Sau gần sáu năm xây dựng, đến nay cầu Vàm Cống đã chính thức khánh thành, thông xe để nối liền hai bờ Đồng Tháp và Cần Thơ, góp phần quan trọng giúp giao thông Đồng bằng sông Cửu Long kết nối liên hoàn, đánh dấu bước chuyển mình của vùng đất “Chín Rồng” trong tương lai.
Động lực mới cho phát triển
Nhìn tổng thể, cầu Vàm Cống nằm trong trục giao thông xuyên vùng Đồng Tháp Mười, kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh qua Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang An Giang; là mắt xích quan trọng trong Dự án kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long và Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Tây, góp phần thu hút đầu tư, đem lại động lực phát triển cho các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Cầu Vàm Cống được khởi công ngày 10/9/2013, quy mô 6 làn xe (4 làn ô tô và 2 làn xe máy), lưu thông với vận tốc thiết kế 80 km/h.
Cầu có chiều dài 2,97 km, phần cầu vượt sông dài 870m và đường dẫn dài 2km. Tổng mức đầu tư dự án là 271 triệu USD, bằng nguồn vốn ODA của Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
[Khánh thành và thông xe cầu Vàm Cống, cầu dây văng thứ 2 vượt sông Hậu]
Ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, cho biết khi cầu Cao Lãnh (bắc qua sông Tiền) và Vàm Cống (bắc qua sông Hậu) vận hành thông suốt sẽ cùng với tuyến Quốc lộ N2, tuyến Lộ Tẻ-Rạch Sỏi hình thành một trục dọc thứ 2 bên cạnh Quốc lộ 1A kết nối Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nam Bộ; giúp người dân từ Thành phố Hồ Chí Minh về các tỉnh An Giang, Kiên Giang rút ngắn khoảng 2 giờ đồng hồ, góp phần kết nối các tỉnh vùng "đất lõi" Đồng bằng sông Cửu Long như Thành phố Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang với Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác trong cả nước.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, việc đưa cầu Vàm Cống vào sử dụng có ý nghĩa rất lớn về kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng không chỉ với An Giang mà cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Cầu Vàm Cống thông xe, hàng hóa, đặc biệt là nông-thủy sản của An Giang sẽ tỏa đi các tỉnh, thành phố nhanh hơn, giá thành sẽ hạ, sức cạnh tranh nhờ đó gia tăng, mở ra cơ hội đón làn sóng đầu tư trong và ngoài nước.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết từ khi có hai dự án cầu Cao Lãnh và Vàm Cống, An Giang thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư. Tính từ năm 2015 đến nay, tỉnh An Giang đã thu hút hơn 250 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 95.000 tỷ đồng.
So với cả giai đoạn 2011-2015, số dự án tăng 20,57%, tăng 36 dự án; tổng vốn đăng ký đầu tư tăng gấp 1,2 lần, tăng 24.730 tỷ đồng.
Riêng ba tháng đầu năm 2019, tỉnh An Giang đã thu hút được 14 dự án đăng ký đầu tư mới với tổng vốn đăng ký 795 tỷ đồng. Đến nay, đã có hơn 800 doanh nghiệp được thành lập mới và khoảng 100 doanh nghiệp quay trở lại An Giang hoạt động.
Theo ông Phước, thời gian tới An Giang sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, vận dụng linh hoạt những chính sách của Trung ương theo hướng có lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và phù hợp với quy định của pháp luật, đặc biệt là các chính sách ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, hỗ trợ tín dụng... để ngày càng nhiều nhà đầu tư đến An Giang tìm hiểu cơ hội, thực hiện dự án đầu tư, tạo sức bật cho sự phát triển kinh tế của tỉnh.
Đề xuất chuyển giao lại phà Vàm Cống
Bến phà Vàm Cống vượt sông Hậu phục vụ giao thông trên tuyến Quốc lộ 80 giữa hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp. Sau gần một Thế kỷ tồn tại, đến nay phà được thay thế bằng cây cầu dây văng hiện đại. Du khách thập phương vui mừng, nhưng đối với nhiều người bến phà là ký ức khó thể nào quên.
Ông Nguyễn Phúc Nguyên, Bến trưởng Bến phà Vàm Cống cho biết, sau khi thông xe cầu Vàm Cống, phà Vàm Cống vẫn hoạt động bình thường, nhưng số lượng phương tiện qua phà hàng ngày đã giảm hơn 80%.
“Hiện bến phà Vàm Cống có 161 nhân sự, vừa qua đã giải quyết chế độ nghỉ việc theo nguyên vọng cho 50 người là nhân viên hợp đồng, số còn lại có nguyện vọng được tiếp tục làm việc tại các phòng nghiệp vụ và đơn vị trực thuộc cụm phà Vàm Cống như phà Đình Khao, Đại Ngãi, Kênh Tắt và Láng Sắt. Lúc này tất cả đang chờ chỉ đạo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Cục Quản lý Đường bộ IV trên tinh thần ghi nhận những đóng góp nhiệt tâm của đội ngũ cán bộ, công nhân viên lao động tại bến phà Vàm Cống trong thời gian qua,” ông Nguyên cho biết thêm.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh An Giang Nguyễn Việt Trí cho biết tỉnh An Giang đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất việc giữ lại bến phà Vàm Cống; đồng thời xin chuyển giao bến phà cho Công ty Phà An Giang quản lý và khai thác nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân ở hai bờ.
Theo ông Trí, hiện nay một bộ phận không nhỏ người dân ở hai bờ của bến phà Vàm Cống có nhu cầu qua lại nên việc duy trì bến phà là phù hợp.
Niềm vui chưa trọn vẹn
Hiệu quả mà cầu Vàm Cống mang lại cho người dân, doanh nghiệp của tỉnh An Giang là điều không thể phủ nhận, nhưng trong niềm vui đó vẫn có nỗi buồn. Bởi lẽ, trạm thu phí BOT T2 vẫn nằm án ngữ tại phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ - tuyến đường độc đạo từ Quốc lộ 80 và cầu Vàm Cống vào An Giang; các phương tiện tham gia giao thông từ An Giang đi tỉnh Kiên Giang hoặc lên cầu Vàm Cống đi Thành phố Hồ chí Minh và chiều ngược lại đều phải mua vé cho toàn tuyến (40km đường BOT Cần Thơ-An Giang) khi qua trạm BOT T2 trong khi chỉ sử dụng quãng đường chưa đầy 300m.
Ông Mai Văn Thiện, Phó Giám đốc Hợp tác xã Giao thông Vận tải Quang Thanh tỉnh An Giang, cho biết cầu Vàm Cống khánh thành và đưa vào hoạt động là niềm vui chung của cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, phương tiện ôtô chỉ sử dụng chưa đầy 300m khi qua trạm thu phí BOT T2 để lên cầu Vàm Cống mà phải đóng tiền toàn tuyến là điều khó thể chấp nhận.
Trước những bất cập của trạm thu phí BOT T2, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô tỉnh An Giang Nguyễn Ngọc Xuân chia sẻ đã hơn 15 lần gửi kiến nghị của người dân và doanh nghiệp lên Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Ông cho rằng cầu Vàm Cống được xây dựng từ vốn ODA của Hàn Quốc với tổng số tiền 5.700 tỷ đồng thì các phương tiện được miễn thu phí. Trong khi đó, các phương tiện chỉ sử dụng quãng đường chưa đầy 300m qua trạm T2 (thuộc dự án nâng cấp và mở rộng 40km trên Quốc lộ 91 Cần Thơ-An Giang) để đi Kiên Giang hoặc lên cầu Vàm Cống và chiều ngược lại thì phải đóng mức phí tới 50-100% giá vé toàn tuyến (35.000-200.000 đồng/vé/lượt) là điều bất hợp lý.
Liên quan đến việc này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản gửi nhà đầu tư về việc giảm giá vé dịch vụ sử dụng đường bộ cho các phương tiện qua trạm thu phí T2, Km50+050 Quốc lộ 91.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Công ty cổ phần đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ-An Giang (nhà đầu tư dự án) nghiên cứu, đề xuất phương án giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho các phương tiện qua trạm thu phí T2, Quốc lộ 91 đối với các khu vực lân cận mới trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp căn cứ phạm vi bán kính tối đa 10km quanh trạm thu phí T2 theo hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải tại văn bản số 11519/BGTVT-ĐTCT ngày 11/10/2017, mức giảm giá đối với các phương tiện đã được Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận và hướng dẫn tương tự như đối với các tỉnh An Giang, Kiên Giang, thành phố Cần Thơ, phối hợp với nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất phương án giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho các phương tiện qua trạm thu phí T2, Quốc lộ 91 đối với các khu vực lân cận trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Nhà đầu tư tiếp tục cập nhật, xem xét giảm giá cho các phương tiện thuộc diện được giảm giá đối với các khu vực lân cận trên địa bàn tỉnh An Giang và thành phố Cần Thơ như phương án đã được duyệt.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các địa phương hưởng lợi từ dự án tổ chức tuyên truyền, vận động lái xe và người dân thực hiện, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước về an ninh, trật tự giao thông, phòng ngừa các tình huống gây mất trật tự, mất an toàn giao thông.
Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan của địa phương rà soát các phương tiện thuộc diện được giảm giá và phối hợp với nhà đầu tư để thực hiện giảm giá như phương án đã được duyệt.
Cầu Vàm Cống đã thông xe và mở ra vận hội mới cho vùng đất “Chín rồng” vươn mình phát triển, nhưng mong mỏi lớn nhất của người dân lúc này là nhanh chóng giải quyết vấn đề còn tồn tại ở trạm thu phí BOT T2 để hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp, tránh những bất ổn không đáng có về an ninh trật tự./.