Báo chí Ấn Độ đã dùng đến các từ “nóng luộc da” để chỉ đợt nắng nóng đang bao trùm lên nhiều khu vực trên đất nước này, khiến nhiều người tử vong. Hai bang miền Nam Ấn Độ là Andra Pradesh và Telangana bị nắng nóng hoành hành dữ dội nhất, với nhiệt độ tối đa có lúc lên tới 48 độ C, khiến 1.118 người tử vong tính đến ngày 26/5.
Tại Delhi, nhiệt độ cao nhất trong ba ngày qua cũng liên tục 45,5 độ C, làm nhiều người chết. Phần lớn những người tử vong trong đợt nắng nóng tại Ấn Độ là người nghèo, người vô gia cư và công nhân xây dựng làm việc ngoài trời nắng liên tục trong nhiều giờ. Trong khi đó, nhiệt độ tăng cao gây nhiều bệnh tật như tiêu chảy và hô hấp ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Chính phủ Ấn Độ cam kết hỗ trợ khoảng 1.575 USD cho mỗi gia đình nạn nhân có người tử vong do nắng nóng, đồng thời khuyến cáo người dân nên hạn chế ra ngoài đường, không làm việc lâu ngoài trời, sử dụng các vật dụng che nắng và đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể.
Chính quyền các thành phố hàng ngày đã điều động xe bồn chở nước sinh họat cấp cho các khu người nghèo hoặc các khu ổ chuột của những người vô gia cư.
Bên cạnh đó, cư dân tại các khu nhà gần trục đường chính cũng tự nguyện mang chum, vò đựng nước để trên vỉa hè cho những người qua đường uống khi khát. Họ còn đưa các chậu nước đặt ở công viên, khuôn viên cho chim muông uống bởi nhiều hồ nước tại đây đã bị khô cạn.
Người dân Ấn Độ thường chống háo nước trong mùa Hè bằng lá bạc hà xay pha với nước soda và đá. Theo người dân địa phương, đây là thứ nước giải khát truyền thống được ưa thích nhất tại Đất nước sông Hằng nhiều nắng nóng này.
Ngoài ra, để chống bệnh tật do nắng nóng gây ra, người Ấn Độ thường ăn nhiều đồ gia vị như ớt, hành tây, hạt tiêu, bột nghệ.
Bên cạnh đó, người Ấn Độ rất yêu quý cây, có ý thức trồng và bảo vệ cây, coi cây xanh như những vị “thần linh” che chở cho con người trong những ngày Hè bỏng rát.
Từ năm 1927, Ấn Độ đã ban hành luật bảo vệ rừng và luật được thực thi rất nghiêm ngặt. Theo luật, nếu khi giải phóng mặt bằng thi công dự án nào đó buộc phải chặt hoặc di dời cây thì phải trồng bù cây gấp nhiều lần, đồng thời việc chặt cây hoặc di dời cây phải có giấy phép cơ quan quản lý cây xanh địa phương.
Bên cạnh luật chung của quốc gia, năm 1994, bang Delhi đã ban hành luật riêng về bảo vệ cây, với những quy định quản lý bền vững rừng và các loài hoang dã.
Theo chính sách rừng quốc gia năm 1988, diện tích phủ xanh ở nội đô Delhi đã lên tới 25% trong năm 2010. Delhi tự hào là một trong những thủ đô xanh nhất thế giới, với diện tích phủ xanh tăng từ 30km2 lên 300km2 trong 10 năm qua.
Mỗi năm Delhi trồng khoảng hơn 1,8 triệu cây con. Hiện nay tại Delhi có 14 khu rừng rậm và chín khu rừng mới phát triển trong năm 2007-2008. Theo luật bảo vệ cây năm 1994 của Delhi, cứ một cây bị chặt bỏ thì phải trồng 10 cây thay thế; nếu một cây xanh bị di dời thì phải trồng bù 5 cây. Kế hoạch phát triển, bảo vệ rừng do 18 cơ quan phụ trách và trách nhiệm bảo vệ rừng đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân Ấn Độ.
Ngoài những khu rừng rậm, trong lòng thành phố Delhi còn vô số khu rừng khác mà người dân tại đây gọi là “Park," như Deer Park, Green Park, Nehru Park hoặc Lodhi Garden, Budha Garden…trông giống như những tấm thảm xanh khổng lồ bao trùm từng khu phố.
Tại mọi khu dân cư đều có những khuôn viên nhỏ và mỗi khu phố lại có một công viên lớn rợp bóng cây xanh để buổi sáng ai cũng có thể ra tập thể dục, đi bộ, tập Yoga, ngồi thiền hay thư giãn để nạp năng lượng tự nhiên nhằm đối phó với nắng nóng trong ngày.
Đến chiều muộn, sau giờ làm việc, họ lại ra công viên, khuôn viên thư giãn và tận hưởng không khí dịu mát. Mặc dù nắng nóng như thiêu, với nhiệt độ cao điểm nhất vào tháng Sáu lên tới 49-50 độ C, người Ấn Độ vẫn có thể vượt qua, có lẽ một phần nhờ “lá phổi xanh” khổng lồ đã che chở cho họ./.