Tại Hà Nội, hàng loạt công trình cầu vượt và hầm đường bộ trị giá tiền tỷ đang dần bị rơi vào quên lãng và ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, và thành phố có thêm một bài học về đầu tư và quản lý hậu đầu tư.
Hiện trên toàn địa bàn thành phố Hà Hội, số cầu vượt và hầm bộ hành được đưa vào hoạt động không nhỏ. Tuy nhiên, những công trình thực sự phát huy được hiệu quả thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Hầm đường bộ chung hay không gian riêng?
Được xây dựng và đưa vào hoạt động từ khá lâu, song hệ thống hầm dọc đường Phạm Hùng lại chưa thực sự phát huy hiệu quả. Là tuyến đường lớn có mật độ tham gia giao thông dày đặc, nguy hiểm luôn rình rập với người đi bộ khi muốn sang đường. Tuy nhiên, từ khi có hầm, nhiều người vẫn chọn cách đi “liều mạng” bởi tâm lý lo ngại rằng “đi qua hầm cũng nguy hiểm chẳng kém”.
Thanh Hà, nhân viên một công ty máy tính có trụ sở trên đường Phạm Hùng thường xuyên bắt xe buýt đi làm. Bến đỗ xe nằm bên kia đường, đối diện với công ty, bởi vậy mỗi lần đi làm về là một lần cô phải nhiều phen “thót tim”.
Theo Hà, khu vực này có nhiều đất hoang và nhà cao tầng đang thi công dở, nên tập trung đủ mọi hạng người. Vài lần đi xuống hầm, thấy có nhiều bơm, kim tiêm vứt la liệt, cô lại càng lo ngại. “Thôi thì mình cứ băng thẳng qua đường, đi cẩn thận, quan sát kỹ là được. Chứ đi xuống hầm, gặp phải kẻ xấu là chết chắc”, Hà cho biết.
Cách đó không xa, trước cửa bến xe Mỹ Đình, nơi thường xuyên tập trung khá đông người, hầm đường bộ bên cạnh cũng luôn trong tình trạng vắng hoe. Bất chấp tấm biển chỉ dẫn “Hãy dùng hầm kỹ thuật để sang đường,” nhiều người vẫn chọn cách “quăng mình” vào giữa làn xe cộ dày đặc.
Tận dụng bóng râm hắt ra từ cửa hầm, chị Lý (Hoài Đức, Hà Nội) bày vài chiếc ghế, dựng lên một quán nước nhỏ. Chị kể: “Hầm được dùng chủ yếu làm chỗ ngủ cho mấy ông xe ôm hoặc đám người lang thang. Hôm nào bí quá, các ông ấy còn xuống đi vệ sinh luôn ở dưới”.
Theo quan sát, trong tổng số 5 hầm nằm rải rác trên đường Phạm Hùng, chỉ có 3 trong số đó là được sử dụng. Một hầm đã khóa cửa, cỏ mọc um tùm và nghiễm nhiên trở thành hố rác công cộng của các hộ dân xung quanh. Một hầm khác nằm gần chợ đêm sinh viên Dịch Vọng thì bị chiếm dụng thành nơi kinh doanh, ngang nhiên treo biển hành nghề thu mua sắt vụn.
Được đánh giá là đẹp và hiện đại nhất cả nước, tình trạng của hầm đường bộ Ngã Tư Sở có khả dĩ hơn. Bên trong hầm có lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, máy bơm nước phòng úng lụt cục bộ, camera quan sát an ninh. Phía trên có nhà vệ sinh và xung quanh có trồng cây xanh. Ngoài ra, nhờ thường xuyên có người lau chùi, dọn dẹp nên phía trong hầm khá sạch sẽ.
5 giờ chiều, không khí trong hầm khá nhộn nhịp. Từng nhóm người vừa thong thả tập thể dục vừa quay sang cười nói vui vẻ. Bên làn đường dành cho xe đạp, từng tốp thanh niên vui vẻ đạp xe và cười nói rôm rả. Một vài nhóm còn mang cả bánh kẹo, tranh thủ vừa nghỉ chân, vừa cùng nhau… liên hoan. Nhật Long, học sinh lớp 12 Trường trung học phổ thông Trần Hưng Đạo vui vẻ kể: “Chiều nào đi học về nhóm em cũng tụ tập ở đây chơi một lúc rồi mới về”.
Theo phản ánh của nhiều người dân xung quanh, dù hầm Ngã Tư Sở được sử dụng khá nhiều, song phần lớn là vào mục đích làm sân chơi cho thiếu nhi và nơi tập thể dục cho các cụ già.
