Hiệp định thương mại và kinh tế toàn diện (CETA) mà Canada và Liên minh châu Âu (EU) đã hoàn tất quá trình đàm phán vào ngày 26/9 đang tạo những cơ hội lớn cho châu Âu và Bắc Mỹ, giúp hai bên hợp tác với nhau trong việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho các thị trường của nhau và các thị trường khác trên thế giới.
Cụ thể, CETA sẽ góp phần quan trọng trong nỗ lực của Canada trong việc mở rộng và đa dạng hóa các cơ hội quốc tế cho các doanh nghiệp và người dân của mình.
Đối với nhiều người Canada, lợi ích dễ thấy mà CETA mang lại là trong thương mại hàng hóa. Nhờ hiệp định này, Canada có thể tăng cường xuất khẩu các sản phẩm thịt bò và hải sản sang châu Âu, trong khi châu Âu có thể xuất khẩu nhiều hơn phomát và rượu vang cho Canada.
Bên cạnh đó, Canada sẽ giảm thuế cho ôtô châu Âu nhập khẩu vào thị trường Canada, trong khi châu Âu sẽ miễn thuế cho ôtô được lắp ráp tại Canada. Tuy nhiên, tầm quan trọng của CETA Canada - EU vượt ra ngoài thương mại hàng hóa, bao trùm cả đầu tư và thương mại dịch vụ.
Canada chú trọng đầu tư và thúc đẩy thương mại dịch vụ với châu Âu và CETA phản ánh điều này với việc tự do hóa có tính đột phá về việc cung cấp dịch vụ xuyên biên giới và sự di chuyển của lực lượng nhân lực có liên quan như các kiến trúc sư, kỹ sư và chuyên gia công nghệ thông tin.
Mặc dù việc xuất khẩu tài nguyên được chú ý nhiều hơn, nhưng thành công lớn nhất gần đây của Canada là ở xuất khẩu các dịch vụ có giá trị gia tăng cao và việc tạo ra những công việc lương cao đi kèm với các dịch vụ đó.
Cho dù CETA loại trừ một số dịch vụ được chính phủ cung cấp và tài trợ, nhưng lại đưa đến sự đột phá trong các dịch vụ khác. Châu Âu chấp nhận cách tiếp cận minh bạch và linh hoạt hơn của Canada đối với thương mại dịch vụ, gồm việc loại trừ những dịch vụ cụ thể không được tự do hóa. Việc loại trừ này sẽ minh bạch và dễ xử lý hơn trong tương lai.
Để có thể ký CETA với châu Âu, Canada phải chấp nhận thỏa hiệp như nới lỏng việc quản lý nguồn cung đối với các sản phẩm từ sữa. Đồng thời, nước này cũng sẽ cân đối giữa việc giữa việc mở cửa biên giới và các quy định trong nước ảnh hưởng đến vấn đề an toàn và môi trường. CETA bao gồm những điều khoản đổi mới về các vấn đề môi trường có liên quan đến thương mại và các quy định thận trọng đối với các dịch vụ tài chính.
Ngoài ra, Canada sẽ kéo dài thời hạn bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, điều mà một mặt sẽ khiến giá các loại thuốc mới tại Canada sẽ đắt trong thời gian dài hơn như những người chỉ trích đang quan ngại và mặt khác có thể khuyến khích đầu tư dược phẩm và nghiên cứu phát triển tại Canada như những người ủng hộ đang hy vọng.
Trong lĩnh vực thu mua của chính phủ, những người ủng hộ mở cửa thương mại cho rằng việc các điều khoản của CETA mở ra cơ hội cho những hợp đồng lớn là một bước tiến đáng kể.
Một sân chơi bình đẳng hơn cho tất cả công ty dự thầu sẽ giúp các chính quyền cải thiện được các dịch vụ và mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp có trụ sở tại Canada hiện đang bị các chính sách bảo hộ địa phương hạn chế tại EU - thị trường thu mua chính phủ lớn nhất thế giới.
Thủ tướng Canada Stephen Harper đã hoan nghênh CETA, đánh giá đây là thỏa thuận thương mại lớn nhất từ trước đến nay của Ottawa, hứa hẹn tạo ra hàng chục nghìn việc làm mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Canada tiếp cận thị trường tiêu thụ mới đầy tiềm năng với khoảng nửa tỷ người tiêu dùng của EU.
Theo kế hoạch, sau khi được dịch ra 23 thứ tiếng và được các luật sư xem xét kỹ lưỡng, CETA giữa EU và Canada sẽ được ký kết vào năm sau và có hiệu lực từ năm 2016./.