Thẳng thắn phê bình Bộ Tài chính khi "không nhúc nhích," "giậm chân tại chỗ" trong việc rà soát các văn bản pháp luật liên quan, đặc biệt là Nghị định 20/NĐ-CP về giao dịch liên kết, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, phải xem xét trách nhiệm của Bộ trong sửa đổi Nghị định 20; Bộ Tư pháp có trách nhiệm xem việc ban hành nghị định này đúng hay sai, doanh nghiệp kêu đã nhiều năm.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp nhấn mạnh như vậy khi chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo, đánh giá tình hình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2019, bàn nhiệm vụ, giải pháp từ nay đến hết năm.
Phiên họp được tổ chức ngày 8/7 tại Trụ sở Chính phủ.
Cổ phần hóa 162 doanh nghiệp
Báo cáo của Ban Chỉ đạo cho thấy tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2019 gần 5.501,7 tỷ đồng.
Lũy kế từ năm 2016 đến nay, cả nước đã cổ phần hóa 162 doanh nghiệp với tổng quy mô vốn nhà nước được xác định lại đạt 205.433,2 tỷ đồng, bằng 108% tổng giá trị phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hóa cả giai đoạn 2011-2015; số tiền thu được từ chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng (IPO) các doanh nghiệp nhà nước đạt 24.812,7 tỷ đồng.
Tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt 218.255,7 tỷ đồng, gấp 2,8 lần tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn của cả giai đoạn 2011-2015.
Đến tháng 6/2019, theo rà soát của Bộ Tài chính, vẫn còn 796 doanh nghiệp chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Từ đầu năm đến nay, có 66.958 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký 860.195 tỷ đồng; 21.617 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nhưng cũng có tới 7.867 doanh nghiệp giải thể, 21.849 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể.
Đến tháng 6/2019, ước tính có 737.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên phạm vi cả nước.
"Đất có đai nên ai cũng ngại"
Những tồn tại được chỉ ra là tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chậm (mới cổ phần 35/127 doanh nghiệp, thoái vốn 88/403 doanh nghiệp của giai đoạn 2017-2020).
Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn này là doanh nghiệp có quy mô lớn, phức tạp về tài chính, đất đai nhiều, phạm vi hoạt động rộng nên việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định giá trị doanh nghiệp, bán cổ phần lần đầu gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài.
Bên cạnh đó, một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước chưa nghiêm túc, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện; còn hiện tượng không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, viện dẫn vào các khó khăn vướng mắc để chậm hoặc không thực hiện.
[Hội nghị Chính phủ với các địa phương: Kiến nghị xử lý nhiều vướng mắc]
Tại phiên họp, đại diện Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro)... cho biết họ gặp khó khăn trong việc rà soát, phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa; nhiều quy trình, thủ tục, mất nhiều thời gian do lịch sử, pháp lý đất đai phức tạp, địa phương phê duyệt rất chậm.
Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Dương Quang Thành cho biết tập đoàn này gặp vướng trong việc xác định lợi thế giá trị quyền sử dụng đất đối với đất thuê trả tiền hàng năm, thoái vốn theo lô.
Đại diện một số tập đoàn, tổng công ty cũng cho biết vướng mắc trong việc định giá thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ, giá trị văn hóa, lịch sử... để xác định giá khởi điểm khi thoái vốn.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết đến năm 2020, sẽ cổ phần hóa trên 200 đơn vị sự nghiệp công lập. Theo quy định, Thủ tướng sau khi đã phê duyệt phương án tổng thể, các bộ, ngành, địa phương sẽ phải xây dựng phương án cụ thể với từng đơn vị để cổ phần hóa, sau đó trình lên Thủ tướng, cách làm này mất nhiều thời gian của Thủ tướng.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng đề xuất sau khi Thủ tướng phê duyệt phương án tổng thể, có thể phân cấp một phần cho các bộ, ngành, địa phương để tổ chức cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập để đẩy nhanh tiến độ và gắn với trách nhiệm trực tiếp của bộ, ngành, địa phương trong công tác này.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng "đất có đai nên ai cũng ngại," việc xử lý tài chính thời gian kéo dài, khó khăn, còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, lòng vòng, hỏi đi hỏi lại.
Phó Thủ tướng phê bình Bộ Tài chính khi "không nhúc nhích," "giậm chân tại chỗ" trong việc rà soát các văn bản pháp luật liên quan, đặc biệt là Nghị định 20/NĐ-CP về giao dịch liên kết.
"Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Ban Chỉ đạo có văn bản đốc bao lần vẫn lờ đi, tiến độ chậm," Phó Thủ tướng nói.
Bất thường trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Nhắc Bộ Tài chính triển khai xây dựng nghị định về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Phó Thủ tướng chỉ rõ gần đây có tình trạng các công ty, doanh nghiệp, nhất là các công ty bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp với số lượng lớn và lãi suất rất cao, từ 12-14%, phá vỡ đường cong lãi suất, tạo áp lực lớn đến hệ thống tài chính và ngân hàng, trong khi tín dụng bất động sản ngân hàng đang kiểm soát.
Theo Phó Thủ tướng, dù phát hành trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam hiện còn hạn chế, cần phát triển mạnh hơn để tăng vốn cho nền kinh tế, giảm bớt kênh huy động vốn của ngân hàng, song việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu thiếu minh bạch, thiếu an toàn cần phải chấn chỉnh, phải dẫn vốn đúng mục tiêu, liều lượng phù hợp, minh bạch.
"Công ty bất động sản phát hành trái phiếu riêng lẻ với lãi suất cao ngất ngưởng là hiện tượng bất thường, phải lưu ý," Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước sớm đánh giá tình hình này, trình Chính phủ ban hành đề án về trái phiếu doanh nghiệp, đi kèm theo đó là vấn đề hạn mức, điều kiện, định hạng tín nhiệm.
"Làm quản lý phải biết phát hiện những cái bất thường để có phản ứng nhanh nhạy, ngay lập tức, còn chờ giao nhiệm vụ mới ngồi đấy làm, toàn tham mưu ngược, Chính phủ và Thủ tướng toàn tham mưu cho bộ, ngành, mà tham mưu rồi, chỉ ra việc rồi cũng không làm, làm chậm," Phó Thủ tướng gay gắt.
Chỉ rõ hàng loạt nghị định, văn bản Bộ Tài chính chậm thực hiện rà soát, xây dựng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phê bình Bộ thiếu đeo bám, trong đó có vấn đề xử lý trách nhiệm của việc chậm công bố thông tin.
"Anh nào đáng khiển trách phải khiển trách, đáng cảnh cáo thì cảnh cáo, chủ sở hữu không thực hiện thì cảnh cáo luôn đại diện chủ sở hữu... Trách nhiệm nằm ở đâu, tại sao không công bố, thông tin tù mù sao gắn với trách nhiệm giải trình được. Mặc dù việc nào Bộ Tài chính cũng triển khai hết nhưng rất chậm, vấn đề này còn có trách nhiệm của các bộ liên quan, hỏi ý kiến không trả lời bằng văn bản, hoặc trả lời thì toàn nếu-thì. Tương tự, Thủ tướng hỏi ý kiến các bộ ý kiến này đồng ý hay không, vì sao, thì lại trả lời nếu Thủ tướng đồng ý thì thế này, thế kia, như vậy hỏi làm gì nữa," Phó Thủ tướng nói và yêu cầu Tổ công tác của Ban Chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc, báo cáo công khai xem vướng mắc ở đâu.
Yêu cầu Ủy ban Chứng khoán làm rõ việc hàng trăm doanh nghiệp đủ điều kiện nhưng chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán, Phó Thủ tướng cảnh báo "doanh nghiệp nhà nước mà đang nắm chủ sở hữu thì thôi cách chức đi, đừng cho làm nữa. Lần này chúng tôi sẽ truy đến nơi."
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để ban hành đầy đủ, đúng tiến độ các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật 6 tháng cuối năm 2019; rà soát toàn diện các văn bản pháp luật liên quan để ban hành hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn theo thẩm quyên, bảo đảm rõ ràng, minh bạch, khả thi trong triển khai thực hiện.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức tốt Hội nghị "Vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong liên kết và đổi mới sáng tạo."
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhắc đến trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát các quy định liên quan đến việc phê duyệt phương án sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa để chủ động tháo gỡ các vướng mắc theo thẩm quyền; ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 126/2017/NĐ-CP (về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần) theo đúng quy định.
Đối với việc cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, Phó Thủ tướng nhắc đến tinh thần cẩn trọng, cẩn thận là đúng, tuy nhiên, "Chính phủ và Thủ tướng muốn đúng nhưng phải nhanh, đúng mà để chậm không dám làm, ách tắc, trì trệ là không được, sai lại càng không được. Thủ tướng rất sốt ruột, yêu cầu này khó nhưng phải làm, không cách nào khác, đẩy vòng quanh là không được"./.