CEO Huawei: Chúng tôi vẫn có thể trở thành số 1 mà không có Google

Ông Nhậm Chính Phi tin rằng công ty của ông vẫn có thể trở thành thương hiệu điện thoại thông minh hàng đầu thế giới, ngay cả khi vẫn bị cắt quyền truy cập vào ứng dụng-dịch vụ của Google.
Giám đốc điều hành và người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi. (Nguồn: AP)
Giám đốc điều hành và người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi. (Nguồn: AP)

Giám đốc điều hành và là người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei) tin rằng công ty của ông vẫn có thể trở thành thương hiệu điện thoại thông minh hàng đầu thế giới, ngay cả khi vẫn bị cắt quyền truy cập vào ứng dụng-dịch vụ của Google.

Công ty Trung Quốc là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Hãng này đã đi đúng hướng để vượt qua Samsung trở thành người bán điện thoại thông minh số 1 trong năm nay, cho đến khi bị liệt vào danh sách đen thương mại của Mỹ. Lệnh cấm vận đã hạn chế các công ty Mỹ như Google, Intel và Broadcom bán công nghệ cho Huawei trừ khi có giấy phép của chính phủ Mỹ.

Giờ đây, thị phần ở nước ngoài khó giành của Huawei đang bị thu hẹp, khi khách hàng bên ngoài Trung Quốc trở nên cảnh giác mua một chiếc điện thoại có thể không có quyền truy cập vào cửa hàng ứng dụng Google Play Store và các ứng dụng phổ biến như Facebook, Uber và Google Maps.

Khi được hỏi trong một cuộc phỏng vấn với CNN Business vào thứ Ba 26/11, liệu Huawei có thể trở thành thương hiệu điện thoại thông minh số 1 thế giới ngay cả khi không có Google hay không, ông Nhậm nói: "Tôi không nghĩ đó sẽ là một vấn đề," và cho rằng điều đó sẽ chỉ khiến hãng này mất nhiều thời gian hơn để trở thành số 1.

Huawei đã chịu áp lực từ một chiến dịch ngăn cản rộng lớn của Mỹ. Washington cáo buộc các sản phẩm của Huawei gây ra rủi ro an ninh quốc gia.

Một số công ty Mỹ, như Microsoft, đã nhận được giấy phép vào tuần trước từ Bộ Thương mại Mỹ cho phép kinh doanh hạn chế, do các giao dịch được cấp phép không gây rủi ro đáng kể cho an ninh quốc gia hoặc lợi ích chính sách đối ngoại. Bộ Thương mại Mỹ cũng nói rằng một số công ty đã bị từ chối cấp giấy phép.

Ông Nhậm nói với CNN Business rằng Google không bị từ chối cấp phép, nhưng chưa nhận được giấy phép. Google chưa có bình luận về phát biểu này của ông Nhậm.

Huawei đã khẳng định nhiều lần rằng hãng này muốn làm việc với Google nếu có thể. Nhưng bên cạnh đó, hãng cũng chuẩn bị một kế hoạch dự phòng "quy mô lớn."

Huawei đã phát triển hệ điều hành của riêng mình, được gọi là Harmony, cũng như một cửa hàng ứng dụng. Nhưng Huawei chỉ có 45.000 ứng dụng có sẵn để tải xuống, trong khi gian hàng ứng dụng Google Play Store có khoảng 2,8 triệu ứng dụng (theo công ty dữ liệu thị trường Statista.)

Ông Nhậm nói rằng Mỹ vẫn là quốc gia hùng mạnh nhất khi đổi mới, và không ai - kể cả Trung Quốc - có thể vượt qua đất nước này trong "nhiều thập kỷ tới."

Nhưng ông đề nghị Washington có thể vô tình giúp đỡ sự gia tăng của các đối thủ cạnh tranh nếu nước này tiếp tục đặt ra những hạn chế đối với những công ty Mỹ có thể giao dịch với ai.

Nếu Huawei không thể làm việc với các nhà cung cấp ở Mỹ, "chúng tôi sẽ phải dùng đến các lựa chọn thay thế. Nếu những lựa chọn thay thế đó trở nên hoàn thiện, tôi nghĩ rằng nó sẽ ít có khả năng chuyển trở lại các phiên bản trước," ông Nhậm nói.

"[Đây] là một thời điểm quan trọng đối với tất cả chúng tôi, tôi hy vọng chính phủ Mỹ có thể xem xét những gì tốt nhất cho các công ty Mỹ," ông Nhậm nói thêm.

Hoạt động kinh doanh của Huawei đã được chứng minh là có khả năng phục hồi rộng rãi trong năm nay, bất chấp bị liệt vào danh sách đen thương mại. Trong báo cáo thu nhập vào tháng trước, Huawei cho biết doanh thu đã tăng 24% trong chín tháng của năm 2019 [giai đoạn từ tháng 1-tháng 9] so với cùng kỳ năm trước. Doanh số điện thoại thông minh tăng vọt ở Trung Quốc đã giúp hãng có một kỳ kinh doanh ấn tượng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục