Ngày 21/3, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì họp kiểm điểm tiến độ dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Đây là dự án hạ tầng hàng không quan trọng, cấp bách đang rốt ráo được triển khai đẩy nhanh tiến độ thực hiện
Khẳng định đến thời điểm này, tiến độ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã cơ bản đạt yêu cầu đặt ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lưu ý chậm nhất đến 30/5, tư vấn phải hoàn chỉnh báo cáo FS (báo cáo khả thi) trình Bộ Giao thông Vận tải trước khi Bộ xem xét, thẩm định và trình Chính phủ vào đầu tháng 6. Vì vậy, 30/5 là hạn cuối, tuyệt đối không được lùi.
Cảng hàng không quốc tế Long Thành vừa là dự án trọng điểm quốc gia, vừa là dự án cấp bách, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị cần nghiên cứu cơ chế, thủ tục, những gì có thể vận dụng được để đẩy nhanh dự án thì phải kiến nghị.
[Thu hồi đất cao su để xây khu tái định cư sân bay Long Thành]
“Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp sớm trình Chính phủ phương án huy động vốn đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, trình Chính phủ. Tháng 10 tới, sau khi Quốc hội thống nhất dự án, Chính phủ sẽ phê duyệt. Sau khi phê duyệt xong sẽ phải có chủ đầu tư dự án này để tập trung thực hiện đấu thầu, thiết kế, huy động vốn và triển khai,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo.
Hiện Chính phủ mới giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) lập Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc tới tháng 10, sau khi Chính phủ phê duyệt thì ACV cũng hết trách nhiệm. ACV có tiếp tục đầu tư nữa hay không, phải được sự đồng ý của Chính phủ.
Liên quan đến việc giải phóng mặt bằng phục vụ dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá tiến độ cơ bản tốt.
Tỉnh Đồng Nai đã tập trung kiểm đếm trong phạm vi 5.000ha xây sân bay. Tỉnh phấn đấu trong năm nay sẽ giải ngân được một phần kinh phí giải phóng mặt bằng cho việc xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Theo Bộ Giao thông Vận tải, Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng với mục tiêu đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm và được thực hiện theo 3 giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn 1, đầu tư một đường cất hạ cánh, một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất đến năm 2025, hoàn thành và đưa vào khai thác.
Giai đoạn 2 (đến năm 2035) tiếp tục đầu tư xây dựng một đường cất hạ cánh, một nhà ga hành khách để nâng công suất lên 50 triệu hành khách/năm. Giai đoạn 3 (sau năm 2035) sẽ hoàn thành các hạng mục của dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm./.