Bà Diệu Hồng (Nguyễn Trãi, Hà Nội) cho biết: “Lần đầu tiên xuống đây, tôi phải lên xuống mấy lượt mới tìm được đúng đường. Bây giờ đi nhiều thành quen”. Theo bà Hồng, nhiều người mới đi lần đầu thấy rắc rối nên ngại. Kết quả là hễ cần sang đường, họ cứ băng thẳng qua cho tiện chứ nhất quyết không chịu đi xuống hầm nữa.
Tận dụng không gian rộng rãi, một số hộ dân còn thản nhiên biến khoảng sân trước cửa hầm thành “sân nhà mình”. Phía cửa đầu đường Trường Chinh, một hộ bán hoa bày la liệt vòng hoa đám ma che gần hết đường đi. Người đi đường thắc mắc thì chỉ nhận được lời giải thích đầy khó chịu: “Có ai đi qua đâu mà phải sợ!”.
Các cửa hầm rải rác quanh đầu đường Nguyễn Trãi, Láng Hạ… cũng được tận dụng làm sân đỗ xe hay phơi phóng, hoặc bày bán la liệt thành các quán cóc, chợ tạm.
Cầu vượt thành nơi vãn cảnh
Không phải chịu cảnh heo hút như hầm đường bộ, song phần lớn cầu vượt bộ hành cũng chưa được sử dụng đúng mục đích. Cả thành phố Hà Nội hiện có 4 cầu vượt dành cho người đi bộ ở đường Giải Phóng, Nguyễn Chí Thanh, trước cổng Trường đại học Giao thông vận tải và ở đường Nguyễn Văn Cừ.
Nhìn chung, những cầu này đều được xây dựng ở những khu vực có nhiều người đi bộ, lưu lượng giao thông lớn. Mặc dù vậy, cầu vượt vẫn chưa thực sự được yêu thích cho dù hiệu quả của nó là không thể phủ nhận. Giờ tan tầm, đối diện trường Đại học Giao thông Vận tải là một điểm dừng xe buýt khá lớn.
Từ phía cổng trường, từng tốp sinh viên nhanh chóng lao sang đường, loay hoay giữa dòng xe đông nghịt. Cách đó khoảng 10m, lác đác một vài người tiến tới phía cầu vượt được xây dựng khá bắt mắt và vững chãi.
Vừa len khỏi dòng xe cộ, Thế Mạnh, sinh viên năm thứ 4 Trường đại học Giao thông vận tải gãi đầu giải thích: “Mấy năm liền đi học em toàn sang đường kiểu này đâm ra quen rồi. Cũng đi lên cầu vượt được mấy hôm, sau quên mất, cứ ra khỏi cổng là chạy qua đường luôn cho tiện”.
Tuy ít được sử dụng để làm phương tiện sang đường, song từ lâu, cây cầu này đã trở thành điểm dừng chân lý tưởng của sinh viên và cả người dân sinh sống quanh đó. Việt Hưng, sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Xây dựng hào hứng kể: “Tối đến không có việc gì làm bọn em toàn trải chiếu rồi mua đồ nhắm ngồi lai rai trên này. Gió mát, cảnh đẹp, không có gì thú bằng”. Theo Hưng, lúc đầu cậu cũng hơi ngại, về sau thấy chẳng có mấy người sử dụng cầu nên cũng quen. Dần dần, nhiều sinh viên khác cũng kéo nhau lên đây làm thành chỗ tụ tập lý tưởng.
Tình trạng của hai cây cầu vượt trên đường Giải Phóng và Nguyên Chí Thanh cũng chẳng khá hơn là mấy. Dù nằm trên trục đường có nhiều trường đại học và bệnh viện, song số người sử dụng cầu vào mục đích tham gia giao thông thực sự chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hầu hết người tụ tập trên hai cây cầu này vào các buổi chiều tối chỉ để vãn cảnh và… giết thời gian.
Cầu vượt trên đường Nguyễn Văn Cừ có vẻ được “sủng ái” hơn cả. Lý do là bởi trục đường Nguyễn Văn Cừ đã xây rào chắn rất cao. Người dân muốn băng sang đường không thể trèo qua rào chắn. Bởi vậy, dù cầu có xa đến mấy, nhiều người vẫn phải “cắn răng” sử dụng.
Dù đã được đưa vào sử dụng khá lâu, song cầu vượt và hầm đường bộ dường như vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả. Hàng ngày, không ít người đi đường vẫn không khỏi phiền lòng bởi những lượt khách bộ hành tham gia giao thông thiếu ý thức. Điều này không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân người đi bộ, mà còn là mối hiểm họa đối với người điểu khiển các phương tiện cơ giới. Bởi vậy, việc xây dựng và sử dụng hợp lý các công trình dành cho người đi bộ là một đòi hỏi cấp thiết góp phần giải bài toán giao thông này./.
Hiện trên toàn địa bàn thành phố Hà Hội, số cầu vượt và hầm bộ hành được đưa vào hoạt động không nhỏ. Tuy nhiên, những công trình thực sự phát huy được hiệu quả thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Hầm đường bộ chung hay không gian riêng?
Được xây dựng và đưa vào hoạt động từ khá lâu, song hệ thống hầm dọc đường Phạm Hùng lại chưa thực sự phát huy hiệu quả. Là tuyến đường lớn có mật độ tham gia giao thông dày đặc, nguy hiểm luôn rình rập với người đi bộ khi muốn sang đường. Tuy nhiên, từ khi có hầm, nhiều người vẫn chọn cách đi “liều mạng” bởi tâm lý lo ngại rằng “đi qua hầm cũng nguy hiểm chẳng kém”.
Thanh Hà, nhân viên một công ty máy tính có trụ sở trên đường Phạm Hùng thường xuyên bắt xe buýt đi làm. Bến đỗ xe nằm bên kia đường, đối diện với công ty, bởi vậy mỗi lần đi làm về là một lần cô phải nhiều phen “thót tim”.
Theo Hà, khu vực này có nhiều đất hoang và nhà cao tầng đang thi công dở, nên tập trung đủ mọi hạng người. Vài lần đi xuống hầm, thấy có nhiều bơm, kim tiêm vứt la liệt, cô lại càng lo ngại. “Thôi thì mình cứ băng thẳng qua đường, đi cẩn thận, quan sát kỹ là được. Chứ đi xuống hầm, gặp phải kẻ xấu là chết chắc”, Hà cho biết.
Cách đó không xa, trước cửa bến xe Mỹ Đình, nơi thường xuyên tập trung khá đông người, hầm đường bộ bên cạnh cũng luôn trong tình trạng vắng hoe. Bất chấp tấm biển chỉ dẫn “Hãy dùng hầm kỹ thuật để sang đường,” nhiều người vẫn chọn cách “quăng mình” vào giữa làn xe cộ dày đặc.
Tận dụng bóng râm hắt ra từ cửa hầm, chị Lý (Hoài Đức, Hà Nội) bày vài chiếc ghế, dựng lên một quán nước nhỏ. Chị kể: “Hầm được dùng chủ yếu làm chỗ ngủ cho mấy ông xe ôm hoặc đám người lang thang. Hôm nào bí quá, các ông ấy còn xuống đi vệ sinh luôn ở dưới”.
Theo quan sát, trong tổng số 5 hầm nằm rải rác trên đường Phạm Hùng, chỉ có 3 trong số đó là được sử dụng. Một hầm đã khóa cửa, cỏ mọc um tùm và nghiễm nhiên trở thành hố rác công cộng của các hộ dân xung quanh. Một hầm khác nằm gần chợ đêm sinh viên Dịch Vọng thì bị chiếm dụng thành nơi kinh doanh, ngang nhiên treo biển hành nghề thu mua sắt vụn.
Được đánh giá là đẹp và hiện đại nhất cả nước, tình trạng của hầm đường bộ Ngã Tư Sở có khả dĩ hơn. Bên trong hầm có lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, máy bơm nước phòng úng lụt cục bộ, camera quan sát an ninh. Phía trên có nhà vệ sinh và xung quanh có trồng cây xanh. Ngoài ra, nhờ thường xuyên có người lau chùi, dọn dẹp nên phía trong hầm khá sạch sẽ.
5 giờ chiều, không khí trong hầm khá nhộn nhịp. Từng nhóm người vừa thong thả tập thể dục vừa quay sang cười nói vui vẻ. Bên làn đường dành cho xe đạp, từng tốp thanh niên vui vẻ đạp xe và cười nói rôm rả. Một vài nhóm còn mang cả bánh kẹo, tranh thủ vừa nghỉ chân, vừa cùng nhau… liên hoan. Nhật Long, học sinh lớp 12 Trường trung học phổ thông Trần Hưng Đạo vui vẻ kể: “Chiều nào đi học về nhóm em cũng tụ tập ở đây chơi một lúc rồi mới về”.
Theo phản ánh của nhiều người dân xung quanh, dù hầm Ngã Tư Sở được sử dụng khá nhiều, song phần lớn là vào mục đích làm sân chơi cho thiếu nhi và nơi tập thể dục cho các cụ già.
Bà Diệu Hồng (Nguyễn Trãi, Hà Nội) cho biết: “Lần đầu tiên xuống đây, tôi phải lên xuống mấy lượt mới tìm được đúng đường. Bây giờ đi nhiều thành quen”. Theo bà Hồng, nhiều người mới đi lần đầu thấy rắc rối nên ngại. Kết quả là hễ cần sang đường, họ cứ băng thẳng qua cho tiện chứ nhất quyết không chịu đi xuống hầm nữa.
