Đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, dự án xây dựng cầu Hưng Hà dự kiến hoàn thành vào ngày 30/6/2018, sớm hơn một năm so với kế hoạch.
Dự án cầu Hưng Hà đã giải ngân được 1.247/1.505 tỷ đồng (đạt 77,24%); trong đó, sản lượng thi công đạt gần 90%. Cụ thể, đến thời điểm này, các hạng mục chính của dự án đã cơ bản hoàn thành. Các nhà thầu đang thực hiện một số công đoạn như vệ sinh mặt cầu, gia tải tại hai mố cầu và hai hầm cống; đồng thời trải thảm mặt cầu khi thời tiết thuận lợi.
Theo kế hoạch, dự án cầu Hưng Hà và đường dẫn hai đầu cầu sẽ hoàn thành thi công trong vòng 36 tháng. Tuy nhiên, nếu được hoàn thành vào ngày 30/6 tới đây thì dự án sẽ về đích sớm 1 năm, đáp ứng yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải đề ra.
["Chốt" ngày hoàn thành dự án cầu Hưng Hà và đường nối hai cao tốc]
Ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết, việc vượt tiến độ cũng giúp dự án tiết kiệm chi phí. Hiện dự án đang có vốn dư khoảng 1.000 tỷ đồng từ vốn vay ODA của Hàn Quốc.
Từ nguồn vốn dư trên, để đảm bảo khai thác đồng bộ, Ban Quản lý dự án Thăng Long đang đề xuất Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ cho phép xây dựng thêm một số tiểu dự án nằm trong phần kết nối tại dự án cầu Hưng Hà (đã được phía Hàn Quốc đồng ý).
Theo đó, có cầu vượt qua Quốc lộ 39 tại km 38+732 (thuộc địa phận xã Phương Chiểu, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) với mức đầu tư khoảng 250 tỷ đồng.
Lý giải về số vốn dư của dự án, đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long chia sẻ là do quá trình đấu thầu đã giúp tiết giảm được 10% tổng mức đầu tư. Bên cạnh đó, phí dự phòng cơ bản của dự án cũng chưa dùng tới. Đặc biệt, trong quá trình thi công, dự án cũng trượt giá thấp hơn so với dự kiến ban đầu.
Được khởi công xây dựng cuối tháng 12/2015, cầu Hưng Hà và đường dẫn hai đầu cầu dài 6,166 km. Điểm đầu tại Km 24+950 giao cắt với Quốc lộ 39 (km 38+732, thuộc địa phận xã Phương Chiểu, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Điểm cuối tại km 31+115,77 giao cắt với đường dẫn của cầu Thái Hà (km 1+028,01, thuộc xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam).
Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, sau khi hoàn thành, cầu Hưng Hà sẽ đáp ứng yêu cầu kết nối hai tuyến đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và Cầu Giẽ-Ninh Bình, làm động lực phát triển khu vực đồng bằng sông Hồng, nâng cao khả năng khai thác 2 tuyến đường cao tốc.
Đồng thời, dự án còn góp phần giảm áp lực và rút ngắn thời gian đi lại của phương tiện qua Thủ đô Hà Nội, góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam và Thái Bình./.