Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, ngày 4/8, Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe của Liên hợp quốc (CEPAL) dự báo các nền kinh tế Mỹ Latinh sẽ tăng trưởng trung bình 1,1% trong năm nay, sau 2 năm suy giảm liên tiếp.
Báo cáo của CEPAL cho biết năm nay, kinh tế Mỹ Latinh sẽ phục hồi trở lại, ngoại trừ Venezuela suy giảm -7,2%, Saint Lucia (-0,2) và Suriname (-0,2%).
Hồi tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã hạ dự báo tăng trưởng 0,1 điểm phần trăm của các quốc gia này trong năm 2017.
[Tỷ phú Mỹ Latinh trở thành khách sộp của các "thiên đường thuế"]
Triển vọng kinh tế khu vực cải thiện trong năm 2017 nhờ tình hình kinh tế thế giới có dấu hiệu khởi sắc và giá nguyên liệu thô- mặt hàng xuất khẩu chính của Mỹ Latinh, tăng lên.
Phát biểu tại trụ sở CEPAL tại thủ đô Santiago của Chile, Thư ký điều hành tổ chức này Alicia Bárcena cho biết thương mại toàn cầu bắt đầu khởi sắc trở lại nhưng ở mức thấp nhất lịch sử.
Bà Barcena dự báo Tổng sản lượng GDP của thế giới năm nay sẽ đạt mức tăng trưởng 2,7%, tổng thương mại toàn cầu ước tăng 2,4% và giá nguyên liệu thô ở mức trung bình và cao hơn 12% so với năm trước. Lĩnh vực đầu tư tăng trưởng nhẹ, trong khi chi tiêu tiêu dùng cá nhân mạnh.
Tuy nhiên, chuyên gia CEPAL cảnh báo tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao. Tỷ lệ lao động không có việc làm tại thành thị sẽ tăng từ 8,9% lên 9,4%, ảnh hưởng đến 23 triệu người dân Mỹ Latinh.
Bên cạnh đó, nền kinh tế Venezuela được dự báo tăng trưởng -7,2% trong năm 2017, do bối cảnh khủng hoảng chính trị trầm trọng và giá dầu thô - mặt hàng xuất khẩu chính của quốc gia Nam Mỹ, chưa tăng cao.
GDP của Brazil ước đạt 0,4% nhờ thu hoạch và xuất khẩu ngũ cốc đạt kỷ lục. Tuy vậy, tiêu thụ và đầu tư tại nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh vẫn thấp.
Theo báo cáo của CEPAL, trong năm nay, GDP của Panama sẽ dẫn đầu các nước trong khu vực với 5,6%, Cộng hòa Dominicana (5,3%), Bolivia (4%), Paraguay (4%), Chile (1,4%), Colombia (2,1%), Peru (2,5%), Uruguay (3%), Mexico (2,2%) và Argentina (2%)./.