Tận dụng không gian rộng rãi, một số hộ dân còn thản nhiên biến khoảng sân trước cửa hầm thành “sân nhà mình”. Phía cửa đầu đường Trường Chinh, một hộ bán hoa bày la liệt vòng hoa đám ma che gần hết đường đi. Người đi đường thắc mắc thì chỉ nhận được lời giải thích đầy khó chịu: “Có ai đi qua đâu mà phải sợ!”.
Các cửa hầm rải rác quanh đầu đường Nguyễn Trãi, Láng Hạ… cũng được tận dụng làm sân đỗ xe hay phơi phóng, hoặc bày bán la liệt thành các quán cóc, chợ tạm.
Cầu vượt thành nơi vãn cảnh
Không phải chịu cảnh heo hút như hầm đường bộ, song phần lớn cầu vượt bộ hành cũng chưa được sử dụng đúng mục đích. Cả thành phố Hà Nội hiện có 4 cầu vượt dành cho người đi bộ ở đường Giải Phóng, Nguyễn Chí Thanh, trước cổng Trường đại học Giao thông vận tải và ở đường Nguyễn Văn Cừ.
Nhìn chung, những cầu này đều được xây dựng ở những khu vực có nhiều người đi bộ, lưu lượng giao thông lớn. Mặc dù vậy, cầu vượt vẫn chưa thực sự được yêu thích cho dù hiệu quả của nó là không thể phủ nhận. Giờ tan tầm, đối diện trường Đại học Giao thông Vận tải là một điểm dừng xe buýt khá lớn.
Từ phía cổng trường, từng tốp sinh viên nhanh chóng lao sang đường, loay hoay giữa dòng xe đông nghịt. Cách đó khoảng 10m, lác đác một vài người tiến tới phía cầu vượt được xây dựng khá bắt mắt và vững chãi.
Vừa len khỏi dòng xe cộ, Thế Mạnh, sinh viên năm thứ 4 Trường đại học Giao thông vận tải gãi đầu giải thích: “Mấy năm liền đi học em toàn sang đường kiểu này đâm ra quen rồi. Cũng đi lên cầu vượt được mấy hôm, sau quên mất, cứ ra khỏi cổng là chạy qua đường luôn cho tiện”.
Tuy ít được sử dụng để làm phương tiện sang đường, song từ lâu, cây cầu này đã trở thành điểm dừng chân lý tưởng của sinh viên và cả người dân sinh sống quanh đó. Việt Hưng, sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Xây dựng hào hứng kể: “Tối đến không có việc gì làm bọn em toàn trải chiếu rồi mua đồ nhắm ngồi lai rai trên này. Gió mát, cảnh đẹp, không có gì thú bằng”. Theo Hưng, lúc đầu cậu cũng hơi ngại, về sau thấy chẳng có mấy người sử dụng cầu nên cũng quen. Dần dần, nhiều sinh viên khác cũng kéo nhau lên đây làm thành chỗ tụ tập lý tưởng.
Tình trạng của hai cây cầu vượt trên đường Giải Phóng và Nguyên Chí Thanh cũng chẳng khá hơn là mấy. Dù nằm trên trục đường có nhiều trường đại học và bệnh viện, song số người sử dụng cầu vào mục đích tham gia giao thông thực sự chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hầu hết người tụ tập trên hai cây cầu này vào các buổi chiều tối chỉ để vãn cảnh và… giết thời gian.
Cầu vượt trên đường Nguyễn Văn Cừ có vẻ được “sủng ái” hơn cả. Lý do là bởi trục đường Nguyễn Văn Cừ đã xây rào chắn rất cao. Người dân muốn băng sang đường không thể trèo qua rào chắn. Bởi vậy, dù cầu có xa đến mấy, nhiều người vẫn phải “cắn răng” sử dụng.
Dù đã được đưa vào sử dụng khá lâu, song cầu vượt và hầm đường bộ dường như vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả. Hàng ngày, không ít người đi đường vẫn không khỏi phiền lòng bởi những lượt khách bộ hành tham gia giao thông thiếu ý thức. Điều này không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân người đi bộ, mà còn là mối hiểm họa đối với người điểu khiển các phương tiện cơ giới. Bởi vậy, việc xây dựng và sử dụng hợp lý các công trình dành cho người đi bộ là một đòi hỏi cấp thiết góp phần giải bài toán giao thông này./.
Bài viết này được đăng tải theo thỏa thuận bằng văn bản giữa Tạp chí Doanh nhân thuộc VCCI và Vietnam+ |
(Doanh nhân/Vietnam+)