Khoảng 1 tỷ người dân tại châu Phi sẽ có cơ hội mua hàng hóa với giá rẻ hơn sau khi thỏa thuận thành lập Khu vực tự do thương mại châu Phi (CFTA) giữa 26 quốc gia trong khu vực bắt đầu có hiệu lực kể từ cuối tháng 3 năm nay.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, theo kế hoạch, đại diện 3 khối kinh tế lớn nhất trong khu vực gồm Cộng đồng Đông Phi (EAC), Thị trường chung Đông-Nam châu Phi (COMESA) và Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi (SADC) sẽ ký kết CFTA vào ngày 21/3 tại thủ đô Kigali của Rwanda.
Vòng đàm phán CFTA, được Liên minh châu Phi (AU) đề xướng từ năm 2015, hướng đến việc cắt giảm thuế xuất nhập khẩu của 90% trên tổng số khoảng 200 mặt hàng hiện đang được trao đổi thương mại giữa các quốc gia tại "lục địa đen."
10% mặt hàng còn lại chưa được cắt giảm thuế, bao gồm các sản phẩm nằm trong diện “nhạy cảm” và một số loại mặt hàng hiện đang cần hàng rào bảo hộ thuế quan nhằm bảo vệ và phát triển các ngành công nghiệp sản xuất nội địa còn non yếu.
[Ai Cập thúc đẩy thành lập Khu vực thương mại tự do châu Phi]
Theo các lãnh đạo AU, CFTA được xây dựng với mục đích giúp thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa của châu lục, vốn đang bị cản trở bởi các rào cản thuế quan và phi thuế quan.
Mục tiêu chính là thúc đẩy thương mại và đầu tư trong khu vực bằng cách nới lỏng việc trao đổi, luân chuyển hàng hóa và con người trên lục địa, đồng thời cải thiện khả năng cạnh tranh, tăng trưởng kinh tế bằng cách giảm chi phí kinh doanh.
Dù vậy, vẫn có những lo ngại về CFTA, như việc giảm thuế 90% các mặt hàng trao đổi thương mại nội khối của châu Phi có thể ảnh hưởng tiêu cực tới các nước có quy mô kinh tế nhỏ vì nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu là một trong những nguồn thu ngân sách chủ yếu của những quốc gia này.
Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), kim ngạch xuất khẩu nội khối của khu vực hiện đang chiếm khoảng 13% trong tổng kim ngạch xuất khẩu trị giá khoảng 327 tỷ USD của châu lục này.
Liên hợp quốc hồi tháng 1 cũng dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của châu Phi sẽ tăng trưởng 3,5% trong năm 2018 và 3,7% trong năm tới, trong đó khu vực Đông Phi sẽ phát triển nhanh hơn cả.
Tuy nhiên, theo số liệu gần đây của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), mặc dù chỉ số GDP trung bình trên đầu người tại châu Phi đạt khoảng 3.300 USD/năm, đây vẫn được coi là châu lục nghèo nhất thế giới với 36% dân số có thu nhập dưới 1 USD/ngày./.