Chỉ số công khai ngân sách của Việt Nam là 15/100 điểm, giảm nhẹ so với cuộc khảo sát cách đây 2 năm. Tuy nhiên, với hạng mục giám sát ngân sách, điểm số của Việt Nam lại tỏ ra vượt trội.
Đây là kết quả khảo sát "mức độ công khai ngân sách" đưa ra cho kỳ ngân sách năm 2017 được Tổ chức Hợp tác Ngân sách Quốc tế (IBP) thực hiện tại 115 quốc gia trong đó có Việt Nam.
Báo cáo cần chi tiết hơn
Nói cụ thể hơn về kết quả trên, ông Joel Friedman, Nghiên cứu viên cao cấp của IBP, có 3 trụ cột cơ quan khảo sát đặt ra: chỉ số công khai ngân sách, sự tham gia của công chúng và sự giám sát ngân sách (của cơ quan lập pháp và Kiểm toán Nhà nước).
[Đại biểu Quốc hội: Bội chi không quan trọng, vấn đề là chi mục đích gì]
Nói về trụ cột đầu tiên là “chỉ số công khai ngân sách,” vị đại diện này cho biết, đây là chỉ số đánh giá số lượng tài liệu ngân sách được công khai và chất lượng của tài liệu này có đạt tiêu chuẩn và thông lệ tốt của quốc tế không. Mức điểm cho trụ cột trên của Việt Nam chỉ là 15/100 điểm, giảm 3 điểm so với kết quả khảo sát gần nhất cách đây 2 năm.
Điểm số trên của Việt Nam thấp hơn so với mức trung bình của thế giới là 42/100 điểm.
Ông Joel Friedman tiết lộ, lý do chính làm cho điểm số trên bị tụt bởi Việt Nam chưa công bố cho công chúng “dự thảo dự toán ngân sách” trình Quốc hội đúng thời gian.
Với “báo cáo thực hiện ngân sách giữa năm tài chính,” ông Joel Friedman cho rằng, phía Việt Nam chưa công bố. Theo ông, Việt Nam có công bố cáo cáo theo quý nhưng báo cáo này không thể thay thế báo cáo thực hiện ngân sách giữa năm tài chính.
Báo cáo thực hiện ngân sách giữa năm tài chính theo ông phải đầy đủ và chi tiết hơn nhiều so với báo cáo tháng và quý như: bao gồm các thông tin định lượng về dự báo kinh tế vĩ mô, ước tính về ngân sách 6 tháng còn lại,…
Điểm sáng ở giám sát ngân sách
Về trụ cột thứ 2 là “sự tham gia của công chúng,” Giám đốc Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) Ngô Minh Hương, cơ quan phối hợp khảo sát cùng IBP tại Việt Nam, tính toán, điểm số của Việt Nam là 7/100 điểm, giảm đáng kể so với mức 42/100 điểm của năm 2015.
Đại diện cơ quan khảo sát cho rằng, một số tồn tại đã ảnh hưởng tới xếp hạng của Việt Nam như thiếu cơ chế, ít cơ hội để người dân tham gia vào quá trình xây dựng và thực hiện ngân sách. Ngoài ra, theo đánh giá, Quốc hội cũng chưa tạo nhiều cơ hội để người dân tham gia trực tiếp và người dân không có cơ hội tham gia với cơ quan Kiểm toán Nhà nước.
Có mức điểm cao nhất là trụ cột “giám sát ngân sách.” Theo bà Hương, sự giám sát của cơ quan lập pháp đạt 72/100 điểm và đây cũng là mức điểm về sự giám sát của Kiểm toán Nhà nước.
Góp ý cho những con số trên, bà Đinh Thị Mai Anh, đại diện Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cho rằng, một trong lý do khiến các chỉ số của Việt Nam chưa cao là đặc thù hệ thống ngân sách lồng ghép. Theo bà, việc tổng hợp báo cáo mất rất nhiều thời gian vì phải làm từ xã, huyện, tỉnh, Trung ương. Quãng thời gian trên theo bà có thể mất 14 tháng, ngoài ra còn thêm 3 tháng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.
Tuy vậy, điểm đáng tiếc theo bà là cuộc khảo sát được thực hiện khi Luật Ngân sách Nhà nước 2015 chưa chính thức có hiệu lực nên nhiều hạng mục điểm số chưa được cải thiện.
Bà lấy ví dụ về việc theo quy định mới, các con số cứng nhắc về ngân sách trước đây phải đi kèm với sự so sánh, giải trình đầy đủ để người đọc cũng hiểu rõ.
Ngoài ra, Luật Ngân sách Nhà nước 2015 cũng quy định rõ sự tham gia của công chúng vào quy trình ngân sách, từ đó giúp mọi người có cơ hội tham gia quá trình giám sát ngân sách Nhà nước.
Đây cũng là ý kiến được bà Ngô Minh Hương, Giám đốc CDI tỏ ra đồng tình. Bà đánh giá, điểm số năm nay của Việt Nam tuy có giảm nhẹ so với cách đây 2 năm nhưng hoàn toàn có thể nâng lên trong lần khảo sát kỳ ngân sách năm 2019./.
Khảo sát về công khai ngân sách là sáng kiến do IBP phối hợp với các tổ chức xã hội độc lập tại hơn 100 quốc gia trên thế giới thực hiện. Tại Việt Nam, IBP phối hợp với Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) để thực hiện thu thập, phân tích. Kể từ năm 2006 tới nay, khảo sát đã được thực hiện 2 năm 1 lần.