Cây bút trào phúng Lê Văn Nghĩa với hồi ức tuổi thơ xóm nhỏ Sài Gòn

Các nhân vật với những câu chuyện riêng như những mảnh ghép tạo nên bức tranh sống động về đời sống Sài Gòn nửa thế kỷ trước.

Thế giới tuổi thơ của những đứa trẻ Sài Gòn với những trò chơi, lối nói trại, câu chuyện thần tượng… được mở ra với “Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy” của tác giả Lê Văn Nghĩa.

“Năm ấy” là những năm 60 của thế kỷ XX. Hồi ức về nhịp sống Sài Gòn khi đó được nhắc nhớ bằng câu chuyện của lũ trẻ con ở một xóm nhỏ bên rìa thành phố. Đó là thế giới của những thằng Minh, thằng Chim, Long Mập, Út Đẹt… với những mối quan hệ, những tình huống riêng. Mỗi đứa trẻ là một cảnh đời.

Chúng vừa hồn nhiên vừa thể hiện sự láu cá, lém lỉnh của con nít; lại vừa phảng phất nét già dặn của những đứa trẻ sớm phải va vấp với cuộc đời.

Những bài học về đời sống đến với lũ trẻ từ qua “những nhân vật của đường phố” như chú Hai Ngon - người làm nghề chiếu bóng thùng dạo trong các xóm nhỏ, ảo thuật gia đường phố Khổng Có...

Những cuộn phim cũ kỹ về nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn, về những chàng cao bồi Mỹ... của chú Hai Ngon mang đến cho lũ trẻ tiếng cười và giúp chúng không ngừng nuôi hy vọng. Chính cuộc sống mưu sinh cơ cực, nhọc nhằn nhưng vô cùng lương thiện và câu nói cửa miệng “Dẫu hèn cũng thể. Nát vỏ vẫn còn bờ tre” của chú là bài học nhân cách, lối sống với lũ trẻ.

Không lên gân, không gượng ép, những bài học đạo đức, lối ứng xử được tác giả khéo léo đan lồng vào tập sách thông qua câu chuyện về những hiềm khích, những trò chơi khăm, giận hờn của lũ trẻ. Các nhân vật với những câu chuyện riêng như những mảnh ghép tạo nên bức tranh sống động về đời sống Sài Gòn nửa thế kỷ trước.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ, bên cạnh việc khắc họa tính cách và số phận nhân vật, Lê Văn Nghĩa còn có tham vọng phục dựng không khí thời cuộc qua “Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy.”

“Đọc truyện của Lê Văn Nghĩa, ta có cảm giác đọc tác phẩm của một nhà phong tục học. Những sinh hoạt, nghề nghiệp, lời ăn tiếng nói của một vùng đất, một thời đại hiện lên sinh động như một cuốn phim tư liệu,” Nguyễn Nhật Ánh viết về tác phẩm của Lê Văn Nghĩa.

Tập sách do Nhà xuất bản Trẻ phát hành vào tháng 6/2014.

"Tôi viết 'Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy' trước hết cho chính mình và những người cùng thế hệ với tôi, để cùng trở về với những ký ức tuổi thơ, về với Sài Gòn của một thời đã xa...” tác giả chia sẻ.

Nhà văn Lê Văn Nghĩa sinh năm 1953 ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ông là một cây bút trào phúng quen thuộc của làng văn. Ông đã ra mắt nhiều tiểu phẩm trào phúng, tiêu biểu như: "Thằng láu cá," "Hoa hậu phường cây mít," "Phá án Sextour," "Điệp viên Không Không Thấy"… Hai hình tượng nhân vật trào phúng thường hay xuất hiện trong tiểu phẩm của ông là đại gia Đại Văn Mỗ và điệp viên Không Không Thấy./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục