Trí tuệ nhân tạo (AI) đang gây ra "nguy cơ hiện hữu" đối với nhân loại, do đó cần thành lập một cơ quan quốc tế như Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) giám sát công nghệ đột phá này.
Tuyên bố trên được Giám đốc điều hành (CEO) của Công ty Công nghệ OpenAI, ông Sam Altman, đưa ra ngày 6/6 trong chuyến thăm Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
CEO Altman đang có chuyến công du nhiều nước để thảo luận vấn đề AI.
Phát biểu tại UAE, ông khẳng định: "Chúng ta đối mặt với nguy cơ nghiêm trọng. Chúng ta đối mặt với nguy cơ hiện hữu."
Theo ông, thách thức hiện nay là làm cách nào để có thể vừa quản lý các rủi ro này, vừa đảm bảo con người có thể tận hưởng những lợi ích to lớn của AI.
Vị CEO này cũng đề xuất thành lập một cơ quan quản lý AI như IAEA của Liên hợp quốc. Ông hy vọng cơ quan quản lý AI sẽ đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh AI có thể nhanh chóng trở nên nguy hiểm.
Trước đó, phát biểu trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hồi đầu tháng 5, ông Altman cho rằng sự can thiệp của chính phủ là điều cần thiết trong việc quản lý các rủi ro đi kèm với AI.
Các nhà lập pháp trên khắp thế giới cũng đang xem xét cách thức quản lý AI. Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc đưa ra Luật AI - có thể trở thành tiêu chuẩn toàn cầu trong tương lai.
Ông Sam Altman ngày 26/5 cho biết OpenAI không có kế hoạch rời khỏi châu Âu. Bình luận này trái ngược với lời đe dọa hồi đầu tuần này về việc rời khỏi châu Âu nếu việc tuân thủ các quy định sắp tới về trí tuệ nhân tạo (AI) trở nên quá khó khăn.
[OpenAI chưa lên kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng]
Trong một dòng tweet hôm 26/5, ông Altman cho biết Open AI rất vui mừng được tiếp tục hoạt động tại châu Âu và tất nhiên không có kế hoạch rời đi.
Trước đó, ngày 24/5, ông Altman cho rằng dự thảo Đạo luật AI của Liên minh châu Âu (EU) là vượt quá quy định.
Lời đe dọa rời khỏi châu Âu của ông Altman đã vấp phải sự chỉ trích từ Ủy viên phụ trách kỹ thuật số của EU Thierry Breton và một loạt nhà lập pháp khác.
Ông Altman đã công du khắp châu Âu, gặp gỡ các chính trị gia hàng đầu ở Pháp, Tây Ban Nha, Ba Lan, Đức và Anh để thảo luận về tương lai của AI và tiến trình của ChatGPT.
OpenAI đã phải đối mặt với những lời chỉ trích vì không tiết lộ dữ liệu đào tạo cho GPT-4, mô hình AI mới nhất, khi viện dẫn lý do về bối cảnh cạnh tranh và quy định bảo mật.
EU đang nghiên cứu về bộ quy tắc đầu tiên trên toàn cầu để quản lý AI. Trong khi tranh luận về dự thảo Đạo luật AI, các nhà lập pháp EU đã bổ sung các đề xuất mới buộc bất kỳ công ty nào sử dụng các công cụ tổng quát, như ChatGPT, tiết lộ tài liệu có bản quyền được sử dụng để đào tạo hệ thống của mình.
Tháng 11/2022, OpenAI cho ra mắt ChatGPT, nhanh chóng tạo nên "cơn sốt" trên toàn cầu. Chatbot này có khả năng đưa ra các câu trả lời, thậm chí là cả một bài luận chỉ dựa trên một số từ khóa người dùng cung cấp. Tập đoàn Microsoft cũng đã đầu tư khoảng 1 tỷ USD vào OpenAI cho sản phẩm này.
Tuy nhiên, thành công của ChatGPT cũng làm dấy lên không ít lo ngại về nguy cơ cung cấp thông tin sai lệch.
Tháng 5 vừa qua, hàng trăm nhà quản lý trong lĩnh vực công nghệ, trong đó có cả CEO OpenAI Altman, đã cùng nhau ký một bức thư, cảnh báo những rủi ro tiềm tàng của AI.
Các nhà quản lý trên đều thống nhất quan điểm giảm thiểu nguy cơ do AI gây ra phải trở thành ưu tiên toàn cầu, bên cạnh các rủi ro quy mô xã hội khác như đại dịch và chiến tranh hạt nhân./.