CEPAL: 2,7 triệu doanh nghiệp Mỹ Latinh sẽ phải đóng cửa do COVID-19

CEPAL nhấn mạnh phần lớn các doanh nghiệp bị tác động của đại dịch là các công ty siêu nhỏ và nhỏ và khoảng 8,5 triệu người cũng bị mất việc làm.
CEPAL: 2,7 triệu doanh nghiệp Mỹ Latinh sẽ phải đóng cửa do COVID-19 ảnh 1Người vô gia cư trên một đường phố ở Buenos Aires,Argentina. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 2/7, Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL) dự báo sẽ có khoảng 2,7 triệu doanh nghiệp tại Mỹ Latinh phải đóng cửa trong nửa cuối năm 2020 này do tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Ngoài ra, kéo theo đó là khoảng 8,5 triệu người cũng bị mất việc làm.

Trong báo cáo mới nhất của cơ quan trực thuộc Liên hợp quốc, CEPAL nhấn mạnh phần lớn các doanh nghiệp bị tác động của đại dịch là các công ty siêu nhỏ và nhỏ.

Báo cáo nêu rõ, đa phần các doanh nghiệp Mỹ Latinh ghi nhận mức sụt giảm nghiêm trọng về thu nhập, gây khó khăn cho việc duy trì các hoạt động trong bối cảnh bị hạn chế bởi các biện pháp phòng ngừa y tế và tài chính.

Theo CEPAL, các hoạt động thương mại bán buôn và bán lẻ, khách sạn, nhà hàng, bất động sản, kinh doanh và cho thuê và sản xuất nằm trong số các lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi khủng hoảng dịch bệnh.

[OECD: COVID-19 khiến các vấn đề tồn tại ở Mỹ Latinh thêm trầm trọng]

Dự báo lĩnh vực thương mại sẽ mất 1,4 triệu công ty và 4 triệu việc làm, trong khi đó, bên cạnh hàng không, du lịch cũng phải hứng chịu tác động nặng nề với ít nhất 290.000 công ty giải thể và 1 triệu người thất nghiệp.

Ngoài ra, những lĩnh vực khác cũng phải chịu tác động đáng kể gồm khai thác, dịch vụ kinh doanh, công nghiệp hóa chất, điện tử, khí đốt và nước, trong đó có thể các ngành này cũng có khả năng mất tới 47,6% lao động.

CEPAL khuyến nghị áp dụng một nhóm các biện pháp đối phó với vấn đề suy giảm năng lực sản xuất của các quốc gia trong khu vực Mỹ Latinh, trong đó bao gồm việc mở rộng các điều khoản và phạm vi can thiệp vào thanh khoản và tiếp cận tín dụng; đồng tài trợ bảng lương cho doanh nghiệp trong sáu tháng; hỗ trợ tài chính trực tiếp cho người lao động tự doanh và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực chiến lược bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng.

Theo thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ngày 1/7, đại dịch COVID-19 tới nay đã khiến 41 triệu người thất nghiệp tại Mỹ Latinh và Caribe./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục