Cây "vàng trắng": Hướng đột phá nơi cuối trời Tây Bắc

Sau nhiều năm chăm sóc, dẫu cây “vàng trắng” chưa tới ngày lấy mủ, song tỉnh Lai Châu vẫn tin tưởng cao su sẽ giúp người dân đổi đời.
Cây "vàng trắng": Hướng đột phá nơi cuối trời Tây Bắc ảnh 1Người dân góp đất làm công nhân cao su. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Bất chấp những cảnh báo trước nguy cơ cao su nơi cuối trời Tây Bắc không cho mủ và lo ngại biến động thị trường, giá cả, thời tiết có thể khiến người dân trắng tay, tỉnh Lai Châu vẫn quyết định phát động phong trào trồng cao su trên diện rộng.

Đến nay, sau nhiều năm chăm sóc, dẫu cây “vàng trắng” chưa chứng minh được hiệu quả như kỳ vọng, song lãnh đạo tỉnh Lai Châu và Tập đoàn Cao su Việt Nam vẫn tin tưởng loài cây này sẽ thành vàng, giúp hàng ngàn hộ dân của địa phương đổi đời trong vài năm tới.

Cây “vàng trắng” đang lên xanh

Với lợi thế lớn về tiềm năng lâm nghiệp, nhiều năm qua, khi tiếp nhận các chương trình, dự án của Trung ương và địa phương như chương trình 327, 661, tỉnh Lai Châu đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nhằm phát triển mạnh về kinh tế rừng.

Tuy nhiên, hiệu quả các chương trình này đem lại chưa thực sự thỏa mãn do việc lựa chọn chủng loại cây trồng chưa thích hợp nên vẫn chưa tạo được sự bứt phá. Cũng vì lẽ đó, nhiều nơi, người dân đã quay lại với cây lúa nương, cây ngô dẫn tới tình trạng tự do đốt nương, phá rừng làm rẫy.

Trải qua nhiều năm bế tắc tìm hướng đột phá "nuôi con gì, trồng cây gì để xóa đói, giảm nghèo," đến năm 1993, trên địa bàn tỉnh phát hiện có khoảng 200 cây cao su xuất hiện từ Trung Quốc đang phát triển tốt nên tỉnh này đã tiếp tục cho trồng thử nghiệm 132,5 ha cao su thành công vào năm 2006.

Trên cơ sở đó, từ đầu năm 2008, Lai Châu quyết định phát động trồng cây “vàng trắng” trên diện rộng tại các huyện vùng thấp của tỉnh như Sìn Hồ, Phong Thổ, Mường Tè.

Trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Bùi Từ Thiện, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Lai Châu, cho biết cao su là loại cây trồng có giá trị kinh tế lâu dài và được tỉnh ưu tiên hàng đầu trong thời điểm này.

Theo ông Thiện, cây cao su nếu được trồng đại trà trên quy mô lớn và đúng quy trình thì sẽ có giá trị như rừng phòng hộ, bảo đảm an toàn về sinh thái và nguồn nước cho Nhà máy thủy điện Sơn La.

"Cho đến thời điểm này, diện tích cao su trên địa bàn tỉnh đã lên tới 12.000 ha. Và, điều đáng mừng là loại cây này đang phát triển rất thuận lợi trên đồi cao, kể cả trên đỉnh núi ở độ cao 600m so với mực nước biển," ông Thiện chia sẻ.

Ông Thiện cũng khẳng định, trong tương lai, cây cao su sẽ còn phủ kín các vạt đồi, triền núi, góp phần tăng tỷ lệ độ che phủ của rừng lên 60% trong năm 2020 đồng thời giúp đồng bào dân tộc tại các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lai Châu xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững.

Trong câu chuyện với vị khách trẻ, chị Lò Thị Xuân, công nhân Nông trường Phong Thổ (Công ty cổ phần cao su Lai Châu) cho biết, do sống vùng sâu nơi cuối trời Tây Bắc, nên trước đây bà con ở xã Hoàng Thèn, huyện Phong Thổ cứ luẩn quẩn trong cái nghèo, chỉ biết đốt nương, trồng cây ngô, cây sắn.

Thế nhưng, gần 7 năm nay, nhờ góp đất cùng nông trường trồng cây cao su, bà con nơi đây đã thoát khỏi cái đói, cái nghèo.

“Riêng gia đình mình, nhờ góp đất vào làm công nhân cho nông trường nên mỗi tháng hai vợ chồng cũng kiếm được hơn 5 triệu đồng. Đây là mức thu nhập mà có mơ gia đình mình cũng không dám để trong đầu,” chị Xuân phấn khởi nói.

“Cao su sẽ là cây đổi đời"

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Tiến Tình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần cao su Lai Châu, cho biết với quyết tâm thay "màu áo" vùng cho đồng bào dân tộc, từ năm 2008, tỉnh Lai Châu đã hợp tác với Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam phát triển trồng cao su đại điền theo hình thức vận động người dân góp đất, chia sản phẩm...

Theo thỏa thuận, các hộ gia đình, cá nhân tham gia góp đất trồng cao su sau một chu kỳ kinh doanh (27 năm) sẽ được nhận 10% sản phẩm (gỗ cao su). Số sản phẩm này sẽ được công ty mua theo giá thỏa thuận. Ngoài ra, sau khi hết chu kỳ, số diện tích vườn cây thanh lý cũng được phân chia tỷ lệ như hình thức chia sản phẩm.

“Với cách làm cởi mở như vậy, đến nay, người dân đã chủ động nộp đơn xin làm công nhân cao su thay vì tập quán khi nào hết mỳ chính mới đi kiếm việc để làm," ông Tình chia sẻ.

Nói về những khó khăn đối với việc trồng cây “vàng trắng” nơi cuối trờiTây Bắc, ông Tình bảo, nơi đây địa hình giao thông vất vả, chi phí suất đầu tư cao (200 triệu đồng/ha), trong khi trình độ dân trí của bà con cũng còn hạn chế, nên việc phát triển cây công nghiệp chủ lực này cũng không hề đơn giản.

“Khó khăn là vậy, song vấn đề đáng lo ngại nhất ở đây là thời tiết, tiểu khí hậu. Đơn cử như đợt gió lốc mới đây, 11.000 cây cao su đang trong thời kỳ phát triển trên địa bàn tỉnh đã bị đổ gãy hoang tàn,” ông Tình thành thật.

Dẫu vậy, vị Tổng giám đốc Công ty cổ phần cao su Lai Châu cũng khẳng định cao su Lai Châu sẽ tới ngày hái quả ngọt, bởi cho đến lúc này không ai còn nghi ngờ Lai Châu chính là “thủ phủ” của loài cây vàng trắng được trồng với diện tích lớn nhất ở miền Bắc.

Thêm tín hiệu đáng mừng hơn là trong khi những mùa đông khủng khiếp năm 2008, 2010 đã đốn ngã hàng ngàn ha cao su của các tỉnh Yên Bái, Hà Giang, Lào Cai, song cây cao su của tỉnh Lai Châu vẫn xanh ngằn ngặt, như thách thức băng giá, gió Lào của vùng biên viễn.

Lý giải về điều này, ông Bùi Từ Thiện, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Lai Châu cho rằng, sở dĩ cây "vàng trắng" ở Lai Châu không bị chết là vì tỉnh chọn trồng cao su ở vùng lòng hồ và không bị sương muối như các tỉnh khác.

"Cái mà chúng tôi lo ngại đó là gió lốc. Tuy nhiên, diện tích cao su bị thiệt hại bởi gió lốc chỉ là một phần nhỏ. Chính vì vậy, trồng cao su ở đây có thể nói là hướng đi đúng đắn. Về phía doanh nghiệp, tôi nghĩ họ cũng không mù quáng khi quyết định ném hàng ngàn tỷ đồng vào đất Lai Châu đâu.

Chính vì lẽ đó, trong năm 2014 này, tỉnh sẽ phối hợp với Công ty cổ phần cao su Lai Châu và các đơn vị trên địa bàn tiến hành trồng mới thêm 2.000 ha, để tạo công ăn, việc làm ổn định cho người dân,” ông Tình chia sẻ.

Đến nay, chứng kiến hơn 12.000 ha cao su vẫn xanh tốt sau một 6-7 mùa đông giá rét, người dân vùng cao của tỉnh Lai Châu càng vững niềm tin vào cây cao su. Chính vì vậy, nhiều gia đình đã tự nguyện góp đất cho công ty, để được tham gia trồng “vàng trắng” với hy vọng thoát nghèo.

Niềm tin của người dân với loại cây được mệnh danh là “vàng trắng” này càng được nhân lên khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tập đoàn cao su Việt Nam đánh giá sinh trưởng khá, không thua kém các vùng cao su truyền thống ở Tây Nguyên và Đông Nam bộ - nơi người dân đang ngày đổi đời nhờ loài cây hy vọng này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục