỹ, kịp thời thông báo và tạo điều kiện thuận lợi để thân nhân liệt sỹ đến thăm viếng.

Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác người có công với cách mạng. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công, đặc biệt chú trọng giải quyết các vướng mắc, tồn tại phát sinh liên quan để kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với sự phát triển của đất nước. Quan tâm giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công còn tồn đọng, bảo đảm chặt chẽ, thấu lý, đạt tình để những người có công và gia đình được thụ hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước.

Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương trong thực hiện công tác người có công với cách mạng; chú trọng các biện pháp nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cũng như ý thức, trách nhiệm của những người làm công tác này.

Bằng những việc làm cụ thể, các tổ chức, cơ quan, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân cần tích cực tham gia có trách nhiệm đối với công tác người có công và phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng", ủng hộ quỹ "Đền ơn đáp nghĩa." Tôn vinh, biểu dương những tấm gương thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công đã phát huy ý chí tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên, tích cực lao động, sản xuất, tham gia các phong trào thi đua yêu nước... Kịp thời phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích đóng góp trong các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa," "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng," chung sức giúp đỡ các gia đình người có công khắc phục khó khăn, cải thiện đời sống.

Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi kêu gọi toàn thể đồng chí, đồng bào, chiến sỹ cả nước tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác thương binh, liệt sỹ; chăm lo tốt hơn nữa thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng, coi đây vừa là đạo lý, vừa là bổn phận, trách nhiệm và tình thương yêu đồng chí, đồng bào của mỗi người Việt Nam chúng ta.

Sự hy sinh, cống hiến to lớn của các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sỹ, thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công mãi mãi được khắc ghi trong trái tim mỗi người Việt Nam ta, là nguồn lực tinh thần quý báu, tiếp thêm sức mạnh để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng, phát triển, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam muôn vàn yêu quý của chúng ta.

Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không bao giờ quên công lao to lớn của các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sỹ, thương binh và người có công với cách mạng!

Chúng ta nguyện sống, chiến đấu, lao động, học tập và làm việc xứng đáng với các bậc tiền nhân, với những người đã hết lòng hy sinh vì dân, vì nước!

Xin kính chúc các vị đại biểu, các vị khách quý cùng toàn thể đồng bào, đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và thành công"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục