Cầu nối đưa hàng hóa của hợp tác xã vào hệ thống phân phối

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết hơn 100 hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại đã kết nối tiêu thụ nông sản vào hệ thống bán lẻ hiện đại của Big C và Go! Việt Nam.
Cầu nối đưa hàng hóa của hợp tác xã vào hệ thống phân phối ảnh 1Nhiều đặc sản của các tỉnh, thành phía Bắc được quảng bá, giới thiệu vào siêu thị ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Kể từ khi Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được đẩy mạnh, các siêu thị trong nước đã có nhiều chính sách khuyến khích các hợp tác xã đưa nông sản chủ lực vào siêu thị.

Đặc biệt, thông qua các chương trình kết nối cung cầu của Bộ Công Thương, khoảng cách giữa hợp tác xã và hệ thống phân phối hiện đại ngày càng được xích gần.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho biết nằm trong chuỗi hoạt động thực hiện Biên bản ghi nhớ hợp tác số 28062019/TT/MOIT-CG, mới đây hơn 100 hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại đã kết nối tiêu thụ nông sản vào hệ thống bán lẻ hiện đại của Big C và Go! Việt Nam.

Đặc biệt, thông qua việc kết nối cung cầu, các bên cùng nhau hợp tác thực hiện các chương trình thu mua nông sản an toàn trực tiếp chiết khấu 0% từ các hộ nông dân, hợp tác xã, góp phần ổn định đầu ra cho nông sản Việt Nam.

Đây là một trong những hoạt động thiết thực để triển khai chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Đại diện hệ thống siêu thị GO! và Big C Việt Nam cho biết, thời gian gần đây, khách hàng mua sắm tại Big C có chiều hướng ưa chuộng những sản phẩm có thể truy xuất được nguồn gốc, đạt các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, bao bì nhãn mác phải được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn tem nhãn của Nhà nước…

[Vì sao nhiều nông sản Việt vẫn khó chen chân vào kênh bán lẻ hiện đại?]

Dựa trên những xu hướng tiêu dùng đó, Big C và GO! đã thiết thực hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác và trang trại, bằng cách thường xuyên chức tập huấn hoặc Tuần hàng quảng bá hàng hóa nông sản, đặc sản địa phương như Tuần lễ Nhãn Hưng Yên; Tuần lễ Xoài và nông sản an toàn tỉnh Sơn La, Tuần lễ Su su Nghệ An…

Những hoạt động này đã đạt được kết quả ấn tượng khi doanh số bán hàng lên đến hàng trăm tấn mỗi chương trình.

Theo ông Phạm Trung Kiên - Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, nhằm phục vụ tốt nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, Saigon Co.op đã thiết lập lộ trình cụ thể để hàng hóa của các hợp tác xã đưa vào hệ thống phân phối phải đạt chuẩn xuất khẩu quốc tế.

Nhờ vào việc đánh giá sát sao nhiều tiêu chí và có xếp loại nhà cung cấp, nên hàng hóa đầu vào của Saigon Co.op được nâng cao hơn so với mặt bằng chung; đồng thời các hợp tác xã khi đưa được hàng hóa vào siêu thị của Saigon Co.op cũng tăng uy tín thương hiệu và tự tin hướng đến xuất khẩu.

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn Yên Phú (thôn Mễ Hạ, xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) chia sẻ, sản phẩm của hợp tác xã gồm các sản phẩm rau củ quả mang đặc trưng vùng miền, gồm rau an lá, rau gia vị, quả… sản xuất theo mùa vụ.

Hiện tại, các sản phẩm của hợp tác xã được tiêu thụ trong các cửa hàng thực phẩm sạch, hợp tác xã cũng đang liên hệ, ký kết hợp đồng bao tiêu đưa rau an toàn vào chuỗi các siêu thị của Hà Nội và các bếp ăn tập thể của địa phương.

Về sản xuất VietGAP, hợp tác xã tổ chức ươm cây giống trên khay, sản xuất phân theo công nghệ hữu cơ, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật theo quy tắc 4 đúng.

Bà Lê Việt Nga đánh giá, thời gian qua đã có rất nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia chương trình kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh của các địa phương.

Việc kết nối đã đạt được những kết quả tích cực như mở rộng được thị trường, tăng thêm nguồn cung hàng nông sản-thực phẩm, nhất là thực phẩm an toàn cho chuỗi các cửa hàng bán lẻ hiện đại...

Bên cạnh đó, các địa phương, các hợp tác xã nông nghiệp cũng đã tích cực, chủ động phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện các chương trình có điểm nhấn về kết nối tiêu thụ nông sản, góp phần đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối và tạo sự ổn định về đầu ra cho nông sản Việt Nam.

Theo nhận định từ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, các hợp tác xã và hệ thống siêu thị lớn đã dần tìm được tiếng nói chung trong việc phối hợp đưa nông sản sạch vào kênh phân phối hiện đại.

Khi hoạt động này đi vào thực chất và được duy trì, người hưởng lợi không ai khác chính là bà con nông dân và người tiêu dùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục