Cầu nối hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập thị trường Mỹ Latinh

Doanh nghiệp Việt Nam có thể chuyển hàng đến các cảng chuyển tải như Hong Kong, Mỹ... sau đó vận chuyển hàng hóa sang khu vực Nam Mỹ sẽ thuận lợi, tiết kiệm thời gian và giảm chi phí đến 30%.
Cầu nối hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập thị trường Mỹ Latinh ảnh 1Vận chuyển gạo xuất khẩu tại nhà máy chế biến gạo của Công ty TNHH MTV Lương thực Thoại Sơn, thuộc Tập đoàn Lộc Trời. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)

Việt Nam đã có quan hệ thương mại với tất cả 33 quốc gia trong khu vực Mỹ Latinh với tổng kim ngạch thương mại hai chiều tăng hơn 63 lần từ 245 triệu USD năm 2000 lên 15,6 tỷ USD vào năm 2020; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực đạt 8,25 tỷ USD và nhập khẩu đạt 7,33 tỷ USD.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn còn chần chừ trước cơ hội thâm nhập, xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này bởi gặp khó trong việc vận chuyển hàng hóa.

Thị trường tiềm năng

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với các nước Mỹ Latinh, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định, thoả thuận với một số nước trong Khu vực như Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Chile, FTA Việt Nam-Cuba, hay Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); trong đó, có các 3 nước Mỹ Latinh gồm Chile, Peru, Mexico là thành viên.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cùng với Chính phủ các nước thành viên của Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) gồm Brazil, Argentina, Uruguay và Paraguay hiện cũng đang tích cực trao đổi để xem xét khả năng thúc đẩy một Hiệp định ưu đãi Thương mại. Qua đó, giúp các sản phẩm Việt Nam có nhiều thuận lợi hơn trong việc tiếp cận khối thị trường rộng lớn với quy mô dân số hơn 360 triệu dân.

Ngoài ra, Việt Nam còn duy trì cơ chế họp Ủy ban Liên Chính phủ, Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế, Thương mại và Đầu tư với nhiều nước trong khu vực như Argentina, Brazil, Chile, Cuba, Haiti, Mexico, Panama, Paraguay, Peru, Uruguay và Venezuela.

Đây là kênh quan trọng để trao đổi thông tin; xác định các lĩnh vực, cơ chế và dự án hợp tác; hỗ trợ và thúc đẩy thực hiện các chương trình dự án hợp tác mà Việt Nam và các nước quan tâm.

Đặc biệt, Việt Nam mong muốn nâng cao hơn nữa giá trị kim ngạch thương mại và đầu tư với các nước trong khu vực; trong đó, tập trung vào các lĩnh vực năng lượng, viễn thông, nông nghiệp kỹ thuật cao và các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao. Từ đó, đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên khoảng 20 tỷ USD vào năm 2025, thu hút từ 12-13 tỷ USD đầu tư từ khu vực.

[Nâng kim ngạch thương mại Việt Nam-Mỹ Latinh lên khoảng 20 tỷ USD]

Với dân số 650 triệu dân, khu vực Mỹ Latinh là thị trường tiềm năng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, cộng đồng doanh nghiệp hai bên cũng đối mặt với nhiều thách thức trong hợp tác, kinh doanh.

Chẳng hạn, khoảng cách địa lý xa xôi, chưa có tuyến vận tải hàng hóa và hành khách trực tiếp dẫn đến thời gian vận tải-đi lại dài, chi phí cao và sự khác biệt về ngôn ngữ, thiếu thông tin về đất nước, con người, môi trường, cơ hội kinh doanh... Đặc biệt, điều kiện địa lý, vận chuyển hàng hóa là thách thức lớn nhất của doanh Việt Nam khi xâm nhập vào thị trường này.

Liên quan đến vấn đề cước phí, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, cước phí vận tải là một vấn đề nóng trong suốt 2 năm vừa qua.

Cầu nối hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập thị trường Mỹ Latinh ảnh 2May hàng xuất khẩu tại CTCP may Hưng Việt, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Đây cũng là một vấn đề chung của toàn cầu khi cước phí gia tăng không phải chỉ tại thị trường Việt Nam. Nói đúng hơn là Việt Nam bị ảnh hưởng bởi xu hướng tăng giá trên thị trường, đặc biệt là từ thị trường Trung Quốc với các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu.

Hơn nữa, dịch COVID-19 đã gây ra thách thức không nhỏ đối với ngành vận tải toàn cầu. Đặc tính của ngành logistics là khách hàng có thể tái sử dụng container nhập khẩu (trả rỗng) để tiếp tục mang đi xuất khẩu với sự phối hợp của hãng tàu. Thế nhưng, nhiều container đã bị lưu lại Mỹ và châu Âu hoặc bị tắc tại cảng. Điều này đã đẩy chi phí logistics lên rất cao, đồng thời làm chậm trễ thời gian giao hàng.

Bà Đỗ Thị Đào, chuyên gia tư vấn logistics nhấn mạnh thêm, sản lượng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Mỹ Latinh vẫn còn khiêm tốn, các nhà vận chuyển không ưu tiên hàng hóa nước ta khi sắp xếp lên tàu và máy bay.

Nếu như trước đây, thời gian vận chuyển hàng hóa sang thị trường Mỹ Latinh thường chỉ mất 30 ngày, nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thời gian giao hàng đã lên đến 50-60 ngày, dẫn đến tình trạng giao hàng muộn, giao hàng không kịp thời vụ.

Trong khi đó, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này chủ yếu là hàng nông sản-  cần được vận chuyển nhanh để đảm bảo chất lượng. Có thể nói, vấn đề về logistics luôn là vấn đề nhức nhối đối với các nhà xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ Latinh.

Theo bà Đỗ Thị Đào, các nhà xuất khẩu của Việt Nam vẫn chưa chủ động đối với kế hoạch giao hàng vì các doanh nghiệp có thể chủ động làm việc và đặt chỗ trước với nhà vận tải chuyên nghiệp. Ngoài ra, cần phải có các phương án dự phòng để tránh bị phạt.

Không những thế, doanh nghiệp phải linh hoạt khi lựa chọn phương án vận chuyển thay vì sử dụng những tuyến đường biển truyền thống với cảng chuyển tải đã được chỉ định.

Chung tay hỗ trợ

Nhận định từ các chuyên gia, khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ Latinh, doanh nghiệp có thể sử dụng container của mình hoặc của hãng tàu và chuyển hàng đến các cảng chuyển tải như Hong Kong (Trung Quốc). Bởi, đây là những cảng vận chuyển hàng hóa sang khu vực Nam Mỹ thuận lợi và doanh nghiệp có thể tiết kiệm đến 30% chi phí.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn phương án vận chuyển hàng hóa sang Mỹ và từ đó đưa hàng hóa qua biên giới để nhập khẩu vào Mexico, tiết kiệm từ 15-20 ngày so với vận chuyển hàng hóa trực tiếp sang Mexico.

Bên cạnh những khó khăn về vị trí địa lý xa xôi, theo bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi tận dụng các ưu đãi từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) do các quy tắc xuất xứ còn khá mới.

Vì vậy, doanh nghiệp cần chủ động và nắm bắt cơ hội về ưu đãi thuế quan, quy tắc xuất xứ của FTA. Bộ Công Thương cùng các bộ ban ngành sẽ luôn song hành cùng các doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng khẳng định Chính phủ và Bộ Công Thương cũng như hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các nước Mỹ Latinh sẽ nỗ lực để hỗ trợ các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về thông tin thị trường, làm cầu nối với các đối tác nước ngoài, hỗ trợ giải quyết khó khăn vướng mắc phát sinh để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục