Cầu siêu cho 98 người hy sinh trong vụ sập cống Hiệp Hòa

Những nạn nhân trong vụ sập cống Hiệp Hòa năm xưa còn rất trẻ, tuổi đời chỉ mới mười sáu, đôi mươi, đang ở vào độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời, với biết bao ước mơ, hoài bão.
Nghi thức dâng hoa đăng trong Đại lễ cầu siêu vụ sập cống Hiệp Hòa, thôn Hiệp Hòa, xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương làm 98 người hy sinh ngày 3/1/1978. (Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN)

Tối 9/6, tại cống Hiệp Hòa, xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An), Tỉnh Đoàn Nghệ An phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An tổ chức Đại lễ cầu siêu cho những “Thanh niên hy sinh trong sự nghiệp xây dựng quê hương Xô viết Nghệ Tĩnh ngày 3/1/1978” trong vụ sập cống Hiệp Hòa, thôn Hiệp Hòa, xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương làm 98 người hy sinh cách đây 40 năm (1978-2018).

Cống Hiệp Hòa được người Pháp xây dựng năm 1934, hoàn thành năm 1937; nằm trên hệ thống nông giang dẫn nước từ Đập Bara Đô Lương tưới tiêu cho những cánh đồng các huyện Đô Lương, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu. Đây là vựa lúa lớn của tỉnh Nghệ Tĩnh bấy giờ.

Nếu không có công trình này, ruộng đồng các huyện phía dưới sẽ bị xâm nhập mặn, khó có thể canh tác được.

Năm 1977, tỉnh Nghệ Tĩnh huy động 21.000 dân công, thanh niên xung phong của 7 huyện, cùng với sự hỗ trợ của bộ đội Quân khu 4 tham gia cải tạo công trình. Khi công trình gần hoàn thành thì tai nạn đau lòng đã xảy ra vào trưa 3/1/1978 làm cống Hiệp Hòa sập, gây thiệt mạng 98 người.

Những nạn nhân trong vụ sập cống Hiệp Hòa năm xưa còn rất trẻ, tuổi đời chỉ mới mười sáu, đôi mươi, đang ở vào độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời, với biết bao ước mơ, hoài bão.

Có người ra đi khi vừa mới biết tin mình trúng tuyển đại học; có người cũng vừa kịp nẩy nở tình yêu trên công trường, hẹn nhau xong công trình sẽ về quê làm đám hỏi; có người chuẩn bị đi lấy chồng nên ra công trường chia vui, tạm biệt anh em, bạn bè lần cuối... Có người trên tay đang còn miếng khoai mì cắn dở. Lời hẹn hò ăn những bát cơm gạo trắng đầu mùa sau khi những dòng nước mát chảy về xuôi chẳng bao giờ được thực hiện.

[Người Việt tại Ukraine tri ân các liệt sỹ hy sinh vì biển đảo Tổ quốc]

Những người còn may mắn sống sót, lau nước mắt quyết tâm hoàn thành công việc. Cống Hiệp Hòa hoàn thành, những cánh đồng lúa ở Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu đón được những dòng nước mát. Đó là những dòng nước của sự hi sinh, mất mát được đánh đổi bởi xương máu của những chàng trai, cô gái ở tuổi thanh xuân xứ Nghệ.

Ông Nguyễn Nhật Sơn (58 tuổi), xã Cát Văn, huyện Thanh Chương, nguyên là nhóm trưởng một đội thi công cống Hiệp Hòa năm xưa cho biết khung cảnh lúc tai nạn xảy ra: “Trưa hôm đó khung cảnh giống như bãi chiến trường, tang thương khủng khiếp. Tất cả những người dưới cống đều bị vùi lấp. Xã Cát Văn, huyện Thanh Chương thiệt hại nặng nhất khi có 37 người thiệt mạng (31 nữ, 6 nam), trong số này có 6 người đã nhận được giấy báo đậu đại học."

Tại buổi tri ân, bà Nguyễn Thị Nhâm, xã Thanh Dương, huyện Thanh Chương người thân của nạn nhân Nguyễn Thị Hợi chia sẻ mong muốn tỉnh Nghệ An có thể công nhận cho những thanh niên trong vụ sập cống Hiệp Hòa được công nhận là liệt sỹ vì họ nằm xuống với khát vọng ra sức xây dựng quê hương.

Cống Hiệp Hòa tại xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương. (Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN)

Đại lễ cầu siêu cho 98 thanh niên trong vụ sập cống Hiệp Hòa đã diễn ra trang trọng, nghiêm trang với sự tham dự của đại diện các ban, ngành tỉnh Nghệ An, đông đảo người dân xã Hòa Sơn, những nhân chứng, người thân của nạn nhân trong vụ sập cống năm xưa, tăng, ni, phật tử.

Bày tỏ lòng thành kính, tri ân, tưởng nhớ sự hy sinh cao cả của những thanh niên tham gia xây dựng cống Hiệp Hòa, anh Nguyễn Tuấn Vinh, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Bí thư Tỉnh Đoàn Nghệ An kêu gọi các đơn vị, tập thể, cá nhân chung tay góp sức, ủng hộ triển khai xây dựng bia chứng tích để tưởng nhớ và ghi danh những con người đã ngã xuống nơi đây, để dòng nước mát ngày đêm cuộn chảy, góp phần tạo nên cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bình an cho quê hương xứ Nghệ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục