Chỗ thiếu, chỗ thừa
Mỗi ngày tại ngã tư Xuân Thủy-Cầu Giấy, dù chưa đến giờ cao điểm nhưng đã xảy ra hiện tượng ùn tắc vì đây là khu vực tập trung nhiều trường đại học lớn, cứ đến giờ tan học của sinh viên là tình hình giao thông lại càng thêm phức tạp.
Đối với khách bộ hành thì con đường từ cổng trường sang phía bên kia đường đã trở nên gian nan hơn bao giờ hết khi dòng xe cộ cứ nối dài. Chỉ một đoạn đường ngắn, nhưng lại tiềm ẩn nguy hiểm và mang đến áp lực cho người tham gia giao thông.
Thực trạng là vậy nhưng tại đây lại không có cầu đi bộ để giải tỏa giao thông khiến nhiều người đi bộ cảm thấy bất an khi sang đường.
“Mỗi lần đi bộ qua đường em thấy hơi sợ vì xe cộ đông, nhiều xe họ cố tình đi nhanh để vượt qua người đi bộ chứ không nhường đường nên rất nguy hiểm. Em mong sẽ sớm có một chiếc cầu đi bộ giống như trước cổng trường Đại học Quốc gia, các bạn đi bộ qua đường rất an toàn lại mà không phải lo tránh xe cộ”. Bạn Huyền, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ.
Trong khi những người đi bộ ở ngã tư Xuân Thủy-Cầu Giấy đang mong mỏi có một chiếc cầu vượt đi bộ thì ở nút giao Giảng Võ-Ngọc Khánh, một cây cầu bộ hành đã xây dựng nhiều năm nhưng lại khá vắng bóng người qua lại vào giờ cao điểm.
Điều tương tự cũng xảy ra ở một số cầu vượt khác trong thành phố như cầu vượt Lương Định Của được xây dựng hiện đại, nhưng cũng chung số phận khi số người sử dụng trong giờ cao điểm chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Đây là những ví dụ cho việc xây dựng cầu đi bộ chưa sát với thực tế. Khi những nơi có nhu cầu qua lại nhiều thì không được đầu tư, còn những nơi vắng người đi bộ thì lại xây lắp.
Có thể phần nào lý giải cho việc ít người sử dụng cầu đi bộ là bởi chính những cây cầu này chưa được quan tâm đúng mức. Ví dụ như ở cầu vượt Giảng Võ.
Ngay từ lối lên cầu, rác trải từng bậc, nước đọng thành vũng như muốn chắn lối người lên. Qua nhiều năm chịu mưa chịu nắng, từ bậc thang lên đến trên cầu đã có các vệt ố vàng, bong tróc.
Nhiều vị trí như thành cầu xuất hiện những vết rạn, tróc sơn, lộ phần hoen gỉ bên trong. Dưới sàn, lá cây rụng khắp hai bên mặt sàn. Chỉ cần đi mạnh là cây cầu bắt đầu kêu và có thể cảm thấy sự rung lắc nhẹ.
Nếu không đề cập đến tình trạng xuống cấp của một số cầu đi bộ thì vị trí xây lắp cầu thiếu hợp lý cũng khiến người dân không mặn mà với cầu vượt bộ hành. Tâm lý e ngại của nhiều người lại càng khiến các cây cầu này thêm “ế ẩm".
Anh Việt, người dân sống tại D3 Giảng Võ, sau một hồi đắn đo đã quyết định băng qua đường để đến nhà chờ xe buýt BRT, thay vì sử dụng cầu vượt đường bộ nằm cách đó chừng 100 mét.
“Cầu vượt ở đây nếu để phục vụ cho nhà chờ xe buýt này, tôi thấy hơi bất tiện vì nó nằm ở quá xa. Đi tắt sang đường thì nguy hiểm thật nhưng sẽ nhanh hơn. Nếu không phải đi quá xa như vậy thì rõ ràng tôi sẽ chọn giải pháp đi cầu vượt cho an toàn”, anh Việt chia sẻ.
Cầu đi bộ... không dành cho người đi bộ
Nối dài nỗi buồn của những cây cầu đi bộ là việc đa phần chúng đang bị sử dụng không đúng với mục đích. Nhiều cầu vượt đi bộ ban ngày thưa thớt người qua lại. Nhưng đến tối lại trở thành tụ điểm ưa thích của các bạn trẻ, đa phần là sinh viên lên để trò chuyện và hóng mát.
Điển hỉnh, cầu đi bộ trên phố Trần Đại Nghĩa, trước cổng trường Đại học Kinh tế Quốc dân còn trở thành nơi để kinh doanh trà chanh, nước giải khát. Sinh viên từ các trường đại học lân cận đến ngày càng đông.
Anh Lợi (Hai Bà Trưng-Hà Nội) cho hay đây mới là lần đầu anh thử cảm giác uống trà trên cầu đi bộ. “Tụ tập uống nước trên cầu đi bộ là không đúng vì cầu để đi bộ qua đường chứ không phải để ngồi uống nước thế này. Nhưng mình qua đây vẫn thấy mọi người ngồi ở đây hàng ngày, cũng không có ai cấm hay yêu cầu rời đi,” anh Lợi nói.
Không chỉ để kinh doanh mà cầu vượt đi bộ còn là nơi để hẹn hò của các cặp đôi. Còn những cây cầu có mái che, kín gió lại trở thành chỗ trú thân, ở tạm của những người vô gia cư. Dưới chân cầu thì lại được tận dụng tận dụng làm chỗ đổ rác, hay mở một hàng nước nhỏ, hoặc một quán sửa xe tự phát.
Tuy vậy, không thể phủ nhận được những thành công mà cầu bộ hành mang lại khi nhiều cây cầu vượt đi bộ đã được đặt ở những vị trí trọng điểm, nhằm phục vụ người qua đường. Một trong số ít những cầu đi bộ đang phát huy hiệu quả là tại ngã tư Xã Đàn-Phạm Ngọc Thạch, khi được nằm cạnh trường tiểu học, khu dân cư và mật độ giao thông tại đây luôn đông đúc.
Tuy nhiên, ý thức người đi đường đang góp phần khiến nhiều cầu đi bộ dần trở thành “của bỏ hoang”. Mặc dù cầu đi bộ nằm sừng sững trên đường, nhưng dường như người đi bộ lại thờ ơ đến sự hiện diện của nó.
Nhiều người vẫn thích tiết kiệm thời gian bằng cách đi qua đường theo kiểu cũ, mặc cho dòng xe qua lại. Ngay cả chính những phụ huynh cũng không tạo cho con mình thói quen nhỏ nhất là sử dụng cầu đi bộ, mà vô tư dắt con băng qua ngã tư, không màng đến nguy hiểm đang cận kề.
Quay lại với cầu đi bộ Giảng Võ, từ ngày có điểm dừng xe buýt nhanh ở đây, người ta đã lắp đặt lối xuống nhà chờ từ cầu đi bộ. Nhưng nhiều người không muốn sử dụng mà lại lách qua hàng rào để đi vào.
Đi ra từ nhà chờ để sang đường, nhiều người cũng không đi lên cầu vượt mà muốn vượt rào để băng qua đường theo cách "truyền thống". Có lẽ bài toán ý thức vẫn chưa bao giờ có lời giải.
Sự thiếu chặt chẽ trong quản lý
Trong khi hàng chục tuyến đường bị lô cốt bao vây để xây những đường sắt trên cao hay tàu điện ngầm, thì tại những điểm nghẽn về giao thông, mật độ xe nhiều lại không có cầu bộ hành phục vụ người đi bộ.
Các chế tài xử phạt cũng còn chưa răn đe. Cách đây vài năm, dư luận rộ lên về việc người đi bộ đi sai luật cũng có thể bị xử phạt từ 60.000-80.000 đồng. Nhưng đến nay mọi việc lại “đâu vào đấy”, không ai xử phạt, còn người đi bộ tiếp tục cắt đứt dòng xe cộ để qua đường.
Để góp phần giảm bớt ùn tắc cũng như tai nạn giao thông, rất cần sự phối hợp của các cơ quan có thẩm quyền trong việc nâng cao quản lý sự hoạt động của những cây cầu đi bộ nhằm tránh xảy ra hiện tượng “đem con bỏ chợ”, đầu tư tràn lan sau đó không ai quản lý, sử dụng kém hiệu quả.
Thiếu sót trong cả khâu quản lý và sử dụng đã khiến những cây cầu có chi phí hàng tỷ đồng trở nên lãng phí và ngày càng rời xa những kỳ vọng tốt đẹp ban đầu.
Mặt khác, theo thống kê, hiện trên địa bàn Hà Nội có 50 cây cầu đi bộ, mỗi cây cầu có chi phí xây dựng xấp xỉ 7-10 tỷ đồng tùy vào quy mô và thiết kế của cầu.
Rõ ràng đây là một con số không hề nhỏ để phục vụ cho việc qua đường của người dân. Nhưng nếu ý thức của người đi bộ không được cải thiện, vẫn ngang nhiên băng qua đường thì có lẽ bao nhiêu cũng là không đủ.
Một thực tế không thể phủ nhận là những cây cầu bộ hành được xây nên với “sứ mệnh” giúp giải tỏa giao thông trong thành phố. Nhưng có lẽ những cây cầu này chưa thể làm tròn trọng trách được khi mà người đi bộ vẫn còn dửng dưng, còn nhà đầu tư thì tiếp tục cho những cây cầu mới mọc lên theo cách cảm tính./.