Chậm hoàn thành bàn giao mặt bằng thi công cầu trên cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang

Tại Gói thầu XL24, để đẩy nhanh tiến độ, nhà thầu tích cực phối hợp với chủ đầu tư, đơn vị tư vấn và chính quyền địa phương làm việc với các hộ dân nhằm sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.

Tại cầu Hàm Yên đã được bàn giao mặt bằng thi công các trụ dưới nước và đang thi công trở lại sau ảnh hưởng bão và hoàn lưu bão số 3. (Ảnh: Diệp Anh/TTXVN)
Tại cầu Hàm Yên đã được bàn giao mặt bằng thi công các trụ dưới nước và đang thi công trở lại sau ảnh hưởng bão và hoàn lưu bão số 3. (Ảnh: Diệp Anh/TTXVN)

Gói thầu XL24 thi công cầu vượt quốc lộ, cầu vượt sông trên tuyến cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang vẫn chưa hoàn thành bàn giao mặt bằng, dù đã thi công gần 10 tháng và mục tiêu hoàn thành toàn dự án năm 2025 cũng sắp tới.

Cùng với ảnh hưởng của bão và hoàn lưu bão số 3, việc mặt bằng bàn giao chậm khiến công tác thi công gói thầu này đang gặp khó khăn.

Giám đốc Ban Điều hành Gói thầu XL24 Lê Đức Tranh cho biết thời gian qua, nhà thầu đã chủ động bỏ tiền thuê đất của người dân để có thể tiếp cận các vị trí thi công. Với tinh thần có mặt bằng đến đâu sẽ lập tức đưa nhân lực, thiết bị vào thi công đến đó.

“Nếu bàn giao mặt bằng không được xử lý dứt điểm trong quý 4/2024 thì đây sẽ là đường găng tiến độ của toàn công trình," vị đại diện này nhấn mạnh.

Trong 20 cây cầu trên tuyến cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang do Tập đoàn Đèo Cả đảm nhiệm thi công, hiện chính quyền địa phương mới bàn giao mặt bằng của 15 cầu. Nguyên nhân dẫn đến việc chậm giải phóng mặt bằng do vướng mắc giữa việc chuyển đổi đất lâm nghiệp và đất nông nghiệp, dẫn đến đền bù cho người dân chưa được triển khai hiệu quả.

Một số dự án cầu đang gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến đường công vụ ngoại tuyến, dọc tuyến chính, đường tiếp cận vào thi công. Cùng với đó, ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3 (bão Yagi), tình trạng mưa lớn kéo dài, lũ lụt làm hư hỏng thiết bị, đường công vụ đi lại khó khăn. Một số mũi thi công phải tạm dừng để khắc phục hậu quả mưa lũ và đảm bảo an toàn cho người lao động.

“Thời tiết mưa nhiều, mặt bằng bàn giao chậm, đường công vụ tiếp cận còn khó khăn, điều này dẫn đến việc thi công gặp nhiều trở ngại," đại diện Ban Điều hành Gói thầu XL24 chia sẻ.

Tại báo cáo tình hình thực hiện Dự án cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Tuyên Quang gửi Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải vào đầu tháng 10 vừa qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang cho biết dự án cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Tuyên Quang triển khai thi công từ đầu năm 2024. Đến nay, tiến độ chưa đáp ứng yêu cầu so với kế hoạch đã đề ra. Công tác bàn giao mặt bằng triển khai thi công đạt 81,72%.

ttxvn_cao_toc_tuyen_quang–ha_giang2.jpg
Trong 20 cây cầu trên tuyến cao tốc Tuyên Quang–Hà Giang do Tập đoàn Đèo Cả đảm nhiệm thi công, hiện chính quyền địa phương mới bàn giao mặt bằng của 15 cầu. (Ảnh: Diệp Anh/TTXVN)

Bên cạnh nguyên nhân bất khả kháng do thời tiết bất lợi, mưa to kéo dài đặc biệt là ảnh hưởng của cơn bão số 3 gây ngập lụt tại nhiều nơi dẫn tới khối lượng hoàn thành thấp, tiến độ thi công chậm, hiện trên toàn tuyến còn có một số đoạn tuyến, vị trí điểm nghẽn thi công do vướng mắc giải phóng mặt bằng cần phải giải quyết. Cụ thể liên quan đến đất của các lâm trường đang quản lý; đất của các hộ gia đình có liên quan đến đất của các lâm trường; đất lúa vượt hạn mức đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng sang mục đích phi nông nghiệp; cũng như vấn đề phải di chuyển tái định cư.

Tại Gói thầu XL24, để đẩy nhanh tiến độ, nhà thầu đang tích cực phối hợp với chủ đầu tư, đơn vị tư vấn và chính quyền địa phương làm việc với các hộ dân nhằm sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Đồng thời, nhà thầu cũng chủ động hỗ trợ một phần kinh phí cho các hộ dân tại khu vực cầu Hàm Yên, Km48, cầu vượt Quốc lộ 37, Khe Lãnh, Ngòi Là 2... để đảm bảo tiến độ thi công.

Ở các cầu trọng điểm như Hàm Yên, cầu vượt Quốc lộ 37, và Km48, nhà thầu đẩy mạnh thi công, tăng cường ca kíp. Mục tiêu đến cuối năm 2024 nhận được toàn bộ mặt bằng bàn giao và hoàn thành dự án vào cuối năm 2025.

Đến nay, liên danh nhà thầu Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Xây dựng cầu 75 đã huy động 200 công nhân, thợ lái máy, lao động phổ thông, 40 cán bộ kỹ thuật nhân sự quản lý cùng 150 máy móc, thiết bị chuyên dụng, tổ chức đồng loạt 30 mũi thi công trên phạm vi 15 cầu đã được bàn giao. Số lượng máy móc thiết bị, nhân sự được nhà thầu bố trí sẵn sàng để điều động ra hiện trường ngay khi tiếp tục có mặt bằng có mặt bằng được bàn giao có thể thi công được. Sản lượng toàn gói thầu đạt khoảng 85 tỷ đồng, tương ứng 15%.

ttxvn_cao_toc_tuyen_quang–ha_giang3.jpg
Gói thầu XL24 được chủ đầu tư phân chia 20 cầu vượt quốc lộ, cầu vượt sông trên các đoạn tuyến nằm rải rác trong phạm vi 70 km là thách thức lớn đối với nhà thầu trong việc tối ưu hóa các biện pháp tổ chức thi công. (Ảnh: Diệp Anh/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang khẳng định khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng đều thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của tỉnh và chủ đầu tư. Tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo và thành lập các tổ công tác tích cực giải quyết, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai đảm bảo đúng quy định và sớm hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công dự án.

Theo Ban Điều hành Gói thầu XL24, hiện 15/20 cầu đã được chủ đầu tư bàn giao mặt bằng gồm cầu Mỹ Lâm, Đức Ninh, Ngòi Là 2, Khe Lãnh, Ơ Rô, Ngòi Lũ, Ngòi Họp, Suối Thụt, cầu vượt Quốc lộ 37 Km12+450, cầu trên nhánh nút giao Quốc lộ 3B (Km34+631), cầu vượt ĐT.189 (Km69+672,89), cầu trên nhánh nút giao Bạch Xa (Km70+949.58). Ngoài ra, chủ đầu tư đã bàn giao phần dưới nước cầu Hàm Yên (Km49+663,5) và cầu Vĩnh Tuy (Km76+798,74) đạt 100%.

Gói thầu XL24 nằm trong 6 gói thầu xây lắp phần đường và cầu trên tuyến (từ gói XL19-XL24) thuộc Dự án cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang đoạn qua tỉnh Tuyên Quang có tổng mức đầu tư khoảng 6.800 tỷ đồng, với chiều dài 77 km.

Gói thầu này trị giá khoảng 736 tỷ đồng, khối lượng thi công gồm 22 cầu, công địa thi công trải dài trên toàn tuyến. Gói thầu này được chủ đầu tư giao cho liên danh Tập đoàn Đèo Cả đảm nhiệm triển khai 20 cầu, với trị giá 626,3 tỷ đồng và Công ty cổ phần Xây dựng cầu 75 triển khai 2 cầu, với trị giá 109,7 tỷ đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục