Ngày 4/3, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã có cuộc họp với chủ đầu tư và các sở, ngành liên quan về tình hình giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án đường cao tốc Bến Lức-Long Thành.
Chủ đầu tư sớm chuyển tiền bồi thường, hỗ trợ của các quyết định được phê duyệt để tổ chức chi trả cho các hộ dân, nếu việc chi trả thực hiện chậm, thì phải tính toán thêm một khoản tiền chậm nộp theo quy định của Luật Đất đai là một trong những nội dung được bàn thảo nhiều tại cuộc họp giữa Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai với chủ đầu tư và các Sở, ngành liên quan về tình hình giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án đường cao tốc Bến Lức-Long Thành.
Đường cao tốc Bến Lức-Long Thành có tổng chiều dài khoảng 57km (đi qua địa bàn Long An, Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai), điểm bắt đầu từ nút giao với tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương (xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An), điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 51 (xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai).
Tuyến cao tốc qua địa bàn Đồng Nai dài hơn 27km (gần 23km qua huyện Nhơn Trạch và trên 4km qua huyện Long Thành). Theo báo cáo, tại huyện Nhơn Trạch sẽ có khoảng 970 hộ và tổ chức phải giải tỏa, con số này ở Long Thành là trên 270 hộ.
Đến thời điểm này, công tác phê duyệt phương án bồi thường chi tiết cho các hộ đã cơ bản hoàn tất. Các địa phương cũng đã thực hiện chi trả được gần 140 hộ; các trường hợp còn lại đang chờ ngân sách, với tổng kinh phí khoảng 740 tỷ đồng.
Ông Trần Minh Phúc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho rằng thời gian qua, các đơn vị liên quan đã nỗ lực thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, việc chậm chi trả tiền bồi thường cho dân xuất phát từ nguyên nhân khách quan là chờ kinh phí.
Do đó, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các bên cần tiếp tục phối hợp tốt để công tác giải phóng mặt bằng đạt hiệu quả cao nhất; cần đặc biệt chú trọng tính pháp lý của các hồ sơ, thủ tục giải phóng mặt bằng; bố trí đầy đủ việc tái định cư cho các hộ dân phải giải tỏa trắng.
Đây là Dự án trọng điểm Quốc gia thuộc trục cao tốc Bắc-Nam và là Dự án đường bộ cao tốc lớn nhất miền Nam.
Tuyến đường được khởi công tháng 7/2014 với tổng vốn đầu tư hơn 31.000 tỷ đồng (khoảng 1,6 tỷ USD). Tuyến cao tốc được thiết kế loại A với 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100 km/giờ.
Do dự án đi qua nhiều sông ngòi, vùng sình lầy nên phải xây dựng hơn 20 km cầu và cầu cạn, trong đó có 2 cầu dây văng lớn là cầu Bình Khánh dài 2,76km và cầu Phước Khánh dài 3,18km. Toàn bộ công trình dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2018./.