“Cây cầu không ngủ” mang sức sống mới tới thành phố Đà Nẵng

Khám phá thành phố Đà Nẵng, chúng tôi đã phát hiện ra một cây cầu khác, dù có vẻ ít phổ biến nhưng lại vô cùng đặc biệt – “Cầu vượt ngã ba Huế”
Cầu vượt ngã ba Huế, cây cầu không ngủ tại thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Tùng Lâm/Vietnam+)

Đà Nẵng đã trở thành địa điểm du lịch quen thuộc với nhiều du khách cả trong và ngoài nước. Nhắc tới mảnh đất này là nhắc tới những bãi biển tuyệt đẹp, các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, con người thân thiện và không thể thiếu được những cây cầu.

Nói về cầu ở Đà Nẵng, chẳng khó để người ta có thể kể ra một vài cái tên như: “Cầu Sông Hàn”, “Cầu Thuận Phước,” “Cầu Trần Thị Lý” hay “Cầu Rồng” bởi những nét kiến trúc độc đáo, khác lạ và cả sự rực rỡ của hai bờ sông Hàn lúc về đêm. Tuy nhiên, khám phá thành phố này, chúng tôi đã phát hiện ra một cây cầu khác - dù có vẻ ít phổ biến nhưng lại vô cùng đặc biệt – “Cầu vượt ngã ba Huế” một niềm tự hào của người dân thành phố bởi đường nét kiến trúc mềm mại và sự hối hả đêm ngày trên giao lộ trọng yếu của khu vực miền Trung.

Không giống với những cây cầu khác, “Cầu vượt ngã ba Huế” không nằm trong khu trung tâm thành phố mà lặng lẽ đứng ở một góc phía ngoại ô. Sở dĩ có tên gọi như vậy là bởi công trình này nằm ở nút giao thông trọng điểm trên quốc lộ 1A, trước đây vốn là một ngã ba: một đường đi Huế, một đường đi Quảng Nam và một đường đi về phía trung tâm thành phố Đà Nẵng.

Công trình có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Khi chính thức khánh thành (29/3/2015) đã lập nên được một kỳ tích thi công khi được xây dựng chỉ trong có 16 tháng mà vẫn đảm bảo chất lượng, an toàn cũng như mỹ thuật công trình. Cầu có tổng chiều dài hơn 2,5km, gồm có 50 nhịp, tổng cộng 491 cọc khoan nhồi, 57 trụ và mố cầu, 1 trụ tháp cao 65m, hệ dây văng 2 mặt phẳng, vòng xuyến có đường kính rộng 150m và là công trình cầu vượt 3 tầng có quy mô lớn nhất cả nước hiện nay.

Kiến trúc của cây cầu được dựa trên nền tảng văn hoá cổ của người Chăm, gồm trụ tháp hình parabol và vòng xuyến tròn bao quanh, hình dáng cách điệu cho biểu tượng linga và yoni của thần Shiva, tượng trưng cho sức sống và sức sáng tạo mãnh liệt của nhân loại.

Cầu được khánh thành đã đem lại một diện mạo và sức sống mới cho khu dân cư ngoại ô thành phố Đà Nẵng. Trước đây, “Ngã Ba Huế” có đường sắt Bắc Nam chạy qua vì thế khu vực này phải “gồng gánh” một lượng giao thông khổng lồ, lưu thông cả ngày lẫn đêm.

Theo người dân địa phương, cứ có tàu chạy qua là đường lại tắc. Xe cộ phải xếp hang cả cây số và kéo dài trong hàng chục phút đồng hồ. Tuy nhiên, từ khi “Cầu vượt Ngã Ba Huế” bắt đầu hoạt động, tình trạng này đã được khắc phục. Ngoài ra, với 3 tầng cầu và các làn đường được bố trí hợp lí, các chủ phương tiện có thể dễ dàng di chuyển theo hướng mong muốn, tránh tình trạng đi sai làn, lấn làn, làm giảm đáng kể tai tạn giao thông.

Người dân Đà Nẵng gọi cầu vượt “Ngã Ba Huế” là “Cây cầu không ngủ” bởi lẽ suốt cả ngày, lưu lượng giao thông qua cầu không khi nào ngớt. Nằm lặng lẽ ở một góc thành phố thế nhưng cây cầu lại đảm nhiệm một trọng trách lớn lao là nối liền và đảm bảo lưu thông cho quốc lộ 1A, đoạn qua thành phố Đà Nẵng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục