Luôn có rất nhiều cơ hội cho các sinh viên ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, khi bạn chưa có chút kinh nghiệm nào, không biết ngoại ngữ, thậm chí cả khi bạn trượt đại học, chỉ cần bạn đặt ra mục tiêu và luôn nỗ lực vì mục tiêu đó. Đó là những chia sẻ của các lãnh đạo trẻ Tập đoàn FPT trong buổi giao lưu với hơn 700 sinh viên trường Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tối qua, 18/3.
Bắt đầu từ số 0
Khi Tổng Giám đốc FPT Software Hoàng Việt Anh giới thiệu Bùi Công Sơn là một trong những quản lý trẻ nhất của FPT Software khi mới 23 tuổi đã là trưởng nhóm dự án với hơn 100 nhân viên, cả hội trường Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông ran rền tiếng vỗ tay ngưỡng mộ.
Tuy nhiên, Sơn chia sẻ, anh đã có những ngày triền miên trong thế giới game Võ lâm truyền kỳ. Lớp 12, Sơn mang cả tiền học phí đi chơi điện tử, bỏ học thường xuyên và hậu quả tất yếu là trượt đại học.
“Sau đó mình đã phải khóc lóc van xin bố mẹ cho đi học tiếp, may là cuối cùng bố mẹ cũng đồng ý,” Sơn chia sẻ.
Để có được thành công, bản thân anh đã phải nỗ lực rất nhiều để vượt lên chính mình từ một con số 0 tròn trĩnh.
Tương tự, anh Lê Hồng Hải, Phó Giám đốc Đơn vị phần mềm chiến lược số 1 của FPT Software cũng không ngần ngại kể về những ngày đầu mới tốt nghiệp đại học và chỉ là một nhân viên mới tập sự tại FPT.
“Học xong đại học, tiếng Anh của tôi rất kém. Ngày đầu đi làm, tôi mất hai tiếng chỉ để viết hai dòng báo cáo cho sếp biết hôm nay mình làm gì. Trong khi đó, các đồng nghiệp đi trước nói chuyện như gió với đối tác nước ngoài. Tôi thực sự cảm thấy rất xấu hổ và đặt quyết tâm học ngoại ngữ,” anh Hải chia sẻ.
Để có động lực học tiếng Anh, Hải đặt mục tiêu sau 3 năm phải được cử đi làm việc tại đại diện cơ quan ở nước ngoài, sau 5 năm phải lên làm quản lý. “Ở thời điểm đó, đặt mục tiêu như thế cũng hơi liều,” anh Hải cười nói.
Bí quyết thành công của anh là luôn chia mục tiêu của mình thành từng gói nhỏ một năm, 6 tháng, một tháng, một ngày. Để nâng trình tiếng Anh, Hải dành mỗi ngày một tiếng trước khi đi ngủ học ngoại ngữ. Để trau dồi chuyên môn, anh không ngần ngại bất cứ công việc gì được giao. “Tôi thường xuyên ở lại cơ quan làm việc đến 9, 10 giờ tối. Sếp giao gì cũng làm, thậm chí làm hộ luôn cả công việc của người khác, và nhờ thế mà mình trưởng thành,” anh Hải cho biết.
Kết quả ngoài mong đợi của Hải khi chỉ sau một năm rưỡi, anh đã được chọn đi làm việc ở Anh.
“Khi đó cũng rất run vì chuyên môn tốt nhưng ngoại ngữ vẫn khá kém. Một mình xách vali bay sang Anh mà chỉ sợ không biết hỏi đường sẽ lạc. Đến nơi, khách hàng cho thời gian thử thách sau 3 tuần nếu không làm được sẽ phải quay về. Cảm giác áp lực khủng khiếp, nhưng tôi đã luôn nỗ lực hết sức mình. Nhờ có sự chuẩn bị tốt và sự hỗ trợ của đồng nghiệp, đối tác thậm chí còn mời tôi ở lại làm việc hai năm,” anh Hải kể.
Cơ hội việc làm rộng mở cho ngành công nghệ
Tại buổi giao lưu, vấn đề cơ hội việc làm cũng là một trong những mối quan tâm rất lớn của các sinh viên Học viện Bưu chính Viễn thông.
Các câu hỏi được nhiều bạn đặt ra như sinh viên cần trang bị những gì? Làm sao để không bị đào thải trong quá trình thử việc? Làm sao để tìm được công việc tốt?
Theo ông Hoàng Việt Anh, Tổng giám đốc FPT Software, cơ hội việc làm cho các sinh viên ngành công nghệ thông tin rất rộng mở. Chỉ riêng FPT Software, công ty hiện có 9.000 nhân viên và dự kiến sẽ tăng quy mô gấp hơn ba lần trong năm năm tới, lên 30.000 người trong năm 2020. Theo đó, mỗi năm Công ty cần tuyển hàng nghìn nhân viên.
Không chỉ cơ hội việc làm trong nước, ông Việt Anh cho rằng cơ hội làm việc tại nước ngoài của sinh viên công nghệ cũng rất lớn.
“Chẳng hạn, tại thị trường Nhật Bản, đến năm 2020, Nhật Bản cần khoảng 60.000 nhân sự công nghệ thông tin. FPT Software mới đang có 700 nhân viên tại Nhật và đang muốn tuyển để đưa 10.000 người sang Nhật,” ông Việt Anh cho biết.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo FPT Software cũng khuyên các sinh viên nên nỗ lực hết sức để rèn luyện bản thân mình. Lĩnh vực rèn luyện không chỉ kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ, mà cả các kỹ năng mềm, cách giao tiếp, cách xử lý tình huống trong cuộc sống.
Là một người từng phỏng vấn rất nhiều ứng viên, anh Nguyễn Quang Hưng, Giám đốc Trung tâm phần mềm số 2 của FPT Software cho biết, ba điểm yếu nhất của các sinh viên Học viện Bưu chính Viễn thông là tiếng Anh kém, thiếu tự tin và thiếu sự chuẩn bị chu đáo trước khi đi phỏng vấn.
“Các bạn cần học tiếng Anh ngay từ bây giờ, có thể lên hồ Hoàn Kiếm gặp khách du lịch nước ngoài để cải thiện giao tiếp. Học trong trường khác với đi làm nên rèn luyện kỹ năng mềm cũng là một việc quan trọng. Khi phỏng vấn, tôi không kiểm tra theo kiểu trả bài mà kiểm tra độ nhiệt tình, sự tự tin và các kỹ năng mềm khác,” anh Hưng nói./.