Cầu khấn như thế nào cho đúng khi lễ chùa, chiêm bái chốn tâm linh?

Thăm quan, chiêm bái lễ Phật là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, cách cầu khấn như thế nào mới tốt, mới đúng, là điều không phải ai cũng biết khi đến lễ chùa.
Điện Tam Bảo trong quần thể chùa Tam Chúc. (Ảnh: Nam Nguyễn/Vietnam+)

Đi lễ chùa đầu Xuân năm mới là một trong những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam từ xưa đến nay, với mong muốn cầu cho quốc thái dân an, mùa màng bội thu; gia đạo khỏe mạnh, bình an và hạnh phúc…

Tuy nhiên, cách cầu khấn và tâm thái khi hành lễ, tham quan, chiêm bái lễ Phật thế nào mới tốt, mới đúng, là điều không phải ai cũng biết. Để hiểu rõ hơn về điều này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó Trụ trì chùa Tam Chúc.

[Tam Chúc: Những khoảnh khắc tuyệt đẹp ở ngôi chùa lớn nhất Việt Nam]

- Thưa Thượng tọa, đi lễ chùa là một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam, xin Thượng tọa có thể chia sẻ thêm về câu chuyện này nhân dịp đầu Xuân năm mới?

Thượng tọa Thích Minh Quang: Đi chùa tham quan, chiêm bái lễ Phật là một nét đẹp văn hóa đã có từ lâu của người dân Việt Nam.

Đến chốn linh thiêng, trước hết, mỗi người cần tự ý thức đi nhẹ, nói khẽ, không chen lấn, xô đẩy, giữ cho thân tâm thư thái, nhẹ nhàng mà vẫn trang nghiêm. Các thầy đều hướng dẫn các Phật tử: “Nói năng nên nói đủ nghe/ Xin đừng quát tháo sợ e tội tình/ Cửa Phật là chốn anh linh/ Đi cầu phải giữ cho mình mới nên.”

Đi lễ Phật cũng là sự hưởng thụ để cho thân tâm mình thư thái, bớt tham, sân, si, tâm bớt xáo trộn. Chúng ta bước chân vào cửa Phật giống như bước vào giải thoát môn. Vào cửa Phật, ai đến trước lễ trước, ai đến sau lễ sau. Các cụ ta có câu: “Một lễ xa bằng ba lễ gần.” Nếu hàng ngàn, hàng vạn người cùng đến lễ chùa mà chen lấn, xô đẩy thì mất đi sự tôn nghiêm nơi tâm linh cửa Phật.

Chùa Ngọc, ngôi chùa cổ nghìn năm tuổi trên đỉnh cao nhất của quần thể khu du lịch Tam Chúc. (Ảnh: Nam Nguyễn/Vietnam+)

Việc thứ hai, đến cửa Phật nên hạn chế đốt hương, vàng mã vì khói ảnh hưởng tới môi trường, tượng pháp, đồ thờ, ảnh hưởng tới nghi lễ. Bởi “Một nén hương thơm thấu cửu trùng/ Xin đừng đốt lắm khói mông lung/ Gây nên tổn hại mờ tranh tượng/ Ảnh hưởng lễ nghi chốn nội cung.”

Chúng ta có thể tiết kiệm chi phí đốt tiền vàng mã để dành dụm giúp những mảnh đời khó khăn, vất vả, nhất là trong dịp lễ Tết Nguyên Đán.

Việc thứ ba, đi lễ chùa cần cố gắng giữ gìn, bảo vệ cảnh quan, môi trường xanh-sạch-đẹp. Đặc biệt, chúng ta cố gắng giữ được môi trường đẹp nơi tâm đó là miệng không nói những điều xấu ác, tâm không nghĩ những điều xấu ác; giữ được môi trường nơi thân đó là không xả rác bừa bãi.

Nhà Phật nói, mỗi chúng ta đều tự tu sửa thân-khẩu-ý: nói lời hay, làm việc tốt, giữ tâm thiện đấy chính là tu.

Thượng tọa Thích Minh Quang. (Ảnh: Nam Nguyễn/Vietnam+)

- Vậy đi tham quan, chiêm bái chốn tâm linh thì nên cầu khấn như thế nào cho đúng, thưa Thượng tọa?

Thượng tọa Thích Minh Quang: Trong nghi lễ Phật giáo có nói nghiêm là cốt của lễ, hòa là cốt của nhạc. Khi hành lễ phải trang nghiêm, bởi Phật hay Thánh cũng không yêu cầu chúng ta phải lễ thật to, thật nhiều mà quan trọng là thành tâm.

Khi cầu nguyện, trước hết phải cầu cho quốc thái dân an, bởi quốc có thái thì người dân - trong đó có mình, mới an; cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa sẽ không có bão lũ, thiên tai; cầu cho dịch bệnh tiêu tan; rồi mới tới cầu cho bản thân, gia đình và những người xung quanh được bình an, mạnh khỏe.

Chúng ta cầu hai điều là bình an và mạnh khỏe cho cuộc sống này đã là tuyệt vời lắm rồi. Có người hỏi thầy, làm thế nào để cuộc đời bình an? Nếu chúng ta làm theo lời đức Phật dạy là nói lời hay, làm việc tốt, giữ tâm thiện, thì đời bình an.

- Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của Thượng tọa./.

(Ảnh: Nam Nguyễn/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục