CEN-SAD bác cáo buộc chống Tổng thống Sudan

Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng các quốc gia vùng Sahel-Sahara (CEN-SAD) đã bác bỏ mọi cáo buộc của ICC đối với Tổng thống Sudan.
Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng các quốc gia vùng Sahel-Sahara (CEN-SAD) diễn ra tại Cộng hòa Chad ngày 22/7 đã bác bỏ mọi cáo buộc của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đối với Tổng thống Sudan Omar al-Bashir.

Người đứng đầu CEN-SAD, ông Mohamed al-Madani al-Azhari tuyên bố khu vực này "hoàn toàn ủng hộ và đoàn kết với đất nước và nhân dân Sudan."

Ông Azhari cho rằng việc ICC phát lệnh bắt giữ ông Bashir với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và tội diệt chủng không giúp mang lại hòa bình cho khu vực Darfur của Sudan.

Trước đó, phát biểu khai mạc hội nghị CEN-SAD với sự có mặt của các nhà lãnh đạo 13 nước thành viên, trong đó có Tổng thống Sudan Bashir, Tổng thống Cộng hòa Chad Idriss Deby đã kêu gọi các quốc gia vùng Sahel-Sahara ủng hộ tiến trình hòa bình ở Sudan và giúp giải quyết cuộc khủng hoảng Darfur.

Ông Deby nhấn mạnh vai trò của CEN-SAD trong việc củng cố hòa bình ở châu lục, đồng thời kêu gọi các bên liên quan ủng hộ tiến trình Doha đàm phán cho nền hòa bình Darfur dưới sự bảo trợ của Cata, Liên minh châu Phi (AU) và Liên hợp quốc.

Tháng 3/2009, ICC phát lệnh bắt giữ ông Bashir với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người. Ngày 12/7 vừa qua, ICC bổ sung cáo buộc tội diệt chủng mà ICC cho rằng nhà lãnh đạo này phạm phải tại khu vực Darfur.

Cộng hòa Chad ngày 21/7 tuyên bố không bắt giữ Tổng thống Sudan khi ông đến Chad dự hội nghị CEN-SAD.

Tại Washington ngày 22/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Philip Crowley tuyên bố Mỹ ủng hộ quan hệ ấm lên giữa Chad và Sudan, cho rằng đây là một diễn biến tích cực đối với hòa bình cho Sudan, bao gồm cả Darfur.

Tuy nhiên, ông Crowley nhấn mạnh quan điểm của Washington về việc bắt giữ Tổng thống Sudan Bashir, cho rằng Cộng hòa Chad "có trách nhiệm" tuân thủ các quyết định của ICC.

Cùng ngày, đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton yêu cầu Cộng hòa Chad bắt giữ ông Bashir và trao ông cho ICC.

Trước nỗ lực của chính phủ Sudan và quốc tế, nhóm phiến quân chính ở Darfur, Phong trào vì Công lý và Bình đẳng (JEM) đã ký thỏa thuận khung hồi tháng 2 vừa qua tại Doha (Qatar), một bước quan trọng tiến tới đem lại hòa bình cho khu vực, nhưng sau đó JEM rút khỏi các cuộc thương lượng và nối lại các cuộc tấn công quân chính phủ. Mới đây, ít nhất 300 phiến quân JEM đã bị tiêu diệt trong các cuộc giao tranh với lực lượng chính phủ.

Trong khi đó, chính phủ Sudan và một nhóm nổi dậy khác, Phong trào vì Tự do và Công lý (LJM) đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, các cuộc xung đột ở Darfur từ năm 2003 đến nay đã làm ít nhất 300.000 người thiệt mạng và 2,7 triệu người mất nhà ở./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục