Chậm phê duyệt đầu tư 4 dự án giao thông do địa phương làm chủ quản

Bộ Giao thông Vận tải cho biết thời điểm hiện tại, một số dự án thành phần tại các dự án lớn như dự án Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, dự án Vành đai 3 TP.HCM... vẫn chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Chậm phê duyệt đầu tư 4 dự án giao thông do địa phương làm chủ quản ảnh 1Một số dự án thành phần của các dự án giao thông lớn vẫn chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Liên quan đến chuẩn bị đầu tư một số dự án giao thông trọng điểm được giao cho địa phương làm cơ quan chủ quản, Bộ Giao thông Vận tải cho biết thời điểm hiện tại, một số dự án thành phần vẫn chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu.

Cụ thể, tại dự án Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, theo yêu cầu, công tác phê duyệt dự án đầu tư hoàn thành ngày 20/1/2023, song đến nay, các dự án thành phần đều chưa được phê duyệt.

Nguyên nhân do dự án thành phần 2 đi qua khu vực địa hình khó khăn, chủ yếu là đèo dốc, chênh lệch cao độ rất lớn; điều kiện địa chất chủ yếu là đất, đá phong hóa mạnh, tiềm ẩn nguy cơ sụt trượt. Dự kiến tổng mức đầu tư thiếu khoảng 900 tỷ đồng.

[Công điện của Thủ tướng về giải quyết vướng mắc các dự án giao thông]

Bộ Giao thông Vận tải đang làm việc với 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk để cân đối, điều chỉnh tổng mức đầu tư của cả 3 dự án thành phần nhằm đảm bảo tổng mức đầu tư không làm vượt sơ bộ tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.

Cùng với đó, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án thành phần 3 cũng chưa được phê duyệt.

Đối với dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, việc phê duyệt dự án đầu tư dự án thành phần do tỉnh Đồng Nai làm cơ quan chủ quản cũng bị chậm trễ do chậm triển khai lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (theo yêu cầu, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường ngày 15/11/2022, phê duyệt dự án đầu tư ngày 30/11/2022).

Tại dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, hiện tại còn duy nhất tỉnh An Giang chưa phê duyệt dự án thành phần 1 do việc thẩm định phê duyệt của tỉnh kéo dài hơn so với dự kiến (theo yêu cầu, phê duyệt dự án đầu tư ngày 20/1/2023).

Trước thực trạng này, Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang chỉ đạo chủ đầu tư, cơ quan liên quan căn cứ thông báo thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng (thuộc Bộ Giao thông Vận tải) khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục phê duyệt dự án thành phần 1 thuộc Dự án Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng trong tháng 2/2023.

Riêng dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải cho biết việc phê duyệt các dự án thành phần đầu tư đường song hành và dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cũng chưa được các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh và thành phố Hà Nội thực hiện.

Nguyên ngân bởi chậm triển khai lựa chọn nhà thầu tư vấn và lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (theo yêu cầu phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường ngày 31/12/2022, phê duyệt dự án đầu tư ngày 30/1/2023).

Nhằm đảm bảo tiến độ phê duyệt đầu tư, làm cơ sở khởi công xây dựng các dự án, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, sớm phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án thành phần của các dự án cao tốc dự án Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, các dự án thành phần thuộc dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô và Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.

Chậm phê duyệt đầu tư 4 dự án giao thông do địa phương làm chủ quản ảnh 2Tuyến Vành đai 4 qua đại lộ Thăng Long trên địa bàn xã Song Phương, huyện Hoài Đức (Hà Nội). (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Đối với dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô, Bộ Giao thông Vận tải cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, đồng ý phương án ứng vốn từ Quỹ phát triển đất của địa phương để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng trước khi phê duyệt các dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn các tỉnh, thành phố như thành phố Hà Nội đang triển khai để làm cơ sở cho tỉnh Hưng Yên và tỉnh Bắc Ninh thực hiện.

Đồng thời, chấp thuận chủ trương chỉnh trang các nghĩa trang hiện có trong các thôn, xã, phường để quy tập mộ phục vụ giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4.

Hạng mục chỉnh trang nghĩa trang được xác định nằm trong phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thực hiện giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4.

Chính phủ cũng xem xét, chấp thuận giao các địa phương trực thuộc thành phố Hà Nội, các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh phê duyệt dự án và triển khai các dự án đầu tư xây dựng các Khu tái định cư bằng nguồn vốn dự án đường Vành đai 4, được tổng hợp vào các dự án thành phần Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn các tỉnh, thành phố theo Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/8/2022 của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột tổng chiều dài 117,5km với quy mô 4 làn xe, chia làm 3 dự án thành phần, tổng mức đầu tư 21.935 đồng.

Dự án dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác đồng bộ từ năm 2027.

Dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, tổng chiều dài hơn 189km được chia thành 4 dự án thành phần với tổng mức đầu tư gần 44.700 tỷ đồng.

Dự án dự kiến hoàn thành cơ bản toàn tuyến năm 2026 và đưa vào khai thác năm 2027.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội gồm 7 dự án thành phần; trong đó 3 dự án thực hiện giải phóng mặt bằng theo hình thức đầu tư công, 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) theo hình thức đầu tư công và 1 dự án đầu tư đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư (dự án thành phần 3). Tổng mức đầu tư dự án hơn 85.800 tỷ đồng.

Theo lộ trình, dự án cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh có tổng chiều dài hơn 76km. Tổng mức đầu tư gàn 75.400 tỷ đồng. Dự án dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục