CETA đối mặt với làn sóng phản đối mạnh mẽ trong lòng châu Âu

Hiệp định Thương mại và Kinh tế Toàn diện giữa Liên minh châu Âu (EU) và Canada (CETA) ấp phải sự phản đối mạnh mẽ của không ít chính trị gia và người dân châu Âu.
(Nguồn: PA)

Được thảo luận từ năm 2008, Hiệp định Thương mại và Kinh tế Toàn diện giữa Liên minh châu Âu (EU) và Canada (CETA) đã tạm thời có hiệu lực từ ngày 21/9, vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của không ít chính trị gia và người dân châu Âu trong bối cảnh tình hình chính trị căng thẳng. 

Tại Pháp, vào đầu tháng Bảy vừa qua, chính phủ nước này đã chỉ định ra “Ủy ban Schubert” để đánh giá về tác động của CETA đối với môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.

Ủy ban gồm chín chuyên gia, đã hoàn thành và gửi báo cáo lên Chính phủ Pháp vào ngày 8/9 vừa qua.

Không phản đối trực diện việc áp dụng, Ủy ban đã vạch ra một số nguy cơ về y tế và môi trường khi Hiệp định đi vào hiệu lực. Chính phủ Pháp đã bỏ qua các nguy cơ trên và quyết định áp dụng tạm thời CETA từ ngày 21/9, trước khi được Quốc hội thông qua. Các đảng cánh tả của Pháp đã huy động lực lượng nhằm phản đối và đòi đưa Hiệp định ra trưng cầu dân ý.

Đại biểu của đảng “nước Pháp bất khuất,” Clémentine Autin, cho rằng báo cáo của Ủy ban sẽ phải được cân nhắc kỹ lưỡng trước khi Hiệp định được quốc hội phê chuẩn và có hiệu lực chính thức. 

Theo báo cáo, CETA có thể gây tác động tiêu cực về môi trường nhưng ở mức độ không quá trầm trọng. Báo cáo cho rằng việc tăng cường trao đổi qua đường không và đường biển giữa Canada và EU do thuế quan được cắt giảm có thể làm tăng khí phát thải CO2. Các chuyên gia kêu gọi bổ sung một điều khoản phủ quyết về môi trường dưới dạng một phụ lục của Hiệp định. 

[Thủ tướng Canada đánh giá cao CETA trước Nghị viện châu Âu]

Ở chiều ngược lại, nghị sỹ châu Âu thuộc nhóm đảng Nhân dân châu Âu (PPE) Frank Proust khẳng định CETA không gây ảnh hưởng tiêu cực về môi trường. Nghị sỹ này cho rằng cả EU và Canada đều đã ký vào Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, do vậy hai bên sẽ phải tôn trọng các mục tiêu của mình về giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. 

Còn tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) thì cảnh báo những hậu quả tiềm tàng về vấn đề y tế. Greenpeace cho rằng Hiệp định trao cho các công ty đa quốc gia của Mỹ và Canada những công cụ để vượt qua các quy định của luật pháp trong công nghệ nhân bản cũng như phổ biến các loại cây trồng biến đổi gen. 

Về phía lãnh đạo châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker xác định mục tiêu của ông là đưa các hiệp định thương mại mới, như các hiệp định với Australia và New Zealand, đi vào thực thi trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2019. Tuy nhiên, lịch trình này được đánh giá là không đủ nếu phải đợi Nghị viện của 27 quốc gia thành viên phê chuẩn các Hiệp định. 

CETA có hiệu lực trước khi được Nghị viện các quốc gia thành viên thông qua, một giai đoạn được dự đoán là rất dài và bất trắc. Vào tháng 10/2016, Quốc hội vùng Wallonie (vùng nói tiếng Pháp của Bỉ) đã phản đối Chính phủ Bỉ ký kết thỏa thuận làm cho các thủ tục bị trì hoãn một vài tuần.

Nghị sỹ Franck Proust của PPE đánh giá việc Quốc hội của một nước có thể cản trở mong muốn dân chủ của tất cả các nước thành viên là điều không bình thường. Ông cũng ủng hộ việc tham vấn Nghị viện các quốc gia thành viên nhưng phải xem xét lại cách thức để đảm bảo nguyên tắc đồng thuận. 

Như vậy là CETA đã tạm thời đi vào áp dụng trước khi được các nước thành viên EU phê chuẩn, và một số người phản đối cho rằng việc này vi phạm nguyên tắc dân chủ.

Clémentine Autain, đại biểu đảng nước Pháp bất khuất, thậm chí chỉ trích đây là “một vụ bê bối về dân chủ.”

Trong hoàn cảnh đó, các chiến dịch vận động ủng hộ cũng như phong trào phản đối việc phê chuẩn CETA đã chính thức được khởi động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục