Chậm nộp thuế bị tính tiền, hoàn thuế chậm cả tháng không sao?

Không ít cục thuế địa phương đã lên tiếng về việc cần sớm thể chế hóa việc hoàn thuế giá trị gia tăng để có cơ sở giải thích với doanh nghiệp.
Chậm nộp thuế bị tính tiền, hoàn thuế chậm cả tháng không sao? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Không ít cục thuế địa phương đã lên tiếng về việc cần sớm thể chế hóa việc hoàn thuế giá trị gia tăng để có cơ sở giải thích với doanh nghiệp. Ngoài ra, ý kiến xóa phạt chậm nộp thuế cho doanh nghiệp tiếp tục được các địa phương và cả lãnh đạo Bộ Tài chính lên tiếng khi những khoản nợ treo đang ngày một ​nhiều lên nhưng việc thu hồi hầu như là bất khả kháng.

Hoàn thuế là điểm trừ

Là một trong những người nêu lên đề nghị sớm thể chế hóa việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) trong cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2016 của ngành thuế sáng 26/2 tại Hà Nội, Phó Cục trưởng Cục thuế thành phố Đà Nẵng Nguyễn Đình Ân cho rằng, đây là cơ sở để cục thuế giải thích với doanh nghiệp về việc chậm hoàn thuế hiện tại.

Đây cũng là kiến nghị được Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Hải nhấn mạnh lại bởi nếu không làm sớm sẽ là "điểm trừ" của toàn ngành.

Ông Hải đặt ra câu hỏi, doanh nghiệp nộp thuế chậm thì tính tiền nhưng cơ quan chức năng hoàn thuế chậm hàng tháng thì... "không gì cả."

Lắng nghe những ý kiến này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn thừa nhận, cơ sở pháp lý tổ chức hoàn thuế đang chậm. Hiện thông tư cho vấn đề này đã chậm tới... 9 tháng so với kế hoạch trước đó.

"Pháp luật hiện hành chưa đảm bảo được nguyên tắc chặt chẽ trong hoàn thuế, chưa đảm bảo người cần hoàn nhanh được hoàn nhanh hay người không cần hòan," ông Tuấn nói.

Thứ trưởng ngành tài chính lấy ví dụ về hoàn thuế với sản phẩm thô hay sản phẩm qua chế biến đang là vấn đề.

Theo ông, ranh giới giữa những sản phẩm này hiện chưa có tiêu chí minh bạch, rõ ràng. Bởi vậy, một trong những tiêu chí của việc sửa quy định được ông nhấn mạnh ở đảm bảo đúng tối tượng cần ưu tiền, cần hoàn.

Phạt chậm nộp thuế: Tự ta đang làm khó ta?

Nêu lên vấn đề nóng khác trong ngành, ông Nguyễn Văn Hải, Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bắc Ninh đề nghị không tính tiền phạt chậm nộp với một số doanh nghiệp trong diện phá sản hoặc không nộp được nên bỏ trốn, không tìm thấy địa chỉ.

Đây là những trường hợp cơ quan chức năng hầu như "bó tay" để thu thuế nên nếu tiếp tục tính phạt chậm nộp thì tổng nợ sẽ tiếp tục tăng lên nhưng khả năng thu hồi thì rất ít.

Vấn đề này theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn không phải nhắc lần đầu mà đã được nêu lên 3 năm nay. Tuy nhiên, hiện tại, cơ quan chắc năng vẫn đang phải chọn giải pháp "chịu khó với nhau."

Ông Tuấn dẫn trường hợp, doanh nghiệp mới kinh doanh được 1-2 năm rồi lỗ. Cơ quan chức năng cứ treo nợ thuế khiến các đơn vi này khó kinh doanh tiếp bởi nếu vay ngân hàng thì các đơn vị trước hết phải nộp hết nợ cũ.

"Chúng ta chỉ cho người ta kinh doanh một lần thôi à? Có thể thất bại những ngày đầu kinh doanh chưa phải nguy cơ mà là cơ hội để phát triển," lãnh đạo Bộ Tài chính nói.

Và cũng bởi thế, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, đây là vấn đề "tự ta đang làm khó chúng ta."

Chậm nộp thuế bị tính tiền, hoàn thuế chậm cả tháng không sao? ảnh 2Lãnh đạo ngành tài chính tiếp tục đề xuất xóa phạt chậm nộp thuế cho các doanh nghiệp hầu như không có khả năng thu hồi vì phá sản, khó khăn. (Ảnh: TTXVN)

Góp thêm giải pháp trong thu hồi nợ thuế, ông Nguyễn Văn Hải, Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bắc Ninh cho rằng, quy định hiện nêu rõ việc doanh nghiệp nợ thuế muốn nộp dần theo phân kỳ phải được ngân hàng bảo lãnh. Tuy nhiên, thực tế, "chả có ai bảo lãnh cho ông nợ thuế" và ông Hải khẳng định, ở Bắc Ninh không có trường hợp nào được nộp nợ thuế dần theo phân kỳ.

Qua đó, ông Hải đề xuất thay vì ngân hàng bảo lãnh cho doanh nghiệp nộp dần nợ thuế, cơ quan thuế có thể được trao quyền để quyết cho một số doanh nghiệp nộp thuế phân kỳ và có cam kết đầy đủ.

"Hiện các doanh nghiệp nợ thuế phần lớn do khó tài chính, nếu ta áp dụng cứng ngay mà cưỡng chế thì có thể dẫn tới phá sản mà không thu được đồng nào," lãnh đạo Cục thuế tỉnh Bắc Ninh chỉ ra.

Không thể thích chọn ai thanh tra thì chọn

Cũng về chống thất thu ngân sách, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đề nghị ngành thuế phải có cơ sở dữ liệu người nộp thuế với những chỉ tiêu tài chính rõ ràng.

Theo ông, muốn đấu tranh chống chuyển giá thì không thể không có cơ sở dữ liệu. Cơ sở dữ liệu này được ông nhấn mạnh phải tập hợp theo tờ khai, có cơ quan chức năng chịu trách nhiệm chứ không thể "tùy tiện tập hợp."

"Không thể tùy tiện tập hợp dữ liệu rồi thích chọn ai thì chọn để hỗ trợ hoặc thanh kiểm tra," lãnh đạo ngành tài chính yêu cầu.

Ông Tuấn cho rằng, đó mới là cơ sở để các cục thuế có công cụ để đấu tranh, chống thất thu ngân sách.

Ngoài ra, theo ông, công tác thanh kiểm tra trong thời gian tới cần lượng hóa từng kết quả cụ thể. Điều này phải được thể hiện rõ với bảng biểu, thống kê rõ ràng với từng chỉ tiêu thanh tra, từng địa phương.

"Nhiều địa phương đạt kết quả vượt mức nhưng phải làm rõ ràng chỉ tiêu nào đạt được, từng địa phương được bao nhiêu, người nào làm được, người nào cần phấn đấu," lãnh đạo ngành tài chính đề nghị./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục