'Cha đẻ' bộ gõ Vietkey làm Trưởng khoa Vi Điện tử-Viễn thông Trường Đại học CMC

Bên cạnh vai trò Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC (CMC ATI), Tiến sỹ Đặng Minh Tuấn còn đảm nhận một trọng trách mới - Trưởng khoa Vi Điện tử và Viễn thông tại Trường Đại học CMC.
Tiến sỹ Đặng Minh Tuấn được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Vi điện tử và Viễn thông-Trường Đại học CMC.

Là một nhà nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Tiến sỹ Đặng Minh Tuấn (Tuấn Vietkey) mong muốn mang những kinh nghiệm của mình đến gần hơn với thế hệ trẻ dưới cương vị Trưởng khoa Vi điện tử và Viễn thông tại Trường Đại học CMC.

Đến với giáo dục bằng kinh nghiệm của cả sự thành công và thất bại

Tiến sỹ Đặng Minh Tuấn không phải là một cái tên xa lạ trong giới công nghệ thông tin với hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề, hàng chục công trình nghiên cứu và những sản phẩm công nghệ nổi tiếng như bộ gõ Vietkey, trưởng nhóm Vietkey Linux (sản phẩm Giải nhất cuộc thi Trí Tuệ Việt Nam 2002), dẫn dắt nhóm phát triển hệ thống nhận diện khuôn mặt CIVAMS...

Hiện tại, bên cạnh vai trò Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC (CMC ATI), Tiến sỹ Đặng Minh Tuấn còn đảm nhận một trọng trách mới - Trưởng khoa Vi Điện tử và Viễn thông tại Trường Đại học CMC.

"Tôi đến với lĩnh vực giáo dục không phải từ sớm mà sau khi đã tích lũy được những kinh nghiệm và thành quả nhất định. Và tôi cũng nhận ra những khó khăn khi phải tự tìm hiểu, tự mò mẫm trước nhiều kiến thức quá mới mẻ, mất rất nhiều thời gian và công sức. Thông qua bài học của cả sự thành công và thất bại mình trải qua, tôi mong muốn chia sẻ cho lớp trẻ để quá trình ấy bớt khó khăn hơn, nhẹ nhàng hơn," Tiến sỹ Đặng Minh Tuấn cho hay.

Sau thời gian được nhà nước cử đi du học tại Tiệp Khắc, Tiến sỹ Đặng Minh Tuấn có cơ hội công tác tại Viện Tự động hóa Kỹ thuật Quân sự. Trong thời gian này, bộ gõ Vietkey ra đời, phục vụ cho các dự án chế bản điện tử và viễn ấn của các tòa soạn báo lớn nhất cả nước. Ông cũng đã tham gia đề tài nhà nước về công nghệ FPGA - công nghệ nền tảng của việc thiết kế chip.

Tiến sỹ Đặng Minh Tuấn đã liên tục cống hiến trong lĩnh vực công nghệ thông tin dưới các vai trò: Trưởng phòng tích hợp hệ thống Viện Tự động hóa Kỹ thuật quân sự, Phó Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về An toàn thông tin, Phó Giám đốc Trung tâm An toàn thông tin, Bộ Tư lệnh Tác chiến Không gian mạng.

Tiến sỹ Đặng Minh Tuấn (đứng thứ hai trừ trái sang) đại diện Viện CMC ATI nhận giải thưởng Chuyển dịch tương lai cho giải pháp CIVAMS do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì.

Sau này, khi trở thành Viện trưởng Viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC, ông cùng các cộng sự đã tiếp tục cho ra đời gần 30 sản phẩm công nghệ trong các lĩnh vực AI, blockchain và vi mạch bán dẫn. Trong số đó, giải pháp nhận diện khuôn mặt CIVAMS được xếp hạng top 1 tại Việt Nam và top 12 trên thế giới theo đánh giá của Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ quốc gia Mỹ (NIST).

Là “điểm chạm” của hệ sinh thái Viện-Trường-Doanh nghiệp

Nói về cơ hội của việc đào tạo điện tử viễn thông, đặc biệt là vi mạch bán dẫn, Tiến sỹ Đặng Minh Tuấn nhận định đây là một ngành được nhà nước rất quan tâm, với mục tiêu phát triển 50.000 nhân lực đến năm 2030. Việt Nam đang có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, thể hiện qua những hợp tác chiến lược với các cường quốc trên thế giới.

Thế nhưng, cơ hội cũng đi đôi với thách thức. Do là một lĩnh vực mới, thị trường bán dẫn đang thiếu hụt nhiều chuyên gia có kinh nghiệm trong làm việc cũng như trong giảng dạy. Việc đầu tư trang thiết bị, bản quyền phần mềm cũng đòi hỏi chi phí khổng lồ.

Với những đặc thù trên, Trường Đại học CMC có nhiều lợi thế trong đào tạo thiết kế vi mạch. "Tập đoàn CMC với hệ thống 11 công ty thành viên cũng như các đối tác toàn cầu đang rất “khát” nhân lực bán dẫn. Chẳng hạn như Samsung, một trong 2 nhà cung cấp, sản xuất chip hàng đầu thế giới, là nhà đầu tư lớn nhất tại CMC. Đây chính là những vị trí rộng mở cho sinh viên sau khi tốt nghiệp."

Phòng lab chuẩn quốc tế đào tạo thiết kế vi mạch tại Trường Đại học CMC.

Ông cho biết CMC cũng đã đầu tư hai phòng lab thiết kế vi mạch với bản quyền phần mềm từ Tập đoàn chip Synopsys, được đặt tại trường Đại học CMC và Viện CMC ATI. Sinh viên sẽ có cơ hội thực hành với các công cụ thiết kế vi mạch chuẩn quốc tế từ sớm.

"Trường Đại học CMC nằm trong hệ sinh thái Viện-Trường-Doanh nghiệp. Đây là một hệ sinh thái vô cùng mật thiết. Với việc trở thành Trưởng khoa Vi Điện tử-Viễn thông tại trường, đồng thời là Viện trưởng Viện ATI, tôi cho rằng đây là một điểm chạm để sự kết nối này càng bền chặt hơn," Tiến sỹ Đặng Minh Tuấn chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục