CDC Mỹ cảnh báo tốc độ lây lan của biến thể Omicron tàng hình

Kể từ tháng Một vừa qua, Omicron dường như là biến thể chủ đạo tại Mỹ. Tuy nhiên, trong vài tuần trở lại đây, dòng phụ BA.2 đang dần nổi lên.
CDC Mỹ cảnh báo tốc độ lây lan của biến thể Omicron tàng hình ảnh 1Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Hartford, Connecticut, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 15/3, Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron, còn gọi là "Omicron tàng hình,” đang là biến thể lây lan chủ đạo gây bệnh COVID-19 tại nước này, chiếm 25% số ca mắc mới, tăng mạnh so với mức 10% của một tuần trước đó.

Kể từ tháng Một vừa qua, Omicron dường như là biến thể chủ đạo tại Mỹ. Tuy nhiên, trong vài tuần trở lại đây, dòng phụ BA.2 đang dần nổi lên.

Theo CDC Mỹ, các bang ở Đông Bắc hiện ghi nhận tỷ lệ nhiễm "Omicron tàng hình" cao nhất.

Trong khi đó, khu vực trải rộng từ New York  và New Jerrsey ghi nhận 39% số ca bệnh nhiễm biến thể này. Tỷ lệ này tại New England đã là 38,6%.

["Omicron tàng hình" và những khác biệt so với biến thể gốc]

Thống kê trên được công bố trong bối cảnh dòng phụ BA.2 đang gây quan ngại tại nhiều nước trên thế giới, trong số này nhiều quốc gia đối mặt với làn sóng dịch mới sau khi dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch.

Quan chức cấp cao của CDC Mỹ, Tiến sĩ Deborah Dowell, cho rằng sự khác biệt chính giữa BA.1 và BA.2 đã cho phép một số nhà nghiên cứu "nhanh chóng phân biệt các dòng phụ này."

Giống như biến thể Alpha, xuất hiện vào năm 2020, dòng BA.1 thiếu đoạn gene S.

Chính nhờ đặc điểm này, vốn không xuất hiện ở trường hợp nhiễm biến thể Delta, các chuyên gia đã nhanh chóng phân biệt các trường hợp nhiễm biến thể Omicron và ước tính được tốc độ gia tăng số ca mắc nhiễm Omicron vào thời điểm đó.

BA.2 có nhiều điểm chung với Omicron, nhưng đoạn gene S của nó không biến mất, khiến xét nghiệm PCR khó phân biệt và đây là lý do giới khoa học đặt cho nó là “Omicron tàng hình.”

Sau khi dòng phụ BA.1 đã gần như chiếm ưu thế trong số các ca mắc mới tại Mỹ vào đầu năm nay, sự khác biệt về gene đang giúp các nhà nghiên cứu nhanh chóng phân tích sự gia tăng ca nhiễm dòng phụ BA.2.

Theo bà Dowell, mặc dù số ca nhiễm BA.2 dường như đang tăng tại Mỹ, song gần như nó không gia tăng với tốc độ nhanh chóng như các quốc gia khác. Thời gian số ca nhiễm mới tăng gấp đôi ở Mỹ dường như đang chậm lại.

Nghiên cứu sơ bộ tại các quốc gia khác, gồm Qatar và Đan Mạch, cho thấy dòng phụ BA.2 không có khả năng gây ra tình trạng tái nhiễm đối với những người từng nhiễm BA.1.

Các phát hiện ban đầu tại Nam Phi và Anh cho rằng dòng phụ BA.2 dường như gây ra nguy cơ bệnh nặng hoặc “lẩn tránh” miễn dịch của vaccine, tương tự như dòng phụ BA.1.

Do vậy, việc theo dõi sự lây lan của BA.2 được xem là quan trọng, một phần vì điều này có thể thay đổi đáng kể phương pháp điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất.

Dòng phụ BA.2 dường như vẫn duy trì "sự nhạy cảm" với Evusheld, thuốc kháng thể đơn dòng của AstraZeneca.

Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ gần đây đã khuyến nghị rằng cần tăng gấp đôi liều lượng thuốc Evusheld trong điều trị các bệnh nhân COVID-19 nhiễm BA.1.

Đối với sotrovimab, một loại thuốc kháng thể đơn dòng do GlaxoSmithKline và Vir Biotechnology sản xuất, các thí nghiệm cho thấy BA.2 có thể làm giảm đáng kể hiệu quả của việc điều trị.

Tiến sỹ Derek Eisnor, quan chức liên bang chịu trách nhiệm việc phân phối thuốc COVID-19 tại Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ, thừa nhận các biến thể mới đặt ra những thách thức mới cho các phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng.

Cho đến nay, thuốc kháng virus của hãng Pfizer và Merck dường như vẫn hiệu quả trong điều trị các trường hợp nhiễm BA.2./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục