CDC châu Phi kêu gọi không tích trữ vaccine để đối phó đậu mùa khỉ

Trong tuyên bố của mình, quyền Giám đốc CDC châu Phi Ahmed Ogwell Ouma nhấn mạnh rằng các vaccine cần được chuyển đến những nơi cần nhất và phải được phân phối công bằng.
Nhân viên y tế điều trị cho một em nhỏ mắc bệnh đậu mùa khỉ tại Zomea Kaka (Cộng hòa Trung Phi), ngày 18/10/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 26/5, quyền Giám đốc Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) châu Phi đã bày tỏ hy vọng tình trạng tích trữ vaccine từng được ghi nhận trong đại dịch COVID-19 sẽ không tái diễn trong đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay.

Trong tuyên bố của mình, quyền Giám đốc CDC châu Phi Ahmed Ogwell Ouma nhấn mạnh rằng các vaccine cần được chuyển đến những nơi cần nhất và phải được phân phối công bằng.

CDC châu Phi đang phối hợp với tất cả các quốc gia thành viên tại châu Phi để tăng cường giám sát bệnh đậu mùa khỉ và kêu gọi người dân tránh tìm kiếm vaccine nếu họ không có nguy cơ nhiễm virus vì điều này sẽ gây áp lực lên nguồn cung cho những người đang cần.

Ông cho rằng các nguồn cung cấp vaccine phòng bệnh đậu mùa sẵn có sẽ được ưu tiên cho các nhân viên y tế và các khu vực đã xác nhận có ca mắc.

Trước đó, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) thông báo số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ tại các nước vốn hiếm khi ghi nhận căn bệnh này đã lên tới 219 người. Theo ECDC, đã có hơn 10 nước, hầu hết ở châu Âu, báo cáo có ít nhất 1 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Đây là lần đầu tiên chuỗi lây nhiễm này được ghi nhận tại châu Âu - vốn không có nhiều mối liên quan dịch tễ đến khu vực Tây hoặc Trung Phi.

Hầu hết các ca mắc là nam giới trẻ, tự nhận có quan hệ tình dục đồng giới. Tổng số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới ghi nhận đến ngày 25/5 đã cao gấp 5 lần so với con số 38 ca công bố ngày 20/5 - thời điểm bắt đầu thống kê số người mắc bệnh này. 

Bệnh đậu mùa khỉ thường chỉ xuất hiện ở Tây Phi và Trung Phi. Bệnh được gọi là đậu mùa khỉ do lần đầu tiên được các chuyên gia của Đan Mạch phát hiện trên loài khỉ (macaques) từ năm 1958. Khoảng 12 năm sau, những trường hợp đầu tiên trên người được phát hiện ở CHDC Congo ở Tây Phi.

Các nhà khoa học cho rằng không chỉ do tiếp xúc với khỉ, căn bệnh này còn có thể lây sang người thông qua tiếp xúc gần với chuột hoặc các loài gặm nhấm khác ở khu vực phía Nam sa mạc Sahara.

Kể từ đó, căn bệnh này đã lan sang các nước khác nhưng nhìn chung đã được kiểm soát ở khu vực Tây Phi. Tuy nhiên, trong vài tuần qua, số ca mắc đậu mùa khỉ đã xuất hiện ở châu Âu và Bắc Mỹ.

[Chuyên gia kêu gọi nhanh chóng ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ lây lan]

Bệnh đậu mùa khỉ dễ nhận biết nhất thông qua những thay đổi trên da, bắt đầu bằng những tổn thương màu đỏ, trải qua các giai đoạn khác nhau và cuối cùng đóng vảy sau khi giai đoạn ủ bệnh của virus kết thúc. Các triệu chứng phổ biến của bệnh như nhức đầu, sốt, ớn lạnh, đau nhức cơ bắp và kiệt sức. Do bệnh đậu mùa khỉ có liên quan đến bệnh đậu mùa nên đã có vaccine phòng bệnh.

Bệnh đậu mùa từng làm hàng triệu người tử vong mỗi năm đã bị "xóa sổ" vào năm 1980 nhờ chiến dịch tiêm chủng trên toàn thế giới. Vaccine phòng bệnh đậu mùa có tác dụng phòng ngừa 85% đối với bệnh đậu mùa khỉ, dù hiệu quả của vaccine giảm dần theo thời gian.

Một số nước, trong đó có Mỹ, đã tích trữ vaccine phòng đậu mùa trong trường hợp bệnh này xuất hiện trở lại, nay có thể sử dụng vaccine này để phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục